Thiệt thòi với “của để dành”

Cập nhật: 04-05-2013 | 00:00:00

Nhiều người vẫn có thói quen mua vàng nữ trang vừa làm trang sức vừa làm “của để dành” nhưng khi bán lại thì bị lỗ nặng vì vàng thường thiếu tuổi

Gần đây, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM tiếp nhận một số vụ khiếu nại liên quan đến tình trạng thiếu tuổi trầm trọng của vàng nữ trang.

Ông Nguyễn Trí Cường (xa lộ Hà Nội, phường Linh Trung, quận Thủ Đức – TP.HCM) khiếu nại cửa hàng nữ trang V.K nằm trong một trung tâm thương mại lớn tại quận 5 rằng ông mua một cặp nhẫn cưới vàng 18K tại đây, khi cần tiền đến bán ở tiệm khác thì được “phán” là vàng chỉ tương đương 12K.

  Khách hàng chọn mua vàng nữ trang.

Đến cửa hàng V.K để bán thì cửa hàng này tính giá chỉ bằng 1/3 giá vàng hiện tại dù ngay trong biên nhận cửa hàng này ghi rõ: “Còn nguyên bán lại lỗ 30%; đổi lại lỗ 20%; dãn, hư, đứt thu 50%; ngọc trai, cẩm thạch: không thu lại và hàng mua rồi miễn trả lại”. Phải qua nhiều lần can thiệp, cửa hàng mới đồng ý mua lại sản phẩm cho ông Cường với giá vàng 18K.

Gần đây nhất là vụ bà N.M.L (quận 9) khiếu nại một công ty chuyên cung cấp nữ trang cho các trung tâm thương mại hạng sang tại TP.HCM. Khi nghi ngờ về chất lượng, bà L. đã phải tự bỏ tiền đi kiểm tra tại nhiều nơi, kết quả khoảng 2/3 sản phẩm vàng bị thấp tuổi, nhưng kết quả không được công ty này công nhận với lý do “cạnh tranh không lành mạnh”.

Theo Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, hiện nay Bộ Khoa học - Công nghệ chưa ban hành văn bản kỹ thuật hướng dẫn cách lấy mẫu, thử nghiệm chất lượng vàng (phương pháp thử, thiết bị thử nghiệm) và danh sách các tổ chức đánh giá, do vậy, việc kiểm tra chất lượng vàng nữ trang vẫn còn bỏ ngỏ.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý T.PHCM cho rằng công thức tính giá bán vàng nữ trang nhiều năm nay là lấy trọng lượng nhân giá bán vàng 99,99%, nhân với hàm lượng vàng (tuổi vàng) với cộng với tiền công. Phần hao hụt trong chế tác không được tính khiến nhiều đơn vị đành phải hạch toán vào công thợ. Có khi thợ kim hoàn gian lận, hạ tuổi vàng, độn lót bên trong…

“Đặc điểm của ngành sản xuất và phân phối hàng trang sức nước ta là phân tán và manh mún, tự phát, chất lượng sản phẩm không thể kiểm soát, tạo nên những thế cạnh tranh không lành mạnh, quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo đảm”- phó tổng giám đốc một công ty vàng nữ trang lớn tại TP.HCM nhận xét.

Theo Báo Người Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên