Thị trường bán lẻ Bình Dương - cuộc cạnh tranh sòng phẳng

Cập nhật: 30-05-2014 | 00:00:00

Kỳ 2: “Cuộc đua” không cân sức

Trong 5 năm gần đây, lĩnh vực thương mại Bình Dương đã phát triển nhanh và khá toàn diện, xuất hiện nhiều mô hình tổ chức kinh doanh hiện đại của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Tuy vậy, các DN bán lẻ trên địa bàn phải đối mặt với các khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Đa dạng các loại hình

Sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 4141 của UBND tỉnh về Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, ST, TTTM tỉnh Bình Dương đến năm 2020, đến nay hệ thống bán lẻ tại Bình Dương đã có nhiều chuyến biến mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Đa số các dự án chợ, ST, TTTM được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới cơ bản phát huy hiệu quả sử dụng, từng bước hoàn thiện hệ thống dịch vụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, mở ra cơ hội phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại. Không chỉ vào các dịp lễ, tết, mà hàng ngày các chợ, ST, TTTM, đã thu hút đông đảo người dân tại địa phương và các vùng lân cận đến mua sắm.  

Nhiều DN bán lẻ sẽ tiếp tục đến Bình Dương trong thời gian tới. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Co.opMart Bình Dương. Ảnh: T. HỒNG

Đi vào hoạt động từ tháng 9-2011, đối tượng khách hàng phục vụ của Co.opMart chủ yếu là công nhân, viên chức, người có thu nhập trung bình. Co.opMart Bình Dương ưu tiên khai thác trực tiếp nguồn hàng sản xuất trong nước và hàng Việt Nam chất lượng cao. ST đang bày bán khoảng 20.000 mặt hàng, phục vụ đa dạng nhu cầu NTD. Chị Nguyệt, giáo viên trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Thủ Dầu Một), cho biết từ khi Co.opMart Bình Dương hoạt động, gia đình chị đã được hưởng nhiều tiện ích. Mua hàng trong ST không những bảo đảm trọng lượng, giá cả niêm yết rõ ràng mà còn rẻ hơn so với các chợ. Ngoài ra, ST thường xuyên có các chương trình khuyến mại lớn đem lại lợi ích cho khách hàng.

Với diện tích khoảng 150m2, ST mini thuộc hệ thống Vinatex đặt tại Công ty TNHH điện tử Foster Việt Nam (KCN VSIP 2), phục vụ nhu cầu về hàng bình ổn giá, thực phẩm an toàn, các nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày cho công nhân và chuyên gia công ty rất thuận lợi và hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Diễm Phương, công nhân Công ty Foster cho hay trước đây, khi chưa có ST phục vụ công nhân, mỗi khi đi làm về phải đến chợ để mua thức ăn. Do phải nấu nướng, dọn dẹp nên thời gian nghỉ ngơi không còn nhiều. Từ ngày có ST, thực phẩm mua về là chế biến ngay. Với các món chế biến sẵn đa dạng, hàng hóa phong phú và điều quan trọng là rất nhiều mặt hàng được bán với giá bình ổn nên không lo lắng về việc giá tăng bất thường như chợ lẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Dương Hồ Văn Bình, Bình Dương có hơn 1,7 triệu dân, sức mua trẻ, thu hút hơn 18.000 DN trong và ngoài nước đang hoạt động, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ liên tục tăng trưởng, đạt trung bình 90.000 tỷ đồng/năm, tăng trung bình 25 - 32%/năm… Cùng với đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật TM, dịch vụ, các ST, TTTM tại Bình Dương đã được nâng cấp, đầu tư, xây dựng mới bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định, hiện đại. Chính vì vậy, Bình Dương đã thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư có thương hiệu trong và ngoài nước, như Co.opMart, Vinatex, Big C (Pháp), Metro Cash & Carry; Lotte (Hàn Quốc); Aeon (Nhật Bản). Các loại hình thương mại đa tiện ích, tạo ra cơ hội để người tiêu dùng Bình Dương được thụ hưởng, lựa chọn với nguồn hàng phong phú, đa dạng, chất lượng cao .

Thách thức trên đường phát triển

Phát triển hệ thống bán lẻ năng động, mở rộng giao lưu hàng hóa là xu thế tất yếu đối với Việt Nam. Hệ thống TM Bình Dương cũng không ngoại lệ. Năm 2004, Bình Dương nổi lên như một hiện tượng bởi tốc độ tăng trưởng lên đến 30 - 50%/ năm, các nhà đầu tư bán lẻ ào ạt khai trương hoạt động. Đầu tiên là hệ thống ST Vinatex Bình Dương, Lái Thiêu, Dĩ An. Thời điểm năm 2005, các TTTM cũng ra đời như Bình Dương Center, DNTN TMDV Hải Long; Minh Sáng Plaza, rồi đến Co.opMart, Citimart, Fivimart, Metro… Tuy vậy, theo quy luật đào thải của cơ chế thị trường, khả năng thích ứng của DN, sự cạnh tranh khốc liệt, bắt đầu từ giữa năm 2008, không ít ST, TTTM đã phải giải thể. Qua 10 năm hình thành, hệ thống bán lẻ tại Bình Dương tiếp tục gặp phải sự sàng lọc khó cưỡng lại bởi sức mua suy giảm, cạnh tranh kinh doanh giữa DN nội và DN ngoại diễn ra gay gắt.

Giám đốc Co.opMart Bình Dương Võ Hữu Thạch, chia sẻ kinh doanh bán lẻ ngày càng khốc liệt. Nếu trước đây, các chương trình khuyến mại (KM) chủ yếu do các nhà cung cấp tự thực hiện thì nay chính các ST phải hy sinh một phần đáng kể lợi nhuận để thực hiện chương trình xuyên suốt cả năm. Với tần suất KM liên tục, giá trị tăng cao khiến lãi gộp của ST chỉ dừng ở mức 3 - 4%, thấp rất nhiều so với mức hơn 10% trước đây. Điều không chỉ ông Võ Hữu Thạch quan ngại, mà một số ST khác cũng rất lo lắng là DN bán lẻ Việt đang đối mặt với khả năng mất thị phần vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Co.opMart Bình Dương, từ khi có sự hiện diện của Big C, doanh số bán hàng của Co.opMart Bình Dương trong năm 2012 đột ngột giảm, chỉ đạt 8% so với tốc độ tăng 30% vào cuối năm 2011 và thấp hơn rất nhiều so với thời điểm vừa đi vào hoạt động (tháng 9-2010). Sang năm 2013, doanh thu mục tiêu 472 tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ đạt 457 tỷ đồng, đạt 96,7% so với kế hoạch năm. Cũng vì lý do cạnh tranh gay gắt, doanh số bán hàng sụt giảm, Co.opMart Bình Dương không đề ra chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2014. “Trong kinh doanh, mục tiêu sau 3 năm DN bán lẻ phải đi vào quỹ đạo tăng trưởng từ thấp đến cao nhưng chúng tôi đang phát triển ngược lại. Làm thế nào để kết quả kinh doanh đạt 472 tỷ đồng là một thử thách rất lớn đối với chúng tôi trong năm nay”, ông Võ Hữu Thạch chia sẻ.

Co.opMart Bình Dương không phải là đơn vị duy nhất gặp khó khăn trong thu hút khách bởi khá nhiều ST, TTTM trên địa bàn cũng đang hoạt động “ngoắc ngoải” . Theo thống kê của Citimart Bình Dương, tổng doanh thu bán lẻ trong 3 năm gần đây hiện chỉ còn khoảng 4 - 5 tỷ đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với mức gần 19 tỷ đồng/tháng của thời kỳ năm 2006-2010. Doanh thu, lợi nhuận giảm trong khi các chi phí cố định như lương, điện, nước, mặt bằng trong xu hướng tăng, khiến hiệu quả kinh doanh đạt rất thấp. Phó Giám đốc tài chính Citimart Võ Ngọc Ánh Nga chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả kém sáng sủa trên là do khó khăn của nền kinh tế, sức mua giảm sút, quy hoạch ST, TTTM trên địa bàn tỉnh chưa hợp lý, cự ly quá gần. Bên cạnh đó xu hướng phát triển mạnh mẽ của các “đại gia” ngành bán lẻ ngoại khiến thị phần bị chia sẻ. “Đây là những áp lực lớn đối với các DN trong nước trong việc duy trì thị phần và sẽ còn nhiều DN bán lẻ tại Bình Dương tiếp tục rời khỏi cuộc chơi khi các “đại gia” bán lẻ khác tiếp tục gia nhập thị trường”, bà Võ Ngọc Ánh Nga phân tích.

Từ 10 ST và 8 TTTM sau 2 năm thực hiện quy hoạch, đến nay toàn tỉnh có 11 ST (2 ST hạng I; 4 ST hạng II, 5 ST hạng III) và 5 TTTM (1 TTTM hạng I và 4 hạng II) đang hoạt động. Trong đó, đầu tư phát triển mới 3 ST và 1 TTTM, giải thể 2 ST và 4 TTTM.

Kỳ 3: Cơ hội nào cho DN Việt?

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên