Thắp lửa yêu thương trong mỗi gia đình

Cập nhật: 28-06-2010 | 00:00:00

Trong suốt tháng 6 này, khắp nơi tổ chức ngày hội gia đình (GĐ). Và như thế, hình ảnh GĐ luôn được đề cập để tôn vinh. GĐ là điều thiêng liêng, là nơi mà các thành viên gắn kết và cũng là “bệ phóng” của mọi người trong việc phát huy năng lực, chuyên môn của mình từ đó có những đóng góp thiết thực cho xã hội...

Bữa cơm gia đình, nơi gắn kết yêu thương

Bí quyết giữ hạnh phúc của các cặp vợ chồng tiêu biểu trong những ngày hội GĐ vừa qua mà tôi được biết là luôn giữ ấm ngọn lửa tình yêu trong ngôi nhà của mình. Giữ ấm cụ thể nhất là ngọn lửa bếp đừng lạnh quá một ngày. Có chị cho rằng cuộc sống hiện đại làm cho ai cũng bận rộn hơn. Nhiều người chọn giải pháp ăn bên ngoài cho tiện. Nhưng tôi dứt khoát không chịu cách này. GĐ tôi cũng là một GĐ hiện đại. Ai cũng có công việc riêng nhưng tôi luôn... kêu gọi mọi người cùng nhau ăn ít nhất một bữa cơm trong ngày. Có như thế mới có thời gian bên nhau để nói chuyện, để tâm tình mọi thứ được. Sống trong nhà mà thiếu vắng bữa cơm coi bộ không ổn chút nào...

 

Các thành viên trong một gia đình đang thuyết trình phần thi nấu ăn chào mừng Ngày hội Gia đình

Chị Ninh Thị Thu Hường, phường Chánh Nghĩa, TX.TDM cũng  chung ý kiến này. Theo chị thì: “Tôi luôn biết cách sắp xếp để có thể nấu nướng cho cả nhà. Ví như ngày mai tôi đi công tác cả ngày thì tôi đã chuẩn bị thức ăn sẵn trong tủ lạnh. Tôi chế biến sơ nên nếu có về muộn thì chồng, con trai cũng có thể tự nấu lên và cùng ăn khi không có tôi ở nhà. Ngày nào đi công tác sớm hơn, tôi dậy sớm hơn để đi chợ. Phụ nữ nếu biết nội trợ một cách khoa học thì không lo chuyện bếp nhà mình... bị lạnh!”.

Rất nhiều người thống nhất quan điểm này bởi vấn đề an toàn thực phẩm cũng quan trọng, không được... lơ là, mất cảnh giác nên thường xuyên nấu ăn vừa giữ ấm ngọn lửa GĐ vừa bảo đảm vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng.

Phải tôn trọng nhau trong từng... lời nói!

“Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ông cha ta đã dạy thế rồi nhưng có khi chúng ta cũng... quên! Lạ một điều, nhiều người than rằng, chồng (vợ) mình ra đường nói ngọt ơi là ngọt nhưng khi về đến nhà thì toàn nói những câu cộc lốc, cụt ngủn nếu như không muốn nói là xúc phạm, làm tổn thương nhau.

Có nhiều đôi vợ chồng được hỏi về bí quyết “không cãi” nhau. Theo họ thì ai không thích nghe những lời nói mát lòng mát dạ. Không phải là vợ chồng rồi muốn nói sao thì nói, chê sao thì chê mà phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Đó cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng nhau.

Chị Nguyễn Thị Mai, chủ một doanh nghiệp nhỏ, cho biết chị chưa bao giờ nói nặng lời với chồng. Chồng đi nhậu về say, mắng vợ tơi bời! Chị giận lắm nhưng... ráng nhịn chờ khi chồng tỉnh hẳn mới “thỏ thẻ oanh vàng”. Chị nói với chồng rằng những lời anh nói lúc nhậu say “làm cho em đau lòng lắm anh biết không?”. Trời ạ, chồng nào cũng... mềm lòng trước lời tâm sự như thế của vợ. Chị nhắc lại một vài câu nói của anh mà theo chị là không nên và làm tổn thương chị để anh nhận ra khuyết điểm của mình và không tái phạm nữa.

Với vợ chồng là thế, dạy con cần phải cẩn trọng hơn nữa trong lời nói. Có như thế, con cái mới phát triển tốt về nhân cách, đạo đức, biết vâng lời cha mẹ. GĐ vừa là nền tảng cũng vừa là lá chắn bảo vệ các thành viên làm điều tốt, tránh điều xấu. Một khi GĐ hạnh phúc, tiến bộ thì xã hội cũng văn minh, ổn định hơn...

Quỳnh Như
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên