Thanh niên với hàng Việt: Phải có chiến lược lâu dài

Cập nhật: 28-11-2010 | 00:00:00

Nhắc đến cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không thể không nhắc đến đối tượng thanh niên (TN). Bởi đây là lực lượng trẻ, có nhu cầu mua sắm cao, đồng thời cũng đang trong quá trình hình thành các thói quen mua sắm nên có tính chất ảnh hưởng mang tính lâu dài về sau. Như vậy, phải nhìn nhận CVĐ ở mức độ ảnh hưởng về lâu dài để làm thước đo của sự thành công, chứ không chỉ bởi những thành quả ngay trước mắt...

Khi thanh niên nói “có”

Hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đầu năm đến nay, các tổ chức Đoàn TN đã chú trọng đến những nội dung sinh hoạt, tuyên truyền, vận động nhằm kêu gọi TN dùng hàng Việt, cũng như hình thành nên nếp suy nghĩ và mua sắm mang tính ủng hộ hàng Việt. Qua đó, đã phần nào hình thành và nâng cao nhận thức của TN trong các xu hướng mua sắm, tiêu dùng của bản thân và gia đình.

 

Một trong những hoạt động của tổ chức TN Bình Dương nhằm vận động “Thanh niên Bình Dương dùng hàng Việt”

Quan sát một cách tổng quát đối với những hàng hóa tiêu dùng mà TN sở hữu, “yếu tố” thỏa mãn nhu cầu có tính “tức thời” chiếm đa số tâm lý mua sắm của TN. Quyết định mua sắm của TN bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó phải kể trước tiên là “đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, tiếp đến là giá cả phải phù hợp với khả năng và cuối cùng là chất lượng”. Bởi nói đến TN, ngoài một số ít có thu nhập, đã có thể tự trang trải các chi phí sinh hoạt của cá nhân, còn lại đa số phụ thuộc tài chính vào gia đình. Vì thế, trong các quyết định mua sắm của TN, thường chịu ảnh hưởng cả chủ quan lẫn khách quan.

Dựa trên những yếu tố này, có thể nói rằng, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng của TN thường có khuynh hướng lựa chọn hàng nội. Điều này được khẳng định khi thông tin từ các siêu thị ở Bình Dương, có đến 70 - 80% quyết định mua sắm của khách hàng là dành cho hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, với câu hỏi “bạn có thường sử dụng hàng Việt hay không?”, nhiều bạn trẻ đã phải lúng túng vì đã không nắm rõ lắm về xuất xứ của món hàng, cũng như cách phân biệt như thế nào là hàng nội, hàng ngoại nhập.   

Nguyễn Ngọc Linh, 17 tuổi, phường Phú Cường, TX.TDM, cho biết: “Mình được tự đưa ra quyết định khi mua một sản phẩm nào đó phục vụ nhu cầu của bản thân trên nền tảng của sở thích và hiểu biết về sản phẩm qua thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Thế nhưng, đối với những sản phẩm mang tính tiêu dùng và không có nhiều giá trị như quần áo, giày dép, những đồ ăn, thức uống... thì mình không phải bận tâm nhiều đến như vậy. Đối với những nhu cầu này, quyết định của mình tùy thuộc vào yếu tố thẩm mỹ và khả năng đáp ứng nhu cầu và cả khả năng thanh toán. Theo mình thấy, nhiều mặt hàng Việt rất tốt. Mình nghĩ TN luôn ủng hộ hàng Việt và mong muốn ngày càng có nhiều mặt hàng Việt chất lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của TN”. 

 Chiến lược lâu dài

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Bếp trưởng của Nhà hàng - Khách sạn Palace Saigon, TP.HCM kể cho chúng tôi nghe một mẩu chuyện nhỏ về thói quen ăn uống của người Nhật khi ăn uống tại nhà hàng. “Người Nhật luôn ưu tiên gọi những món ăn có sử dụng nguyên liệu, thực phẩm của Nhật hơn các món ăn khác, mặc dù giá cả có cao hơn gấp nhiều lần. Vì như vậy, họ có thể ủng hộ được hàng hóa của đất nước họ. Bên cạnh đó, họ có niềm tin tưởng vào chất lượng của những sản phẩm từ nước họ nhiều hơn”. Qua câu chuyện, chúng tôi liên tưởng đến CVĐ “Người Việt dùng hàng Việt” của chúng ta. Phải chăng tinh thần “yêu nước” của chúng ta không bằng họ hay tại vì các sản phẩm của chúng ta chưa chiếm được lòng tin đối với chính người nhà.

CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dù không thể đưa ra con số thống kê về những hiệu quả mang lại một cách cụ thể nhưng có thể nói rằng tác dụng về mặt hình thành và nâng cao nhận thức “ủng hộ hàng Việt” là đã có. Đây có thể xem là điều kiện thật sự thuận lợi của hàng Việt, trong việc khẳng định chất lượng sản phẩm và tạo dựng thương hiệu đối với thị trường trong nước. Ở góc độ này, bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, khẳng định: “Để người Việt dùng hàng Việt thì trách nhiệm không chỉ ở người tiêu dùng mà còn ở nhà sản xuất, vì nếu sản xuất hàng kém chất lượng, giá cao mà vin vào khẩu hiệu người Việt dùng hàng Việt thì không được”.

Hiệu quả CVĐ “TN Bình Dương ủng hộ hàng Việt” không chỉ có ý nghĩa về mặt tức thời mà còn có ý nghĩa lâu dài trong nhận thức và thói quen mua sắm của TN. Ý nghĩa của CVĐ là không thể phủ nhận, nhưng hiệu quả đến đâu còn cần ở sự quyết tâm, tính thường xuyên, liên tục và những hiệu quả thiết thực, nhìn từ 2 góc độ, cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

NGỌC TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên