Thăm Hà Nội mùa thu

Cập nhật: 11-10-2010 | 00:00:00

Khi chiếc máy bay từ từ chạm đường băng của sân bay Nội Bài, lòng chợt nghe bồi hồi lẫn nôn nao khó tả, có lẽ vì đó là lần đầu tiên chúng tôi đến thủ đô ngàn năm văn hiến. Trên suốt chặng đường từ sân bay về một khách sạn ở trung tâm thành phố, nhìn cái gì cũng cảm thấy vừa như xa lạ lại vừa như thân quen từ những con đường, những tấm bảng quảng cáo to tướng chào đón du khách đến Hà Nội, những người chạy xe ôm, bán hàng quán mặc veston (không biết do trời lạnh hay do đó là phong cách của người Hà Nội, vì ở miền Nam chúng ta chỉ mặc veston vào những dịp lễ, hội hay cưới hỏi lớn...), lâu lâu lại thấy những chiếc xích lô chở khách thong thả chạy ngược chiều...

Đêm mùa thu ở Hà Nội, nhiệt độ xuống 13 -14 độ, đối với những người hay có dịp ra miền Bắc hoặc người dân tại chỗ có lẽ đó là nhiệt độ bình thường nhưng đối với chúng tôi - những người từ miền Nam ra thì là khá lạnh. Ăn tối xong, trang bị quần áo ấm chúng tôi làm một cuộc “đi bộ đồng hành” để biết Hà Nội về đêm. Điểm khác với TP.HCM hay Bình Dương là đường phố Hà Nội có nhiều cây xanh hơn, xe hơi, xe gắn máy cũng nhiều và thường xuyên nhấn còi inh ỏi... Chúng tôi tấp vào một quán cà phê ngay trung tâm một khu phố lớn, quán rất lịch sự, phía trước toàn là cửa kiếng nên ngồi trong quán vừa uống nước, trò chuyện chúng tôi vừa có thể ngắm nhìn những hoạt động về đêm của một góc Hà Nội với xe cộ như mắc cửi, cửa hàng, cửa hiệu nhộn nhịp người ra vào, đặc biệt là các cửa hàng ăn uống, kinh doanh quần áo thời trang và áo chống rét...

  Trong khuôn viên chùa Trấn Quốc

Buổi sáng, sau khi xếp hàng để vào thăm lăng Bác và một số danh thắng của thủ đô như Văn Miếu Quốc Tử Giám, hồ Gươm, hồ Tây, chùa Trấn Quốc... chúng tôi cùng đi bộ để có thể tham quan một số chợ của Hà Nội, trong đó có chợ Đồng Xuân sầm uất, nhộn nhịp. Cũng giống như những chợ lớn ở miền Nam, chợ Hà Nội phong phú hàng hóa trong nước và nhập khẩu, có lẽ nhiều nhất là hàng của Trung Quốc. Từ hàng tiêu dùng, hàng kim khí điện máy, thuốc trị bệnh, điện thoại di động, quần áo may sẵn, quần áo ấm bằng len và bằng da, những đặc sản của các vùng miền... và ở các khu chợ này cũng không thiếu chuyện “nói thách”. Du khách từ phương xa đến nếu không có bạn bè, người quen tại chỗ tư vấn hoặc hướng dẫn đi mua hàng thì rất có nguy cơ bị mua hớ - bởi một món hàng có thể được người bán nói giá gấp đôi, thậm chí gấp ba lần...

Dạo 3, 4 cái chợ mỏi chân, một người bạn rủ: “Mình đi uống trà quán cóc Hà Nội đi”. Đã nghe nói nhiều về một đặc trưng của văn hóa Hà Nội là quán cóc nhưng chưa một lần đi thực tế nên chúng tôi liền hưởng ứng. Dạo qua vài đường phố tìm một quán cóc đúng nghĩa của nó, chúng tôi ghé vào. Đó là một ngôi nhà nửa cổ kính, nửa hiện đại, cửa bằng gỗ, khép hờ, xéo một góc trước cửa có bày mấy chiếc ghế bằng gỗ con con, trên chiếc bàn nhỏ cũng bằng gỗ có vài cái hũ, lọ thủy tinh chứa đậu phộng, ô mai, kẹo, bình thủy, ấm nước, mấy cái ly kế bên là ống... thuốc lào. Bà cụ ngồi bán quán khoảng trên dưới 70 tuổi, răng nhuộm đen, lụ khụ bởi khăn trùm đầu, áo ấm nhưng trông vẫn còn minh mẫn vui vẻ chào đón: “Mời các bác xơi nước”. Nước ở đây gồm một số loại trà, nước mát như la hán quả... Trời lạnh. Ngồi ven một góc phố của Hà Nội uống ly trà nóng hổi, ăn đậu phộng rang và trò chuyện với bạn bè, người thân... không có cái thú nào bằng. Nó dân dã nhưng thanh tao biết mấy. Đứa em nói: “Chị đừng nghĩ người ta bán quán cóc là nghèo hết đâu nha...”. Quả thật nhìn vào ngôi nhà của bà cụ bán quán chúng tôi thấy rất đầy đủ tiện nghi: tủ đứng, tivi to đùng, dàn âm ly, cạnh đó là 3 chiếc xe máy, trong đó có một chiếc hiệu Dylan... Bà cụ cho biết có 3 người con đều là cán bộ công nhân viên Nhà nước, một người là giảng viên đại học, người khác đang công tác trong ngành ngân hàng. Bà cụ mở quán bán cho vui, chứ không phải vì mấy đồng lời. Thật vậy, tôi nhẩm tính mỗi cốc nước, ly trà nóng có 1.000 đồng thì mỗi ngày người bán chắc sẽ không lời lãi được bao nhiêu...

  Một góc phố Hà Nội

Những ngày ở Hà Nội, chúng tôi nằn nì mấy người bạn phải đi tìm cho được những con đường nào có nhiều hoa sữa để ngắm nhìn và ngửi mùi hương của nó cho... biết. Và khi được đi dưới những hàng cây ngan ngát mùi hương hoa, loại hoa thường chỉ thơm nhiều về đêm, đã được đưa nhiều vào thơ ca. Loại hoa mà mới ngửi mùi hương của nó sao thấy nồng nồng ngai ngái một cách là lạ như là mùi tiêu lốp mẹ hay rang, nhưng rồi dần dần cảm thấy nó như có cái gì đó thật quyến rũ... Bạn cho biết: Hoa sữa không biết du nhập vào Hà Nội từ bao giờ. Cây cao, dáng đẹp, thân mốc thếch, có khi cao tới 20m, cành đan xen khúc khuỷu. Khác với nhiều loại cây, lá cây hoa sữa phát triển từng đốt, mỗi đốt thường xòe ra từ 6 - 7 lá... Từ những đốt cành nảy ra những nhánh nhỏ vươn về mọi phía, làm cho tán cây luôn xanh mướt, bấm vào cành non thấy chảy ra chất nhựa có màu trắng như sữa, không biết có phải vì vậy không mà người ta gọi đấy là cây hoa sữa. Cây hoa sữa không có mùa trút lá, chỉ lác đác rụng lá vàng nên suốt năm cây xanh tốt và hoa sữa nở vào độ cuối thu đầu đông, những cụm hoa nhỏ xíu chen chúc từng đám màu trắng phớt. Bạn cũng đưa chúng tôi đi dạo trên con đường Nguyễn Du thơ mộng và tĩnh lặng, một con đường thường gắn liền với hoa sữa Hà Nội mỗi khi người ta nhắc đến...

Một đặc trưng của Hà Nội mùa thu cũng lôi cuốn nhiều người nữa có lẽ là bánh cốm xanh: những chiếc bánh nho nhỏ có lớp bột bên ngoài trong trong màu xanh ngọc, bên trong có một lớp nhân đậu xanh ngòn ngọt thơm mùi lá dứa mà bạn bè đi công tác Hà Nội về hay mua làm quà... làm chúng tôi rất thích. Rất tiếc hôm rời Hà Nội, mấy đứa em chạy đôn, chạy đáo định mua làm quà nhưng mấy chỗ quen lại hết hàng làm chúng tôi cứ tiếc mãi...

Có đến Hà Nội mùa thu mới biết vì sao nhiều nhà văn, nhà thơ, các nhạc sĩ lại hay có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội, bởi vì Hà Nội mùa thu đẹp quá, đẹp làm nao lòng người. Có lẽ vì vậy nên nhiều người con Hà Nội xa quê bôn ba tận xứ người nhiều năm vẫn quặn thắt ruột gan, vẫn mang nỗi nhớ ray rứt khi chợt nghe những bài hát về Hà Nội, khi trời đất ở xứ người đang chuyển từ mùa hạ sang thu. Có quá đáng không khi nói mùa thu thâm trầm và bình yên ở Hà Nội là một trong những món quà của thiên nhiên ban tặng cho con người...

VÕ HƯƠNG - THANH NHÀN  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên