Thị trường nước uống đóng chai: “Vàng thau lẫn lộn”!

Cập nhật: 19-01-2013 | 00:00:00

Nước uống bốc mùi?

 Vừa về đến nhà, khát nước, bà K. lấy ly lại rót nước uống, vừa uống được một ngụm là bà K. đã phải nôn thốc tháo vì mùi hôi kinh khủng từ ly nước. Tưởng do ly bẩn, bà K. thay ly khác tình trạng vẫn tương tự. Bà K. cho biết hơn một năm nay, do nguồn nước bơm từ giếng ô nhiễm, dù đã qua bình lọc nhưng nấu sôi lên uống vẫn thấy chua và gắt nên gia đình bà chuyển qua sử dụng nước lọc uống và nấu nướng. Nhãn hiệu nước uống được gia đình lựa chọn loại 21 lít màu xanh dương do một doanh nghiệp tư nhân đóng tại địa bàn TP.Thủ Dầu Một sản xuất. Nước được giao từ một đại lý nhỏ ở gần nhà với giá 10.000 đồng/bình.   Người tiêu dùng khó lòng chọn được loại nước chất lượng

Trong quá trình sử dụng, nhiều lần bà K. và người thân cảm nhận bình nước có nhiều dấu hiệu bất thường. Chẳng hạn, vỏ bình rất cũ, phai màu, nước có cặn, rót ra ly sủi bọt lúc ít lúc nhiều. Chưa kể, khoảng giữa năm 2012, bà K. vặn nước vào một ly thủy tinh thì thấy có váng dầu trên bề mặt ly nước, rót liên tiếp nhiều ly khác vẫn thấy tình trạng tương tự kèm mùi hôi như dầu hắc. Lo lắng, bà K. gọi điện trực tiếp vào số điện thoại bàn trên nhãn bình, được nhân viên công ty xin lỗi và hứa sẽ cho người đem bình khác tới đổi. Chờ mãi không thấy nhân viên tới, bà K. gọi tới đại lý phân phối mang bình nước khác tới thì thấy nước bình thường nên quyết định không làm lớn chuyện.

Nhưng mới đây, bà K. lại bức xúc: “Tưởng rằng lần đó là thôi, nào ngờ mới đây họ lại cung cấp nước kém chất lượng. Tôi gọi điện phản ánh, họ nói sẽ cho người tới xem xét nhưng rồi cũng như lần trước, không thấy đâu. Không hiểu họ rửa bình, lọc nước kiểu gì mà nước vặn ra có mùi thối. Tôi không xài loại đó nữa, chuyển qua loại nước khác, nhưng vẫn còn nhiều người khác đang dùng, đặc biệt là công nhân nhà trọ”.

Bát nháo thương hiệu

Không chỉ có thương hiệu nêu trên gây bức xúc cho khách hàng vì sự cố “nhiễm bẩn”, nhiều thương hiệu khác tại Bình Dương cũng từng khiến khách hàng bức xúc không kém. Thị trường nước uống đóng chai ở Bình Dương phải nói “muôn hình vạn trạng” với các nhãn hiệu “nửa Tây nửa ta” như đánh đố khách hàng. Phần lớn các loại nước uống này có giá khá bình dân do được sản xuất thủ công tại các cơ sở nhỏ, lẻ với trang thiết bị cực kỳ thô sơ.

Nước uống từ các “lò” sản xuất đưa về đại lý tạp hóa với giá từ 5.000 đến 6.000 đồng/bình, đến tay người tiêu dùng giá dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/bình. Để tạo niềm tin cho khách hàng, cơ sở nước uống đóng chai nào cũng quảng cáo rằng nước uống đóng bình được khai thác từ nguồn nước ngầm, bảo đảm việc xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược (RO) và Ozone, thanh trùng bằng tia cực tím hay sản phẩm được sản xuất theo quy trình tiên tiến với công nghệ hiện đại khép kín...

 Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết: “Hành vi đối với nước sản xuất thành phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, theo Điều 25, khoản 2 phạt tiền từ 25.000.000 đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, dụng cụ chứa đựng thành phẩm không bảo đảm an toàn, căn cứ Nghị định 91/2012/NĐ-CP, cụ thể Điều 12, điểm b, khoản 2 quy định phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng. Sắp tới, chúng tôi sẽ lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra một số điểm sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh. Đối với các cơ sở vi phạm, hoặc tái vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.

Khách quan mà nói, ngoài các sản phẩm nước uống giá rẻ với chất lượng đáng nghi ngờ thì vẫn phải kể đến nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Aquafina, Vĩnh Hảo, Lavie, Victory, Purita... được sản xuất và đóng chai trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9001:2008, HACCP) và chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, qua khảo sát, các sản phẩm này có giá khá cao với 20.000 đến 48.000 đồng/bình 21 lít, một số thương hiệu còn phân biệt nước uống có chứa khoáng chất và nước uống đóng chai loại thường với giá chênh lệch khoảng 10.000 đồng/ bình. Mức giá trên cũng khiến nhiều bà nội trợ lắc đầu ngao ngán. Chị Lê Thị Loan, công nhân sống tại phường Phú Thọ (TX.TDM) bộc bạch: “Công nhân chúng tôi xài nước 10.000 đồng/bình đã tốn kém lắm rồi nói chi sử dụng mấy loại mắc tiền. Nhiều khi biết chất lượng nước không tốt nhưng được cái giá vừa phải, lại lấy ở gần nhà nên cũng tiện…”.

Nhiều gia đình, nhất là công nhân tại các khu nhà trọ đều có thói quen sử dụng các loại nước đóng chai vì vừa rẻ, vừa tiện nên thị trường loại nước này càng trở nên năng động hơn bao giờ hết. Một số khu trọ được cho nằm ở khu vực “ô nhiễm môi trường”, nguồn nước bơm nhiễm phèn khiến cả chủ nhà và khách trọ đều phải sử dụng bình nước 21 lít dùng cho việc nấu nướng. Đôi khi uống phải bình nước vẩn đục, bốc mùi, người tiêu dùng không khỏi băn khoăn nhưng vì suy nghĩ “uống nước giá rẻ loại nào cũng vậy” nên người tiêu dùng có thu nhập thấp đành chấp nhận “sống chung với lũ”.

LÊ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên