Những ngày này về xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng dễ nhận thấy niềm vui trên gương mặt những chủ vườn măng cụt. Năm nay, măng cụt Thanh Tuyền được mùa, được giá, mở ra nhiều triển vọng cho vùng cây ăn trái đặc sản trong tương lai gần.
Niềm vui được mùa, được giá
Cây măng cụt đầu tiên được trồng trên đất xã Thanh Tuyền cách đây hơn 20 năm. Từ đó, cây măng cụt phát triển theo kiểu tự phát, nông dân địa phương trồng cây măng cụt trong vườn nhà chủ yếu để ăn quả chứ chưa nghĩ đến chuyện làm ăn kinh tế. Ấy vậy mà trong vài năm gần đây, những vườn măng cụt ở Thanh Tuyền trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình.
Măng cụt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Thanh Tuyền. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tỵ thu hoạch măng cụt trong vườn nhà
Cây măng cụt ở Thanh Tuyền thật sự trở nên có giá trị khi có quy hoạch bài bản của UBND huyện Dầu Tiếng. Cộng thêm đó, những vườn măng cụt được đầu tư trồng mới trước đó đã bắt đầu cho thu hoạch, nên năm nay nông dân trong xã được vụ bội thu. Trung bình mỗi ha măng cụt ở địa phương cho năng suất từ 6 - 8 tấn, mỗi kg được thương lái thu mua khoảng 40.000 - 50.000 đồng đã cho thu nhập vài trăm triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại hoa màu và cây ăn trái khác.
Từ 8 năm trước, nhận thấy đất vườn nhà trồng lúa không hiệu quả, ông Nguyễn Văn Tỵ trồng 1 ha măng cụt thử nghiệm. Chỉ sau vài năm, măng cụt trong vườn nhà ông sum suê trĩu quả; cây liên tục cho năng suất cao, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho gia đình. Năm nay, măng cụt nhà ông được mùa, được giá. Với hơn 200 gốc măng, ông thu hoạch được khoảng 3,5 tấn măng cụt, thu hơn 120 triệu đồng cho mùa vụ năm nay.
Ông Nguyễn Văn Tỵ cho biết: “Chưa năm nào người trồng măng cụt ở Thanh Tuyền vui như năm nay. Cây măng cụt hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất này nên ngày càng cho năng suất cao, trái vừa đẹp lại vừa ngon nên thương lái khắp nơi đổ về tìm mua. Nhờ thế, chúng tôi không bị ép giá như những nơi khác”.
Triển vọng vùng chuyên canh trái cây
Thanh Tuyền là xã thuần nông với 116 ha trồng nhiều loại cây ăn trái khác nhau như măng cụt, xoài, chôm chôm, bòn bon… Tuy nhiên, các loại cây ăn trái này cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả cao, mang nặng tính thời vụ. Bên cạnh đó, xã còn có hơn 200 ha trồng lúa không hiệu quả và hàng trăm ha cao su nhưng hiệu quả chưa tương xứng bởi đất Thanh Tuyền phần lớn là đất phù sa bồi lấp, tuy ít úng, lụt nhưng lại không phù hợp cho cây cao su. Nhận thấy những điều đó, cộng với sức phát triển khá tốt của cây măng cụt, huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo xã Thanh Tuyền thực hiện Dự án phát triển vườn cây ăn trái đặc sản măng cụt gắn với du lịch.
Cho đến nay, sau 3 năm thực hiện dự án, diện tích vườn cây măng cụt của xã Thanh Tuyền đã phát triển nhanh chóng, lên đến 15 ha. Đến đầu năm 2014, huyện Dầu Tiếng tiếp tục phê duyệt cho xã Thanh Tuyền chuyển đổi 38 ha đất lúa, đất vườn không hiệu quả sang trồng cây măng. Tuy nhiên, trong tương lai con số ấy không dừng lại. Theo quy hoạch tổng thể của Dự án phát triển vườn cây ăn trái đặc sản măng cụt gắn với du lịch mà huyện Dầu Tiếng đã phê duyệt, vùng măng cụt của xã Thanh Tuyền lên đến 150 ha.
Việc cây măng cụt ở xã Thanh Tuyền phát triển tốt, ổn định về giá cả mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người trồng ở địa phương không phải là chuyện bàn cãi nữa. Điều quan trọng là các hộ nông dân đã bảo đảm cây măng cụt được mùa được giá. Đây là cơ sở để hình thành vùng chuyên canh cây trái, một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn trong tương lai gần.
Ông Huỳnh Văn Dưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền, phấn khởi cho biết trong những năm gần đây, nhờ công tác vận động, tuyên truyền tốt, nhiều hộ nông dân đã thấy rõ hiệu quả lớn của cây măng cụt so với các loại cây trồng khác, kể cả cây cao su. Chính vì thế, những lớp tập huấn của hội luôn thu hút nhiều người tham gia. Nhiều hộ nông dân trong xã cũng đã quyết định chuyển sang trồng măng cụt. Đây là một tín hiệu đáng mừng.
Hình thành thương hiệu măng cụt Thanh Tuyền
Năm 2011, khi măng cụt ở xã Thanh Tuyền còn chưa được nhiều người biết đến, được sự động viên của huyện Dầu Tiếng, ông Huỳnh Văn Sang ở ấp Rạch Kiến mạnh dạn mang măng cụt vườn nhà mình đi thi tài tại hội thi trái cây Nam bộ và lên ngôi quán quân.
Cần phải nhắc lại rằng, để đạt được ngôi cao ở hội thi này là điều rất khó, trái măng cụt phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe khác nhau. Măng phải to tròn, đẹp và màu sắc phải tươi; măng được trưng bày trên kệ, bổ ra ruột bên trong phải trắng, vị ngọt thanh và ít hạt. Ngay cả khi được giám khảo ưng ý chấm điểm cao, quả măng phải được đưa đi… xét nghiệm sinh hóa để đo nồng độ thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, trái măng không chỉ ngon, đẹp mà còn phải an toàn sức khỏe cho người dùng mới đoạt giải cao.
Khó là thế nhưng măng cụt xã Thanh Tuyền 3 năm đi thi lại đoạt luôn 3 ngôi đầu của Hội thi trái cây Nam bộ. Ngoài ngôi vị quán quân của ông Huỳnh Văn Sang năm 2011, măng của ông Nguyễn Văn Tỵ mang đi thi 2 mùa 2013 và 2014 đều đoạt giải nhì và giải ba. Điều đó cho thấy, măng cụt Thanh Tuyền giờ đã trở thành một thương hiệu thực sự. Điều quan trọng là sau những lần đoạt giải cao tại hội thi, măng cụt ở Thanh Tuyền bắt đầu có tiếng tăm và nay đã có sức hút lớn đối với giới kinh doanh loại trái cây này. Đây là cơ sở để đầu ra cho măng cụt ở Thanh Tuyền ổn định và bền vững.
KHÁNH VINH