Tham gia CPTPP: Thách thức từ nguồn nhân lực

Cập nhật: 20-03-2018 | 08:17:50

Bên cạnh những tác động tích cực, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam tham gia được thực thi sẽ khiến một bộ phận lao động mất việc do doanh nghiệp (DN) không có khả năng cạnh tranh. Chính vì thế, thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao đối với cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng là rất lớn.

 Sản xuất may mặc tại Công ty Chutex. Ảnh: XUÂN THI

 Thách thức lớn

Báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho rằng, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày so với kịch bản cơ sở. Tất cả nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi, nhưng mức lợi ích đạt được sẽ cao hơn ở nhóm lao động trình độ cao. Nghĩa là người lao động có trình độ càng cao sẽ càng có nhiều cơ hội hưởng lợi từ CPTPP. Hay nói cách khác, người lao động tại Việt Nam sẽ có một bộ phận không nhỏ mất đi cơ hội việc làm; áp lực nâng cao tay nghề, trình độ người lao động ngày càng tăng khi Việt Nam tham gia CPTPP.

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây giúp GDP của cả nước có thể tăng thêm 6,7%, góp thêm 15 - 17% tăng trưởng về xuất khẩu. Nhưng với CPTPP, chỉ giúp GDP tăng thêm 1,32%, tăng trưởng về xuất khẩu chỉ tăng thêm 4%. Đối với một số ngành như dệt may, quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang các thành viên tham gia CPTPP chỉ chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, thấp hơn rất nhiều so mức gần 38% của riêng thị trường Mỹ. Trong khi đó, thách thức của các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tài chính… cũng rất lớn; kèm theo đó là đòi hỏi khắt khe hơn về nguồn nhân lực.

Là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ ở nhóm cao của cả nước, áp lực đối với nguồn nhân lực tại chỗ của Bình Dương vì thế sẽ càng trở nên gay gắt hơn. Sau nhiều năm chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng của Tỉnh ủy, đến nay Bình Dương đã thu hút hơn 1 triệu lao động ngoài tỉnh phục vụ cho nhu cầu của các nhà đầu tư làm ăn tại tỉnh. Trong số này, có hơn 60% lao động đã qua đào tạo nghề. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn lao động này chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của các DN. Chính vì thế, thách thức đặt ra khi CPTPP chính thức có hiệu lực là rất lớn.

Cùng với làn sóng đầu tư vào nước ta được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, CPTPP sẽ kéo theo nhu cầu cao hơn về trình độ của người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực sản xuất đòi hỏi trình độ công nghệ tiên tiến. “Áp lực không chỉ với người lao động khi phải tự nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu của DN, mà ngay chính bản thân DN cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động kỹ thuật cao khi CPTPP có hiệu lực và xuất hiện làn sóng nhà đầu tư mới”, ông Lưu Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương nhận định.

Tăng cường công tác đào tạo

Có thể khẳng định, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Dương trong những năm qua đã được triển khai đồng bộ và đạt được kết quả khá toàn diện. Các DN có nhiều giải pháp để thu hút lao động có tay nghề, cùng với công tác đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề của DN. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo chất lượng cao, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Qua đó đã tạo chuyển biến tích cực, tác động đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và là một nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh nhà.

Với quan điểm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới là nhiệm vụ có tính chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Dương luôn coi trọng vai trò của giáo dục - đào tạo và tập trung đầu tư cho lĩnh vực này. Tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và củng cố đội ngũ giáo viên, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của người dân trong tỉnh.

Mới đây, Bình Dương đã ban hành Đề án bảo đảm nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2025. Theo đó, mục tiêu của đề án là đến năm 2020 đưa tỷ lệ lao động trên địa bàn tỉnh qua đào tạo đạt 80%, đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 4.000 học viên; hàng năm giải quyết số việc làm tăng thêm khoảng 45.000 lao động; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 40%. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đối tượng được đào tạo nghề là thanh niên trong độ tuổi lao động ở thành thị, nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số chưa có việc làm; bộ đội xuất ngũ, học sinh, học viên, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, các chuyên ngành khác đã học xong nhưng chưa có việc làm; người lao động tại DN. Ngành nghề tập trung đào tạo gồm các ngành mũi nhọn, sử dụng khoa học - công nghệ tiên tiến như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện, điện tử...

Rõ ràng, với định hướng chiến lược đúng đắn đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh vạch ra trong nhiều năm qua, Bình Dương đang đi đúng hướng trong việc phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ chủ động hơn trước những cơ hội và thách thức từ CPTPP cũng như hàng loạt hiệp định thương mại tự do, cam kết khác mà Việt Nam tham gia, ký kết.

 KHÁNH VINH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên