Thị trường bán lẻ Bình Dương - cuộc cạnh tranh sòng phẳng

Cập nhật: 31-05-2014 | 00:00:00

Kỳ cuối: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Khi nói về nguy cơ mất thị trường của ngành bán lẻ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, nhiều người thường hay nhắc đến cụm từ “thua trên sân nhà” để dễ hình dung. Thị phần của doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước “teo tóp” do những hạn chế về năng lực, tính liên kết yếu, cùng với đó là việc xác định chiến lược dài hạn của các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế.

Những bất cập

Tại cuộc họp giám sát tình hình “Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị (ST), trung tâm thương mại (TTTM) tỉnh Bình Dương đến năm 2020“ vừa diễn ra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kết luận rằng, qua 2 năm triển khai thực hiện quy hoạch, thị trường bán lẻ tại Bình Dương tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số nội dung trong quy hoạch đến nay không còn phù hợp với quy định của pháp luật; tiến độ thực hiện quy hoạch còn chậm. Việc đầu tư, phát triển chợ, ST, TTTM tại các huyện, thị, thành phố chưa đồng bộ, chỉ mới tập trung phát triển tại khu vực đô thị (TX.Thuận An, Dĩ An và TP.Thủ Dầu Một); các địa phương còn lại có tỷ lệ đạt thấp. Riêng huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng chưa thực hiện theo quy hoạch đề ra. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phát triển chưa được thực hiện theo nội dung quy hoạch đề ra. Một số chợ, ST, TTTM được đầu tư xây mới nằm ngoài quy hoạch như chợ Phú Mỹ, Siêu thị Big C, TTTM Bình Dương Square (TP.Thủ Dầu Một).  

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung ở các thị xã và TP.TDM, người tiêu dùng nông thôn có ít điều kiện để tiếp cận. Ảnh: T.HỒNG

Một số ngành chức năng chưa có giải pháp kêu gọi, thu hút đầu tư; chưa có chính sách để hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển chợ, ST, TTTM (vay vốn ưu đãi; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, thuê đất; miễn hoặc giảm thuế thu nhập DN); chưa có giải pháp về tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng... Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Các cửa hàng, ST, TTTM đang ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, đi cùng với đặc tính hiện đại, liệu đã tạo được sự tin cậy hay chưa? Thực tế cho thấy, cách thức kinh doanh, quản lý của DN bán lẻ tại Bình Dương còn tồn tại nhiều nhược điểm. NTD phàn nàn về chất lượng một số loại hàng hóa trong ST, TTTM, tinh thần thái độ phục vụ chưa chu đáo, cởi mở. Điều mà NTD quan tâm hiện nay là vấn đề ATVSTP. Dù giá có đắt hơn bên ngoài nhưng NTD vẫn chấp nhận vào ST mua hàng với mong muốn hàng hóa được bảo đảm chất lượng đúng nghĩa. Tuy nhiên, cũng có lúc NTD thất vọng khi kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng đối với một số ST, TTTM trên địa bàn tỉnh đã phát hiện khá nhiều mặt hàng không bảo đảm ATVSTP. Định lượng hàng hóa, ghi nhãn, giá cả, hàng giả, hàng nhái… cũng là vấn đề NTD quan tâm. Minh chứng cụ thể, tháng 9-2012, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, tịch thu cả ngàn chiếc quần áo lót phụ nữ nhái, giả nhãn hiệu nước ngoài đang bày bán tại một TTTM lớn ở TP.Thủ Dầu Một, sự việc này khiến lòng tin của không ít NTD bị giảm sút.

Trong quá trình mua sắm tại các ST, TTTM, ngoài yếu tố giá cả, sự lựa chọn của NTD còn dựa vào những tiêu chuẩn khác. Chị Nguyễn Thị Bích (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) so sánh, trong thời buổi khó khăn, đi ST gửi xe 1.000 đồng/chiếc sẽ dễ chịu hơn bị “chặt chém” 3.000 - 5.000 đồng/chiếc. Chị rất thích đi ST Co.opmart Bình Dương hoặc Metro vì giá bán lẻ gần tương đương nhau, khi gửi xe được miễn phí hoặc chỉ mất 1.000 đồng. Về thái độ phục phụ, người viết từng chứng kiến trường hợp nhân viên ST cư xử thiếu tôn trọng khách hàng. Cuối tháng 12- 2013, một khách hàng tại ST Vinatex Bình Dương đã bỏ lại cả xe hàng sau hơn 2 giờ đồng hồ lựa chọn chỉ vì thái độ cư xử thiếu tế nhị của nhân viên bảo vệ.

Chủ động nắm giữ thị phần

Nhằm quảng bá thương hiệu, chiếm lấy thị phần, gia tăng sự hiện của thương hiệu đối với NTD, đặc biệt là bà con vùng nông thôn, không ít DN bán lẻ nội lẫn ngoại đều tích cực tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng bình ổn giá. Đối với các DN bán lẻ, việc đưa hàng vào khu vực nông thôn không nhằm mục đích bán hàng kiếm lời mà là tiếp nhận và xử lý thông tin của NTD để đưa ra những chiến lược, chính sách phù hợp với thị trường. Thế nhưng, một số lãnh đạo ST cho biết, mảng kinh doanh này còn gặp nhiều vướng mắc. Về phía NTD, ở những địa phương càng xa, việc tiếp cận hàng hóa chưa thuận tiện. Chị Đặng Minh Bảo Khuyên (ấp Rạch Đá, xã Định Thành, Dầu Tiếng) cho biết, mặc dù các phiên chợ vui, hàng bình ổn giá cả thị trường đã đến với bà con trong xã nhưng thời gian bán hàng trong vòng 3 ngày là khá ngắn. Trong khi đó chủng loại, số lượng hàng hóa quá ít so với nhu cầu của bà con. Đó là chưa nói đến hàng hóa có chất lượng, thương hiệu uy tín còn khiêm tốn. Ngành chức năng, DN cần nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu này thì cơ hội thâm nhập thị trường, giữ chân khách hàng, giữ vững lòng tin và tạo thuận lợi cho khách hàng là một lợi thế cạnh tranh của hệ thống bán lẻ nói chung và DN bán lẻ Việt nói riêng.

Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài được phép thành lập công ty con có 100% vốn tại Việt Nam. Trong thời gian tới là việc tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), mức thuế quan giảm xuống 0% cho các mặt hàng nhập khẩu. Đây là thách thức và cũng là cơ hội cho các DN bán lẻ Việt Nam. Hiện ngành quản lý, các DN bán lẻ tại Bình Dương đã có chiến lược duy trì và phát triển kênh phân phối của mình.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trong chuyến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Vinamit (Bình Dương) vào tháng 8-2012 cho biết, dự kiến đến năm 2020, ST, TTTM sẽ chiếm lĩnh 35 - 40% thị phần bán lẻ Việt Nam. Vì vậy, Bình Dương cũng không là ngoại lệ, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ phía ngành quản lý và bản thân DN. Trong đó, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ cho DN phân phối bán lẻ mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy thị phần trong nước. Địa phương cần giới thiệu mặt bằng và các DN sẽ tự tìm mặt bằng có thể mở các ST, cửa hàng tiện ích, cửa hàng cố định để chiếm giữ và phát triển thị phần trong nước. Song để phát triển bền vững và trở thành địa chỉ tin cậy của NTD, các DN bán lẻ Việt Nam cần phải quyết liệt thay đổi phương thức kinh doanh, đáp ứng nhanh các đòi hỏi của thị trường bán lẻ nhiều biến đổi. Các hình thức bán lẻ hôm nay có thể sẽ không phù hợp trong tương lai. Do vậy, các DN bán lẻ cần đi sâu tiềm hiểu thị trường và phục vụ với tính dịch vụ cao hơn nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh ngay sân nhà của mình.

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, ST, TTTM, toàn tỉnh sẽ có 24 ST, 37 TTTM. Tuy vậy, đến nay mới chỉ có 3/14 ST, đạt 21,4% và 1/30 TTTM, đạt 3,3% so với quy hoạch đến năm 2020.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên