Tháng tư - nhớ những người con “xa xứ”

Cập nhật: 27-04-2019 | 10:38:41

Trước ngày đất nước thống nhất, Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo được dư luận và báo chí quốc tế gọi bằng cái tên “Địa ngục trần gian”. Ngày nay, công trình được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia, hàng năm đón tiếp đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Nơi đây cũng được thế hệ trẻ cả nước chọn để về nguồn truyền thống, tri ân, học tập những tấm gương kiên trung bất khuất mà nhiều nhà cách mạng lỗi lạc như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu cùng những người con Bình Dương như Bùi Văn Khá (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng), Khưu Văn Tửng (xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên)... đã để lại.

Mộ liệt sĩ Khưu Văn Tửng (xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên) tại Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo. Ảnh: DUY CHÍ

 

Có mấy người còn tên...

Suốt 113 năm tồn tại (1862- 1975), nhà tù Côn Đảo là một trong những nhà tù khét tiếng tàn ác trên thế giới, nơi giam cầm các chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động cách mạng, lãnh đạo chính trị hoạt động bí mật... Dù cố che giấu bằng mọi cách nhưng nhà tù đã bị các nhà hoạt động nhân quyền thế giới phát hiện và gọi bằng cái tên “Địa ngục trần gian”. Không cần biết bạn là người như thế nào, bạn đến từ đâu nhưng nếu một lần được tới đây, được tiếp xúc với những nhân chứng lịch sử hoặc những gì còn được lưu giữ, bảo tồn bạn sẽ không khỏi rùng mình, dựng tóc gáy hoặc rơi nước mắt trước sự dã man, tàn ác có hệ thống của những con người trần gian đã làm việc cho địa ngục này. Thực tế chúng tôi ghi nhận được, hầu như bất cứ ai khi đã tham quan một vòng nhà tù này đều có chung suy nghĩ rằng sự tàn ác dù có được che giấu tinh vi thế nào cũng có ngày bị phơi bày.

ÔNG TRẦN VĂN NHƠN, NGUYÊN BÍ THƯ ĐẢNG ỦY XÃ THẠNH PHƯỚC, HUYỆN TÂN UYÊN: Luôn khắc ghi công lao các anh hùng liệt sĩ

Tôi vui mừng khi hàng năm địa phương đều tổ chức họp mặt, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công. Dù đã gần nửa thế kỷ đi qua nhưng lâu lâu chúng tôi lại được nghe phát hiện mộ, hài cốt liệt sĩ. Đây là điều bình thường, vì điều kiện chiến tranh mà. Điều quan trọng là trong mỗi chúng ta luôn khắc ghi và thực hiện khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”. 

Số liệu lưu trữ không còn đầy đủ tại Ban Quản lý di tích này cũng cho thấy, trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo, đã có hơn 20.000 tù nhân bỏ mạng vì những đòn tra tấn, đánh đập hoặc bị bỏ chết đói, chết lạnh. Trung bình cứ cách 1 ngày, nhà tù Côn Đảo có 1 tù nhân bỏ mạng. Khi tù nhân chết, xác được bọc trong 2 chiếc túi bàng; 1 trùm từ đầu xuống và 1 kéo từ dưới chân lên, rồi được các cai ngục dùng dây bó lại. Không nhang khói, không người đưa tiễn, xác tù nhân được giao cho những người tù thường phạm, còn khỏe mạnh mang ra nghĩa trang chôn hoặc vùi lấp tùy vào thái độ của cai ngục. Chính vì thế, số mộ trong nghĩa trang không có hàng lối như nhiều nghĩa trang khác. Điều này giải thích vì sao tại Nghĩa trang Hàng Dương, mộ phần có khi nằm tập trung thành một quần thể, có lúc thì rải rác, lẩn khuất trong các lùm cây, khe đá.

Trong lúc chôn xác tù nhân, vì kính nể khí phách, tấm gương kiên trung của người đã ngã xuống mà các “phu mộ” đã giấu cai ngục khắc lại họ tên, ngày chết trên tấm bia có khi bằng xi măng, tấm vỏ nhựa để con cháu, gia đình, đồng đội sau này tìm kiếm, lập mộ. Cũng có nhiều trường hợp “phu mộ” mang xác tù nhân ra chôn vội chôn vàng cho xong theo lệnh và sự giám sát chặt chẽ của cai ngục. Do vậy, trong số 1.913 ngôi mộ tại nghĩa trang có đến 1.120 ngôi mộ không có tên, địa chỉ, ngày chết; số mộ có tên, địa chỉ, ngày chết chỉ có 793 mộ, chiếm 41,4% số mộ có tên trong nghĩa trang.

Các phần mộ ở đây có đủ tên tuổi, quê quán, chức vụ, ngày hy sinh, phần lớn là bị xử bắn, bị hành hạ, tra tấn cho đến chết vì không “chấp hành” quy định của nhà tù. Điển hình như mộ tập thể 5 liệt sĩ quê quán từ Tiền Giang, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa đến Hà Nội bị xử bắn ngày 27-3-1961. Trong số này có 2 liệt sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là Phạm Thành Trung, Bí thư Huyện ủy Cái Bè (Tiền Giang) và Cao Văn Ngọc (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trên mộ đồng chí Lưu Chí Hiếu, quê Nam Định còn lưu lại bút tích: “Tên tôi là Lưu Chí Hiếu, tôi không ly khai Đảng Cộng sản”. Vì không chấp hành “quy định” của nhà tù, đồng chí đã bị đánh cho đến chết. Học tập tinh thần kiên trung bất khuất của ông, đồng đội cùng thời đã lấy tên ông đặt tên cho Đảng bộ nhà tù là “Đảng bộ Lưu Chí Hiếu”. Đảng bộ hoạt động đến ngày 30-4-1975 thì đổi tên thành Đảo ủy lâm thời Côn Đảo. Đồng chí Lưu Chí Hiếu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 23-2-2010.

Những người con Bình Dương tại Nghĩa trang Hàng Dương

Theo lời người thuyết minh, cả đoàn chúng tôi đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương như bị lạc vào những dòng cảm xúc bất tận. Cùng với các thành viên trong đoàn, tôi cứ theo cảm xúc đến cúi đầu, thắp nhang trước các phần mộ. Lúc cắm nhang, tôi bất ngờ nhìn thấy phía dưới lư hương có dòng chữ: Tân Uyên - Bình Dương. Không tin vào mắt mình, tôi ngước lên đọc hết nội dung trên bia: “Khưu Văn Tửng, quê quán xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên”.

Theo cảm xúc, tôi cứ đi tới thắp hương các phần mộ chưa có tên phía trước mặt và tiếp tục có cảm giác như có ai đang nhìn mình. Bước tới thắp nhang cho phần mộ nằm khá xa nhiều ngôi mộ khác có di ảnh gắn trên bia, tôi đọc rõ được từng chữ “Bùi Văn Khá, sinh năm 1927 tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương; nguyên Xã đội phó; bị địch bắt ngày 20-10- 1955; chức vụ: Cán bộ hoạt động mật; hy sinh ngày 5-8-1957; hưởng dương 30 tuổi…”.

Nhà tù Côn Đảo được Thượng nghị sĩ Tom HarKin phát hiện năm 1970 (lúc đó ông là thư ký Quốc hội Mỹ) cùng nhà báo Don Luce phát hiện ra từ nguồn tin và tấm bản đồ phác thảo của sinh viên Cao Nguyên Lợi - thủ lĩnh sinh viên Sài Gòn vừa được trả tự do sau thời gian bị giam cầm tại Chuồng Cọp thuộc Nhà tù Côn Đảo. Thời điểm đó, khi đoàn nghị sĩ Mỹ đến Côn Đảo, Chúa đảo Nguyễn Văn Vệ tiếp đón rất nồng hậu và phủ nhận hoàn toàn nguồn tin. Khi đoàn đi tham quan thực tế nhà tù đến trưa thì phát hiện một con đường nhỏ, đoàn muốn đến xem thì chúa đảo lỡ miệng trả lời: “Đó chỉ là khu vườn rau cho tù nhân lao động”. Hai chữ “vườn rau”chính là điểm nhấn trong tấm bản đồ phác thảo của sinh viên Cao Nguyên Lợi nên đoàn tiến thẳng về phía đó.

Trời nắng nóng, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ tính tình nóng nảy, liền cầm cây ba toong gõ vào chiếc cửa gỗ quát lớn: “Đây chỉ là vườn rau, đường cụt, không có lối qua lại”. Không ngờ tên lính gác phía sau cánh cửa nghe tiếng chúa đảo cùng những tiếng gõ như gọi cửa đã vội mở toang cánh cửa. Nhờ đó, đoàn nghị sĩ Mỹ phát hiện ra khu biệt giam tù nhân chính trị có tên “Chuồng Cọp”. Nhờ sự phát hiện đó mà các lực lượng tiến bộ trên thế giới đã chuyển hướng sang ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra con đường đấu tranh giữa 3 mũi giáp công: Chính trị - Quân sự - Ngoại giao, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30- 4-1975 thống nhất đất nước.

Bà Đồng Thị Hương, gia đình chính sách tiêu biểu ở phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên - cựu tù chính trị, tù binh, bị giam cầm tại nhiều nhà tù ở miền Nam, được đồng đội rước về sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975), kể: “Dù là tù chính trị hay tù binh thì nguyên tắc bảo đảm bí mật cho tổ chức, dù phải hy sinh bản thân là lựa chọn đầu tiên. Tổ công tác của chúng tôi lọt vào trận địa phục kích, nhiều đồng chí hy sinh, tôi bị dập nát 1 tay, gãy hết mấy xương sườn bất tỉnh. Khi tôi tỉnh dậy thì thấy bên này bác sĩ Mỹ băng bó, chăm sóc, bên kia cảnh sát lấy khẩu cung. Dù rất đau đớn nhưng trong đầu tôi đã có sẵn suy nghĩ: “Nó không biết nên mới điều tra. Mình phải khai như không khai”. Tôi liền nghĩ ra cái tên mới, sao cho nó quê quê, không liên quan gì đến công việc. Quan trọng là mình nói cái gì thì phải nhớ cái đó, vì địch có ghi chép hồ sơ, còn mình phải sắp đặt trong đầu để lời khai vừa ăn khớp với hồ sơ vừa không bị lộ. Hơn 3 tháng nằm trong bệnh viện, ngày nào tôi cũng phải hầu tra kiểu đó mà chúng không khai thác được gì. Cuối cùng, chúng xếp tôi vào diện tù binh và đưa đi biệt giam ở An Nhơn, Bình Định”.

“Không chỉ riêng tôi mà các đồng chí khác cũng vậy, nếu hy sinh trong tù thì họ tên trên hồ sơ đều là mật danh, biệt danh chứ không phải tên thật, trừ những trường hợp quá nổi tiếng, quá rõ ràng”, bà Hương nói.

DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên