“Sau 2 năm luật BHYT đi vào cuộc sống, vẫn còn hơn 20% trong số gần mười triệu trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT, khiến việc dùng giấy khai sinh, giấy chứng sinh đi khám bệnh rất phổ biến…”, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, cho biết.
Đến nay, vẫn còn gần 2 triệu trẻ chưa được cấp thẻ BHYT, phải sử dụng giấy chứng sinh, giấy khai sinh khi đi khám bệnh.
Hiện vẫn còn gần 2 triệu trẻ em chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Nhiều nơi thẻ BHYT cho người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi do trung ương chuyển về chỉ để trong tủ mà không chuyển cho người hưởng thụ.Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) gọi thực tế trên là đáng buồn sau hai năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT). Đến nay có 50,7 triệu người tham gia BHYT, tăng 25% so với thời điểm trước khi có luật. Nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, việc cấp thẻ cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi còn chậm, hiện vẫn còn gần 2 triệu trẻ chưa được cấp thẻ.
Cụ thể, vẫn có tới 2 triệu trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ dù vấn đề cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi luôn được đôn đốc, có công văn gửi ngành lao động thương binh xã hội nhằm đẩy mạnh tiến độ bàn giao danh sách trẻ em dưới 6 tuổi giữa Sở lao động Thương binh xã hội các địa phương và cơ quan bảo hiểm. Một phần nguyên nhân của tình trạng trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT cũng là do chính cha mẹ các bé quên không đăng ký cho con mình và một phần khác là sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ.
Về tình trạng sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh đi khám bệnh gây khó khăn trong việc quản lý thẻ, thanh quyết toán và quản lý quỹ của nhóm đối tượng này, bà Hương cho biết: “Trong thời điểm giao thời này, việc thanh toán chi phí cho các đơn vị khám chữa bệnh sẽ căn cứ trên số thẻ trẻdưới 6 tuổi khám chữa bệnh. Những đối tượng không có thẻ nhưng xác định được là đúng trẻ em dưới 6 tuổi thì Bộ tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn thanh toán”.
Một vướng mắc vẫn còn tồn đọng chưa thể giải quyết là việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT theo quy định của Luật còn chậm, sự phối hợp liên ngành Y tế - Lao động Thương binh và xã hội - BHXH chưa chặt chẽ, dẫn tới tình trạng xác định đối tượng, lập danh sách, cấp thẻ BHYT chưa kịp thời, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi.
Về số người cận nghèo tham gia BHYT, hiện mới chỉ đạt 692.000/khoảng 6 triệu người thuộc diện cận nghèo. Nguyên nhân cơ bản là do nhiều địa phương không lập được danh sách hộ cận nghèo. Nhóm đối tượng này đa số là người có thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn nên không có khả năng tham gia BHYT dù đã được nhà nước hỗ trợ tới 50% mức đóng BHYT…
Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB giữa cơ sở KCB và cơ quan Bảo hiểm xã hội; trong thanh toán BHYT cho các trường hợp tai nạn giao thông, thực hiện quy định cùng chi trả, nhất là với nhóm người nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính. Vẫn còn tình trạng người tham gia BHYT phàn nàn về thủ tục KCB phiền hà, về quy định cơ sở đăng ký KCB ban đầu, chuyển tuyến khám chữa bệnh và phân bổ thẻ khám chữa bệnh BHYT…
Theo thống kê của Vụ bảo hiểm y tế, năm 2010, số đối tượng tham gia BHYT đã tăng từ 39,749 triệu người năm 2008 lên 50,771 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 60% dân số, trong đó: có 47.068 triệu bắt buộc (8,1 triệu trẻ em dưới 6 tuổi; 13,5 triệu người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; 9,8 triệu HSSV; 690.000 người thuộc hộ cận nghèo) và 3,7 triệu BHYT tự nguyện.
Đến nay, có 8.204 cơ sở KCB ký hợp đồng để thực hiện khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, bao gồm: 50 cơ sở tuyến trung ương, 510 cơ sở tuyến tỉnh và tương đương, 1.190 cơ sở tuyến huyện và tương đương, 276 cơ sở tư nhân và 6.178 trạm y tế xã và y tế cơ quan/đơn vị. Số lượt KCB BHYT tăng 24% so với năm 2009, số thu BHYT tăng 91% so với 2009 và năm 2010 quỹ BHYT đã cân đối thu chi và bắt đầu có kết dư (3.100 tỷ đồng).
Tổng Hợp