Thiêng liêng hai tiếng “Gia đình”

Cập nhật: 02-03-2011 | 00:00:00

  Ảnh minh họaNgười xưa nói, dù giàu sang hay nghèo hèn, dù vua chúa hay nô tỳ, người hạnh phúc nhất là người tìm được sự yên ấm dưới mái nhà của mình. Gia đình là điểm khởi đầu cũng là nơi kết thúc của một đời người. Gia đình là tổ ấm của mỗi con người, là sợi dây tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình thông qua các mối quan hệ: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái. Gia đình là nơi an ủi, động viên tốt nhất về mặt tinh thần. Hình ảnh gia đình đầm ấm gắn với mái nhà có khói lam chiều, bữa cơm tối dưới ánh đèn dầu; ngày mùa, bố đi cày, mẹ đi cấy, con mang cơm ra đồng; tết  đến, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng… của những ngày xa xưa tưởng đã đi vào quên lãng nhưng thật ra lại là mong ước kỷ niệm xưa của không ít người trong xã hội ngày nay.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Hạnh phúc biết bao khi chúng ta được sống trong “mái ấm gia đình”, được hưởng tình yêu ngọt ngào của mẹ, của cha, của anh chị em. Vì thế việc chuẩn bị để xây dựng một gia đình tốt cho tương lai là một điều thật quan trọng.

Hạnh phúc phải chăng đó là mỗi sáng được đến cơ quan làm việc, mỗi chiều về nhà dùng cơm với gia đình. Bữa cơm trong gia đình ngày nay càng trở nên quan trọng vì quỹ thời gian dành cho công việc, học hành khiến các thành viên trong gia đình ít có dịp được quây quần đông đủ bên bữa cơm. Nhiều người cho rằng dù có đi ăn sơn hào hải vị ngoài nhà hàng nhưng không nơi nào có thể cho mình cảm giác ấm cúng, thoải mái như ở nhà dù bữa ăn gia đình đôi khi thật đơn sơ chỉ có cơm canh, trứng chiên và rau muống luộc.

Cuộc sống hiện đại ngày nay có quá nhiều xáo trộn, nhiều cách sống, nhiều hoàn cảnh éo le khiến người ta càng khao khát một điều thật bình dị: sự gắn bó giữa những thành viên trong gia đình, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng nhau, nương tựa vào nhau để hướng tới hạnh phúc trong một mái ấm gia đình.

Có người nói rằng: “Gia đình bây giờ đầy đủ hơn nhưng cũng kém bền vững hơn”. Đây không phải là một cái nhìn bi quan về cuộc sống mà là một cái nhìn thực tế. Tốc độ phát triển của xã hội hiện đại đã làm thay đổi diện mạo cuộc sống. “Lượng đổi, chất đổi”, xã hội phát triển, đó là tín hiệu tốt, tạo điều kiện giúp cho các tổ ấm ngày càng “ấm” hơn. Nhưng tiếc thay, nhiều tổ ấm đã tan đàn xẻ nghé vì không may một thành viên trong gia đình có những hành vi nông nỗi, thiếu kiểm soát.

Các nhà xã hội học chia tình yêu thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: Anh nói em nghe; giai đoạn thứ hai: Em nói anh nghe và giai đoạn thứ ba: Cả anh và em cùng nói, hàng xóm nghe! Và khi mà những lời thì thầm mùa xuân “Em có nghe thấy gió nói gì không?” sớm bước qua giai đoạn thứ ba: “Nãy giờ, tôi nói cô có nghe không? thì lúc ấy, nguy cơ mái ấm chuyển sang nguội rồi lạnh đã gần lắm rồi.

Xây dựng một gia đình đã khó, giữ ngọn lửa nồng ấm, hạnh phúc trong gia đình lại càng khó hơn. Để gia đình thực sự là tổ ấm, đòi hỏi mỗi thành viên phải dày công vun đắp, như chim uyên ương cần mẫn tha rơm xây tổ mỗi ngày. “Gia đình” mãi là hai tiếng thiêng liêng với tất cả mọi người.

 

MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên