Thoát nghèo từ vườn cây, ao cá…

Cập nhật: 08-08-2020 | 10:14:23

Với ý chí “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng đất An Bình, huyện Phú Giáo học hỏi kinh nghiệm, tiếp nối nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Ông Kim Thoan bên vườn cao su của gia đình

Thôi du canh, du cư…

Xã An Bình, huyện Phú Giáo có gần 300 hộ gia đình, với hơn 1.000 nhân khẩu là đồng bào DTTS, bao gồm: Khmer, Hoa, Mường, S’tiêng, Thái, Sán Dìu, Tày, Nùng… trong đó, đồng bào DTTS Khmer chiếm đại đa số. Trước đây, vùng đất này còn hoang sơ, heo hút, đồng bào DTTS di cư đến phát nương làm rẫy, họ vẫn quen lối sống du canh, du cư. Thực hiện đúng chủ trương của Đảng về chính sách đặc biệt cho đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, hơn mười năm trở lại đây, chính quyền địa phương xã An Bình, huyện Phú Giáo đã giao đất, giao rừng, đồng thời cử cán bộ nông nghiệp xuống cơ sở, trực tiếp hướng dẫn đồng bào về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Dưới tán rừng cao su râm mát, đôi bàn tay chai sạn vừa thao tác từng lưỡi dao cạo mủ cao su, ông Kim Thoan, đồng bào dân tộc Khmer, ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo cười vui, hồi tưởng lại những ngày đầu vất vả lập nghiệp. Ông cho biết khi còn nhỏ thường theo chân cha mẹ lên nương làm rẫy, công việc chăn trâu, cắt cỏ, trồng lúa, trồng khoai đã đeo bám ông khi tuổi còn thơ. “Lớn lên lập gia đình, ra ở riêng với hai bàn tay trắng, vợ chồng tôi hì hục khai phá đất rừng trồng lúa, trồng khoai, đào ao thả cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Đất rừng mới khai hoang nên chỉ trồng cây trong mấy mùa đầu, đến mùa sau rễ cỏ tranh xâm lấn, cuốc xới bằng tay không xuể nên chúng tôi lại bỏ nương, bỏ rẫy, di cư đến khai hoang vùng đất khác. Khi được giao đất, giao rừng và hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, đồng bào chúng tôi không còn du canh, du cư như trước nữa, tập trung tăng gia sản xuất”, ông Kim Thoan tâm sự.

Không có vốn đầu tư, ông Kim Thoan bán hết thóc dự trữ, lấy tiền mua giống cây điều, cây cao su về trồng. Xác định trồng điều và cao su phải sau nhiều năm mới cho thu hoạch, ông Kim Thoan đã trồng cây khoai mỳ xen canh trong vườn cây cao su, vừa nhanh được thu nhập, cải thiện cuộc sống, vừa tạo cho đất tơi, xốp, giàu chất dinh dưỡng, giúp cao su, cây điều phát triển nhanh hơn. Ông Kim Thoan cũng cho biết thêm, cũng may nhờ nguồn thu trước mắt từ cây khoai mỳ nên ngoài việc có thực phẩm hàng ngày, còn có tiền đầu tư mua thêm phân tro, thuốc bảo vệ thực vật… chăm sóc cho vườn cây được xanh tốt hơn, trừ được sâu bệnh.

Gặt hái thành quả

Ước mơ thoát nghèo giờ đây đã trở thành hiện thực. Sau bao năm vất vả, nhọc nhằn, ông Kim Thoan đã có vườn cây cao su, cây điều gần 10 ha cho thu hoạch. Mấy năm trở về trước, mủ cao su được giá, thu nhập của gia đình anh tương đối cao, ổn định. Nhờ nguồn thu đó, ông Kim Thoan không chỉ đủ tiền sửa sang nhà cửa, mua sắm ti vi, tủ lạnh… mà còn đủ nuôi 3 người con ăn học. Được biết, con gái đầu của ông Thoan hiện đang là giáo viên, người con trai thứ hai đã tốt nghiệp đại học và người con gái út đang học nghề.

Gia đình ông Sơn Sung, đồng bào dân tộc Khmer, ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo cũng vươn lên thoát nghèo tương tự. Nhờ vậy, ngoài việc xây dựng nhà cửa khang trang, ông Sơn Sung còn tách đều các thửa nương rẫy chia cho con cháu tu chí làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống khi lập gia đình. Cùng với hai tấm gương vươn lên vừa nêu, trên địa bàn xã An Bình còn rất nhiều trường hợp thoát nghèo, làm giàu chính đáng bằng nỗ lực tự thân rất đáng ghi nhận.

Ông Ngưu Bư, người có uy tín - đại diện cho khối đồng bào DTTS xã An Bình, huyện Phú Giáo cười vui, chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, đồng bào chúng tôi đã bỏ hẳn tập tục du canh, du cư, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Giờ đây, thế hệ thanh niên không đi làm ăn xa thì ở nhà bám đất, bám rừng phát triển kinh tế, con em đồng bào DTTS đều được cắp sách đến trường, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết thêm, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn đồng bào chọn mua loại giống cây cao su mới cho hàm lượng mủ cao su cao hơn. Những vườn cây cao su già cỗi sẽ được thanh lý và thay thế trồng bằng những giống cây mới cho giá trị cao hơn.

“Đất rừng mới khai hoang nên chỉ trồng cây trong mấy mùa đầu, đến mùa sau rễ cỏ tranh xâm lấn, cuốc xới bằng tay không xuể nên chúng tôi lại bỏ nương, bỏ rẫy, di cư đến khai hoang vùng đất khác. Khi được giao đất, giao rừng và hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, đồng bào chúng tôi không còn du canh, du cư như trước nữa, tập trung tăng gia sản xuất”, ông Kim Thoan tâm sự.

THU HƯỜNG

Chia sẻ bài viết
Tags
An Bình

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên