Thu hút đầu tư nước ngoài: Bình Dương vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Nếu
như những tháng trước, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bình
Dương so với cả nước thường đứng ở vị trí thứ 9 thì đến tháng 9 này tình hình
đã thay đổi. Sản
xuất - kinh doanh tại một doanh nghiệp FDI ở Bình Dương
Bình Dương vươn lên vị trí thứ 5
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến thời điểm ngày 20-9, cả nước đã có 675 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 8,23 tỷ USD, bằng 69% so với cùng kỳ năm 2010. Có 178 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn 1,66 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 9 tháng qua các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 9,9 tỷ USD, bằng 72% so với cùng kỳ 2010. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,2 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2010.
Đứng đầu là tỉnh Hải Dương với 2,5 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,73 tỷ USD, chiếm 17,4%. Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm gần 640,9 triệu USD. Tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Hà Nội với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 579,9 triệu USD; 545,7 triệu USD và 526 triệu USD.
Sau nhiều tháng đầu năm, Bình Dương luôn đứng ở vị trí áp chót của top 10 thì nay đã vươn lên vị trí thứ năm, vượt lên trên Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Tây Ninh. Trong tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, việc thu hút FDI của cả nước cũng bị ảnh hưởng nhưng Bình Dương vẫn được xem là điểm đến tốt, đặc biệt là đối với KCN VSIP đã tăng 135,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 169,4% so với kế hoạch đề ra. Tính chung toàn tỉnh Bình Dương, 9 tháng qua đã thu hút được 61 dự án cấp mới với vốn đăng ký là 363,43 triệu USD và 37 lượt dự án tăng vốn thêm 182,24 triệu USD. Với việc tập trung xây dựng hạ tầng hiện đại, tiếp tục cải cách hành chính, mời gọi đầu tư... hy vọng đến hết năm 2011 vị trí của Bình Dương sẽ tiếp tục được cải thiện trên bảng tổng sắp của cả nước.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vùng đồng bằng sông Hồng là vùng thu hút được nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt trên 4,8 tỷ USD, chiếm 42,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đứng thứ 2 là vùng Đông Nam bộ với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 3,96 tỷ USD, chiếm 40,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, Bình Dương đóng góp một vai trò quan trọng để đưa cả khu vực tiếp tục nằm ở vị trí nhất, nhì bảng so với các khu vực khác trong cả nước.
Khó đạt mục tiêu
Trong năm 2011, Cục Đầu tư nước ngoài đã đặt mục tiêu đạt khoảng 20 tỷ USD về thu hút FDI nhưng đã hết 9 tháng mà con số chỉ mới nằm ở xấp xỉ 10 tỷ USD. Như vậy, chỉ còn mấy tháng cuối năm để đạt được 10 tỷ USD là một khó khăn vô cùng, khó có cơ sở trong tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục ảm đạm.
Trong 9 tháng qua, cả nước có 675 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 8,23 tỷ đô la Mỹ, bằng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 300 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,91 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,52 tỷ USD, chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 80 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 689,3 triệu USD, chiếm 7%. Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 446,8 triệu USD, chiếm 4,5%.
Mặc dù thu hút FDI trong 9 tháng năm nay chỉ bằng 72% so với năm ngoái nhưng theo Cục Đầu tư nước ngoài thì mục tiêu về giải ngân nguồn vốn của khu vực này trong năm nay là có thể đạt được. Thống kê cho thấy, vốn giải ngân của khu vực FDI trong tháng 9 ước đạt 900 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư giải ngân ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó, mục tiêu đề ra của năm nay là giải ngân vào khoảng 11 tỷ USD, còn 3 tỷ USD có thể đạt được trong những tháng cuối năm. Trong bối cảnh hiện nay, việc giải ngân được con số trên cũng được xem là một tín hiệu vui, giảm bớt phần nào không khí ảm đạm của tình hình chung.
Từ đầu năm 2011 đến nay, đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,9 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,5 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 927,3 triệu USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 894,1 triệu USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ 5 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 606,4 triệu USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam
(Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài).
K.TÂN