Thị trường bán lẻ năm 2011: Khi những “ông lớn” so găng...

Cập nhật: 25-01-2011 | 00:00:00

Theo kết quả khảo sát và công bố về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của hãng AT Kearny, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn đứng ở thứ hạng cao về mức độ hấp dẫn trong đầu tư: năm 2008 đứng thứ nhất, năm 2009 đứng thứ 6 và năm 2010 đứng thứ 14. Triển vọng về dài hạn của Việt Nam trong bảng xếp hạng GRDI vẫn rất tích cực, mặc dù có sự tụt hạng trong năm 2009 và 2010 so với các năm trước đây.

Nỗ lực của doanh nghiệp Việt

Đánh giá những điểm mạnh và yếu của nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (VRA) cho rằng: Năm 2010 vẫn còn chịu nhiều hậu quả và tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng thị trường bán lẻ đã có bước phát triển ngoạn mục với con số tăng trưởng rất đáng khích lệ - tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của cả năm 2010 tăng 24,5% (nếu loại trừ yếu tố tăng giá, con số này là 14%). Đây cũng là năm ghi nhận những nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp (DN) phân phối - bán lẻ trong mở rộng cơ cấu và mạng lưới, đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu cao và đa dạng của người tiêu dùng Việt Nam...

 

Đại diện VRA nhìn nhận từ những cơ hội và thách thức của việc mở cửa thị trường, hội nhập ngày càng sâu rộng, cuộc đua tranh giữa bán lẻ hiện đại và bán lẻ truyền thống... yêu cầu cạnh tranh đã bước đầu mang lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng và là động lực thúc đẩy các DN bán lẻ Việt Nam vươn lên, vượt qua chính mình để phát triển một cách bền vững. Theo đó, để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của phân phối và bán lẻ trong nền kinh tế đất nước và đời sống của nhân dân, các DN trong ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào phát triển văn minh thương mại, làm cầu nối hữu hiệu giữa sản xuất - tiêu dùng và tham gia bình ổn thị trường, tích cực đóng góp vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

“Lợi thế của các DN trong nước là sân nhà; am hiểu văn hóa tiêu dùng bản địa; đã có sẵn một hệ thống siêu thị dù không lớn; biết trước các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này... Đây là điểm yếu của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Nhìn tổng quan có thể nói, điểm mạnh của ta là điểm yếu của họ và ngược lại. Vì vậy, liên doanh và cách tốt nhất giúp hai bên cùng có lợi” - chuyên gia của VRA phân tích. Điều đó giải thích trên thực tế, mô hình liên doanh hợp tác giữa đôi bên đã được triển khai khá nhiều. Đó là trường hợp của G7 Mart hợp tác với Ministop (Nhật Bản); Family Mart (Nhật Bản) hợp tác với Tập đoàn Phú Thái; Lotte liên doanh với một công ty tư nhân của Việt Nam mở siêu thị Lotte thứ 2 tại quận 11, TP.HCM...

Có cách nhìn khác. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT hệ thống siêu thị Co-op Mart thì cho rằng, lựa chọn mô hình nào để cạnh tranh tùy thuộc vào chiến lược của mỗi DN. Với Co.opMart, việc mở rộng quy mô ra các tỉnh, thành đang được quyết liệt thực hiện dù hiệu quả ở những nơi này chưa có ngay. “Chúng tôi chấp nhận lỗ 2 - 3 năm đầu trong chiến dịch hướng ra các tỉnh, thành xa để chiếm lĩnh thị trường trước”, ông Hòa nói.

Những “ông lớn” so găng...

Mặc dù là liên doanh hợp tác, song cũng phải nhìn nhận rằng hiện nay, cạnh tranh gay gắt nhất ở thị trường Việt Nam về lĩnh vực bán lẻ, chính là những công ty nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam. Với ưu thế về tài chính, kinh nghiệm... các thương hiệu như Big C, Lotte Mart, Metro, Parkson... đang rất quyết liệt trong việc mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường, cạnh tranh lẫn nhau khá gay gắt khiến các nhà bán lẻ trong nước lo ngại.

Đơn cử như Big C, trong năm 2010 thương hiệu này đã khai trương 5 siêu thị nâng tổng số siêu thị Big C tại Việt Nam lên 14 siêu thị trên toàn quốc. Không nói cụ thể về kế hoạch trong năm 2011 nhưng bà Dương Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại hệ thống siêu thị Big C cho biết, mục tiêu của Big C trong thời gian tới là mở rộng ra các tỉnh, thành để phục vụ người tiêu dùng. Tương tự, chỉ trong vòng khoảng 2 năm có mặt tại Việt Nam, Tập đoàn Lotte đã sở hữu 2 siêu thị lớn tại Việt Nam và đang quyết liệt săn lùng mặt bằng để thực hiện kế hoạch 30 siêu thị tại Việt Nam cho đến năm 2018. Ở loại hình trung tâm thương mại có Parkson, Metro - bán sỉ... cũng ráo riết khai trương điểm mới để cạnh tranh quyết liệt với các DN bán lẻ trong nước.

Trong lúc đó thì theo đề án “Phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ trên địa bàn nông thôn hướng theo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế” của Bộ Công Thương, thì từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ tiếp tục xây dựng và nâng cấp 113 chợ đầu mối nông sản ở địa bàn nông thôn, 418 chợ biên giới, chợ cửa khẩu và 3.000 chợ dân sinh tại những xã chưa có chợ trên toàn quốc với kinh phí dự kiến khoảng trên 9 ngàn tỷ đồng. Với những tiềm năng đó, thì hệ thống bán lẻ Việt Nam rất có lợi thế phát triển.

NGUYỄN PHÚC

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên