Thầy nội, thầy ngoại

Cập nhật: 31-08-2011 | 00:00:00

 Nếu như các ĐTQG, đỉnh cao của một nền bóng đá, từ ngót 2 thập niên qua vẫn sủng ái thầy ngoại, thì bóng đá Việt cấp CLB trong quá khứ và cả hiện tại, thầy nội luôn chiếm ưu thế cả về số lượng, cũng như chất lượng.

Xét mô hình “kim tự tháp” ấy, chúng ta vẫn xếp các ông thầy ngoại quốc ở trên mình một bậc như một lý lẽ rất tự nhiên, và nền bóng đá VN cũng rất cầu thị. Câu hỏi đặt ra là cho đến bao giờ, thầy Việt “lên đỉnh”?!

Thành bại tại thầy ngoại

HA.GL và ĐT.LA ở những năm đầu quá độ lên chuyên nghiệp cũng từng là mô hình chuẩn mực đáng được học hỏi, nhân rộng. Họ dùng những ông thầy ngoại có chất và rất biết cách “bôi trơn” lộ trình lên ngôi bằng tiền doanh nghiệp. Và Henrique Calisto cũng sẽ luôn hiện hữu trong biên niên sử của bóng đá Việt, bởi ông là người duy nhất cho đến lúc này từng đưa ĐT Việt Nam lên đỉnh cao khu vực.

  Nếu được tạo điều kiện tốt như nhau để thử thi tài, chưa biết ai sẽ hơn ai giữa HLV Falko Goetz và HLV Phan Thanh Hùng

Trở về sau hơn 3 năm làm việc với HLV Calisto (2008-2010) trên bình diện các ĐTQG, chúng tôi đã làm một cuộc phỏng vấn mini dành cho các trợ lý, rằng họ đã học hỏi được những gì từ ông thầy người Bồ. Đại đa số đều đồng thuận rằng họ đã tiếp nhận được khá nhiều những tinh hoa huấn luyện từ HLV Calisto, bao gồm cả thuyết “đắc nhân tâm” của ông.

Ai đó có thể tự ái vớ vẩn, nhưng sự thật không thể chối bỏ là, các HLV Việt Nam đã tiến bộ nhiều nhờ được làm việc cùng các chuyên gia người nước ngoài trên bình diện ĐTQG, cũng như cấp CLB. Các ông thầy ngoại (rất nhiều) đến rồi đi, rồi quay lại và lại đi, đã để lại những di sản khổng lồ cho đồng nghiệp người bản địa và cả nền bóng đá xứ sở, với phong cách huấn luyện, cũng như triết lý bóng đá đa dạng.

Nhưng thầy ngoại (cấp CLB) đã lỗi thời

Sau chức vô địch V-League cuối cùng của Calisto và ĐT.LA (2006), đã không có thêm một ông thầy ngoại nào nữa từng thành công tại Việt Nam cho các giải đấu cấp CLB. Từ “đế chế Thái” ở HA.GL chấm dứt, đến các ông thầy làm việc như thể thời vụ cho V.NB, ĐT.LA và B.BD…, những chiến lược gia nước ngoài đến rồi đi trong sự bất lực. Việc tìm về ánh hào quang của những người tiền nhiệm ngoại quốc là không thể.

Có thể thấy rõ là không một HLV ngoại nào sau này được đặc cách như HLV Calisto, với quỹ thời gian làm việc cũng như sự độc lập – toàn quyền về chuyên môn. Họ không thức thời, để rồi bị cuốn vào cái vòng xoáy điên cuồng của cuộc chơi, với căn bệnh thành tích đặc thù và cả những mệnh lệnh của các ông chủ. Tất cả đều cay đắng rời cuộc chơi trong ấm ức và bức bối. Với họ, V-League còn là nỗi ám ảnh.

Với ông Hải “lơ”, Thanh Hùng, Huỳnh Đức và Hữu Thắng, đây là thời của HLV nội, với sự cầu thị, cầu tiến rất đáng quý. Ở họ có cả sự quyết đoán, dũng cảm và mạo hiểm, dám làm dám chịu. Chúng ta có quyền tự hào khi sản phẩm HLV người Việt đã và đang khẳng định được năng lực huấn luyện, ít nhất cũng ở cấp CLB. Việc lên ĐT không chỉ để làm trợ lý, lại là một câu chuyện khác.

Bao giờ thầy nội lên đỉnh?

Như đã nói, “đỉnh” ở đây là cầm cương ĐTQG. Bóng đá bản chất giống nhau, chỉ khác ở môi trường và đẳng cấp. Chúng tôi đã thực mục sở thị cách HLV Andre Villas Boas và cộng sự của ông huấn luyện Chelsea, cũng chẳng khác Phan Thanh Hùng làm việc ở HN.T&T, bằng chừng ấy những đầu mục, thị phạm và cầm sa bàn. Thầy nội đã chứng minh được năng lực huấn luyện cấp CLB, vậy tại sao lại không “cầm” được ĐTQG?

Có thể thấy là rất khó để tìm câu trả lời thỏa đáng, khi bản thân những người điều hành nền bóng đá vẫn còn khá mông lung trong việc định hướng, bởi căn bệnh thành tích đã trở thành mãn tính. Với thực trạng nền bóng đá Việt, chúng ta cần một “công trình sư” đúng nghĩa, cho chu kỳ 5 - 10 năm hoặc dài hơn nữa, chứ không phải vai trò đầu tàu dẫn dắt một ĐTQG. Vị trí này thì người Việt hoàn toàn có thể.

Vấn đề là cái đầu. Đầu của lãnh đạo và của các ông thầy nội có cùng nhìn về một hướng hay không mà thôi!

Trong lịch sử 11 năm của V-League, các HLV người bản địa (với Nguyễn Thành Vinh, Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Thụy Hải, Lê Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng và Nguyễn Hữu Thắng) đang có trong tay 7/11 chức vô địch, còn lại thuộc về đồng nghiệp người nước ngoài, với Anant Anornkiat (cựu HLV trưởng HA.GL) và Henrique Calisto (nguyên công trình sư của ĐT.LA). Về mặt tỷ lệ chức vô địch/HLV, thành tích của thầy nội có phần khiêm tốn và ít ổn định bằng thầy ngoại. Với những dữ kiện như hiện tại, điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai gần.

Theo TT&VH
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên