Thaksin cản trở đàm phán "áo đỏ" và chính phủ

Cập nhật: 19-03-2010 | 00:00:00

Đã có những nỗ lực đưa Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD) và chính quyền Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đến bàn đàm phán. Tuy nhiên, chính cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra lại đang cản trở tiến trình này.

 

Nhiều người áo đỏ đã mệt mỏi sau nhiều ngày trên đường phố

 

Báo Bangkok Post đưa tin trong vài ngày qua, các thành viên Ủy ban Nhân quyền quốc gia Thái Lan (NHRC) đã thảo luận với các lãnh đạo UDD, và hôm qua đã đến gặp Thủ tướng Abhisit ở doanh trại Trung đoàn bộ  binh 11. NHRC cho biết mục tiêu của các cuộc đàm phán là lực lượng áo đỏ chấm dứt biểu tình ở Bangkok.

 

“Đến nay, UDD đã cam kết sẽ ngừng biểu tình ở một số khu vực”, Bangkok Post dẫn lời chủ tịch NHRC Amara Pongsapich. Nguồn tin NHRC cho biết phía UDD vẫn yêu cầu ông Abhisit giải tán Hạ viện, tổ chức bầu cử sớm. Đồng thời, UDD và phe áo vàng Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) sẽ ký một thỏa thuận theo đó hai bên chấp nhận kết quả cuộc bầu cử tới.

 

Trước đó, ông Abhisit luôn khẳng định sẽ không từ chức hoặc giải tán Hạ viện. Tuy nhiên, mới đây ông cho biết có thể đàm phán mọi yêu cầu của UDD nếu các yêu cầu này “phù hợp với lợi ích của đại đa số công chúng”, chứ không phục vụ lợi ích riêng của ông Thaksin. Ông Abhisit cho yêu cầu UDD phải đảm bảo cho mọi chính trị gia được đến tất cả mọi miền đất nước, kể cả những khu vực đảng đối thủ chiếm ưu thế, để vận động tranh cử.

 

Tuy nhiên, theo Bangkok Post, một cản trở lớn đối với tiến trình đàm phán chính là ông Thaksin. Tối qua, ông Thaksin đã bác bỏ vai trò của NHRC bởi ông cho rằng NHRC không phải là một tổ chức độc lập. Ông Thaksin cáo buộc NHRC hành động vì lợi ích của giới quý tộc và quan liêu.

 

Trước khi hai bên bước vào bàn đàm phán, viễn cảnh Bangkok tê liệt khi người biểu tình tỏa ra khắp thành phố trong ngày mai 20-3 vẫn là một nguy cơ lớn. Reuters dẫn lời ông Kosin Sripaiboon thuộc hãng UOB Kay Hian Securities ở Bangkok nhận định cuộc biểu tình có thể kéo dài lay lắt đến tận cuối tháng tư hoặc tháng năm.

 

Giới quan sát cho rằng nếu cuộc biểu tình kéo dài quá lâu, vị thế của ông Abhisit sẽ bị ảnh hưởng, bởi khi đó, ông sẽ bị đánh giá là không đủ khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng, và khả năng điều hành đất nước bị hạn chế.

 

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên