Thành nhà Hồ - Giá trị di sản trường tồn

Cập nhật: 16-06-2012 | 00:00:00

Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ sẽ được củng cố và phát huy giá trị bằng chính những hành động cấp thiết trong công tác quảng bá, quản lý, bảo vệ và trùng tu.

Quần thể Di sản thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) bao gồm tòa Hoàng thành đá, đàn tế Nam Giao, La Thành, được vương triều Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397 - 1402. Tòa thành phản ánh sự trao đổi những giá trị nhân văn quan trọng giữa Việt Nam và các nước Đông Á, Đông Nam Á vào cuối thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 15.

Tính đến nay, Thành nhà Hồ đã có tuổi thọ hơn 600 năm. Điều đặc biệt và độc đáo ở chỗ, tòa thành được xây dựng từ những phiến đá lớn, có độ dài trung bình 1,5 m, có tấm tới 6 m, xếp chồng lên nhau mà không cần chất kết dính.

 Thành nhà Hồ qua 600 năm vẫn sừng sững giữa trời đất.  Công trình độc đáo này đã thể hiện bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Việc sử dụng kỹ thuật xây dựng đá lớn là một thành tựu đột khởi trước sau chưa từng có ở Việt Nam, chứng minh quyết tâm mạnh mẽ của vương triều Hồ trong công cuộc cách tân xây dựng đất nước.

Theo khẳng định của nhiều nhà nghiên cứu, Thành nhà Hồ là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất về cảnh quan cũng quy mô kiến trúc ở khu vực Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier đã từng thán phục thốt lên: “Thành nhà Hồ là một trong những tác phẩm đẹp nhất của kiến trúc An Nam!”.

Còn đối với bà Katherine Muller-Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã kinh ngạc khi cho rằng: “Thành nhà Hồ được xây bằng việc xếp những phiến đá rất lớn lại với nhau mà không cần đến một chất kết dính nào trong một khoảng thời gian rất ngắn, lại thực hiện hoàn toàn bằng sức người. Đây là một trong rất nhiều bí ẩn của Thành nhà Hồ mà các nhà khoa học Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu”.

Hành trình đến với di sản

Ngày 27-6, tại cuộc họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) diễn ra từ ngày 19 – 29.6 tại Paris (Pháp), di tích Thành nhà Hồ thuộc tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, việc UNESCO công nhận Thành nhà Hồ là Di sản Văn hóa Thế giới dựa trên hai tiêu chí: Thành nhà Hồ thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và việc tiếp nhận các nguyên tắc phong thủy của quy hoạch đô thị  trong một bối cảnh Đông Á và Đông Nam Á.

Thành nhà Hồ là một ví dụ nổi bật, minh chứng cho sự phát triển nở rộ của Tân Nho giáo thực hành cuối Thế kỷ 14 của Việt Nam, ở một thời kỳ mà tư tưởng này đã lan rộng khắp Đông Á và trở thành một triết lý có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc cai trị trong khu vực. Việc sử dụng những khối đá lớn chứng tỏ sức mạnh tổ chức của một nhà nước Tân Nho giáo.

Theo TS. Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, hồ sơ Thành nhà Hồ đã được chuẩn bị một cách công phu để trình lên Ủy ban Di sản Thế giới.

“Với sự nỗ lực, đóng góp rất lớn của các nhà khoa học các như giáo sư Phan Huy Lê, Trần Tiêu, của các giáo sư Viện khảo cổ… của Bộ VH,TT&DL, Cục di sản văn hóa và Ủy ban UNESCO Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa kết hợp với việc tiến hành nhiều hội thảo khoa học, làm việc với Hội đồng khoa học di sản Việt Nam, Viện nghiên cứu lịch sử…, và sự tham vấn của các chuyên gia nước ngoài, hồ sơ Thành nhà Hồ đã được xây dựng theo đúng yêu cầu của Ủy ban Di sản Thế giới đề ra” – Ông Trọng chia sẻ.

Hướng bảo tồn, phát huy giá trị của di sản

Việc cam kết thực hiện nghiêm Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 của UNESCO cũng như những khuyến nghị của UNESCO và Trung tâm Quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS); lập quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di sản là những trọng tâm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa đang đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nổi bật của Thành nhà Hồ tới bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản Thành nhà Hồ, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Để Thành nhà Hồ là điểm đến hấp dẫn cho bạn bè trong nước cũng như quốc tế,  trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tổ chức thêm nhiều tour du lịch nội vùng gắn Thành nhà Hồ với các di tích vệ tinh và các tour du lịch từ Thành nhà Hồ đến các kinh đô cổ và các di sản khác trong cả nước.

Ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định, rất cần thiết phải đầu tư nhân lực và vật lực một cách phù hợp để giữ được sự toàn vẹn cảnh quan thiên nhiên của toàn bộ di sản, cũng như những kiến trúc và thiết kế xây dựng của Thành nhà Hồ. Bên cạnh đó, từng bước tiến hành khai quật khảo cổ học, kêu gọi nguồn lực đầu tư từ nước ngoài và trong nước. Trích một phần ngân sách địa phương để đầu tư cho việc thiết kế và khôi phục lại một số hạ mục công trình nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn di tích và thu hút du khách.

“Ưu tiên hàng đầu của Thanh Hóa là đẩy mạnh, tích cực làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, làm cho phần lớn người dân Việt Nam hiểu rõ ý nghĩa và những giá trị nổi bật của di sản Thành Nhà Hồ, từ đó giúp mọi người tăng thêm lòng yêu mến, trân trọng một công trình kiến trúc vĩ đại mà thế hệ ông cha ta đã dày công, bền bỉ sáng tạo nên và truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau”, ông Việt khẳng định.

Theo những thông tin mới nhất, hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết Thành Nhà Hồ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2015 có thể khai thác được tua du lịch đến Thành nhà Hồ với những cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ, sản phẩm du lịch đáp ứng được nhu cầu tham quan, chiêm ngưỡng, vui chơi, giải trí của du khách.

Đầu tư thoả đáng cho công tác tuyên truyền, quản lý, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của di sản - di tích Thành nhà Hồ là những việc làm cấp thiết, thường xuyên và liên tục để hôm nay và mai sau, nơi đây luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách gần xa.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên