Thi tốt nghiệp THPT: Học sinh “ngán” các môn xã hội

Cập nhật: 07-04-2010 | 00:00:00

  

Sáu môn thi tốt nghiệp nhưng trong đó đã có đến 3 môn xã hội, gánh nặng đang đè lên giáo viên, HS các trường THPT khi mà lâu nay quan điểm của nhiều học sinh cũng như một số thầy cô coi đây như là môn phụ.

 

Đến thời điểm này, nhiều trường cũng đã chạy “nước rút” với các hoạt động như tăng tiết, tăng truy bài, tăng cường kiểm tra, thi thử và ngay cả việc phụ đạo vào ban đêm cho những HS có học lực trung bình, yếu.

 

Áp lực môn xã hội

 

Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước, các môn có số lượng bài điểm dưới 5 đều rơi vào môn xã hội. Chính vì vậy, khi biết được 6 môn thi tốt nghiệp mà trong đó đã có tới 3 môn xã hội, nhiều giáo viên cũng như HS không khỏi lo lắng cho đợt thi tốt nghiệp năm nay. 

 

Theo ông Ngô Ngọc Thư (Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD – ĐT Phú Yên), lâu nay HS đã quen với giờ học văn, sử, địa theo kiểu “thầy đọc – trò chép”. Giờ trả bài hoặc kiểm tra định kỳ chỉ cần HS trình bày đầy đủ những gì thầy cô giáo giảng, cho ghi thì đã đủ điểm trung bình. 

 

Lâu dần HS có quan niệm các môn xã hội chỉ là môn phụ, không quan trọng và chẳng cần phải đầu tư suy nghĩ, tìm tòi. Phần lớn HS học các môn xã hội chỉ nhằm để đối phó với kiểm tra, thi cử. Chất lượng các môn xã hội kém như vậy, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn do giáo viên vẫn còn thói quen dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều: giáo viên giảng giải, HS lắng nghe. 

 

Trong khi đó, nhiều HS cũng bất ngờ khi Bộ GD-ĐT mới công bố 6 môn thi tốt nghiệp, Huỳnh Thị Kim Cúc (HS trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) cho biết, lâu nay bọn em thường hay chú trọng đến các môn Hóa học, Sinh vật vì cứ cho rằng môn thi tốt nghiệp chắc chắn sẽ có 2 môn này, theo như chu trình lặp lại của các năm trước. Nhưng không ngờ năm nay lại có đến 3 môn xã hội.

 

Còn Nguyễn Văn Quốc (HS trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Phú Yên) cho biết, HS chúng em thường có thói quen học các môn xã hội rất thụ động, ghi nhớ bài vở một cách máy móc, rập khuôn như những gì thầy cô giáo đã giảng. Ít có bạn nào có thói quen tìm hiểu thêm các sách tham khảo, học thêm bên ngoài các môn xã hội mà chỉ tập trung vào Toán, Lý, Hóa là chính. 

 

Năm nay thi các môn học thuộc bài nhiều nên tụi em rất lo, giờ phải chạy đua với thời gian để hệ thống lại kiến thức, ôn tập lại bài vở cho kỳ thi sắp tới. Năm nay gánh nặng hơn có lẽ là với các bạn có ý định thi ĐH khối A, B nhiều hơn là với các bạn học Ban xã hội.  

 

Nhiều trường tăng tiết, tăng giờ

 

Từ giữa tháng 3, giờ chào cờ sáng thứ hai đầu tuần tại trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), THPT Nguyễn Trung Trực (Q. Gò Vấp, TP.HCM) luôn dành nhiều thời gian cho HS khối 12, trong giờ này HS sẽ được nhà trường tư vấn hướng nghiệp, giải đáp thắc mắc về các quy định, nhắc nhở việc tập trung học tập, phụ đạo đầy đủ các môn thi tốt nghiệp.

 

Trong khi đó, ở trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM) đã có phương án tăng tiết cho các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, theo một giáo viên của trường cho biết, trường sẽ tăng từ 2 đến 4 tiết/tuần tùy theo mỗi môn, trong đó môn toán tăng lên nhiều nhất là 8 tiết/tuần.

 

Cũng như trường THPT Nguyễn Thị Diệu, một số  trường khác ở các tỉnh cũng đều lên kế  hoạch tăng tiết như tại trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP.HCM), các môn văn, ngoại ngữ sẽ tăng từ 3 lên 6 tiết, môn sử, địa tăng từ 1,5 tiết lên 4 tiết, hóa tăng từ 2 lên 6 tiết và môn toán tăng từ 3,5 tiết lên 8 tiết/tuần. Trường THPT Ngô Gia Tự (Phú Yên) tăng tiết các môn sử, địa lên 2 tiết/tuần,…

 

Không chỉ tăng tiết, tăng thời lượng ôn tập cho HS, các trường THPT còn tổ chức dò bài ba môn văn, sử, địa, kiểm tra miệng những kiến thức cơ bản để giúp học sinh nhớ bài lâu hơn. Đồng thời, các trường cũng đã bổ sung giáo viên tham gia ôn thi, tổ chức nhiều đợt thi tốt nghiệp thử lấy điểm thi thật để HS cố gắng làm bài.

 

Nhiều trường còn tổ  chức dạy - học phụ đạo vào ban đêm cho HS yếu như tại trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM), cô  Thanh Thủy (Phó hiệu trưởng) cho biết trường tổ  chức việc ôn tập thi tốt nghiệp được thực hiện ngay từ các em mới lên lớp 12. Thời gian từ tháng này sẽ chỉ tập trung phụ đạo cho những học sinh trung bình, yếu với lịch học dày có thể kéo dài đến tối.

 

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, cho biết bộ đã yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, tập trung vào những kiến thức kỹ năng cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. 

 

Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp phân loại học sinh lớp mình theo học lực, tập trung ôn tập nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu. Nếu các trường dạy đủ các môn theo số tiết trong phân phối chương trình và tổ chức ôn tập theo đúng hướng dẫn thì không đáng lo.

(THEO VNMEDIA)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X