Thu hút FDI vào Bình Dương: Số dự án và vốn đều tăng

Cập nhật: 29-07-2011 | 00:00:00

Trong 7 tháng đầu năm 2011, dù trong bối cảnh khó khăn chung nhưng tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Bình Dương trên bảng tổng sắp của cả nước vẫn rất khả quan. Mặc dù không có đột phá nhưng vẫn duy trì được vị trí về số vốn và dự án trong giai đoạn hiện nay, qua đó cho thấy Bình Dương vẫn còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Vượt 2 bậc về vốn đầu tư

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Hải Dương dẫn đầu về vốn đăng ký với 2.472,7 triệu USD, chiếm 32,4% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là TP.HCM 1.588,6 triệu USD, chiếm 20,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu 478,2 triệu USD, chiếm 6,3%; Tây Ninh 436 triệu USD, chiếm 5,7%; Hà Nội 428 triệu USD, chiếm 5,6%; Ninh Thuận 266 triệu USD, chiếm 3,5%...

  Trong 7 tháng đầu năm nay, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bình Dương

Riêng tỉnh Bình Dương so sánh trên bảng tổng sắp của cả nước trong 7 tháng đầu năm thì hiện đang đứng thứ 9 về vốn đầu tư, với mức 214,8 triệu USD và đứng thứ 3 về số lượng dự án (38 dự án). Còn nếu so sánh trong 6 tháng đầu năm thì Bình Dương còn vượt lên 2 bậc so với cả nước và đứng thứ 7 về vốn đăng ký, đứng thứ 3 về số dự án (28 dự án). Nếu tính cả 7 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước của riêng tỉnh Bình Dương thì đã tăng 10 dự án, còn về số vốn đăng ký thì tăng gần gấp đôi (tăng 104,8 triệu USD). Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương thì số dự án và số vốn FDI trong 6 tháng qua còn cao hơn, với mức 449,2 triệu USD, trong đó gồm 39 dự án mới với số vốn là 246,7 triệu USD và 51 lượt dự án bổ sung vốn với 202,46 triệu USD. Riêng các khu công nghiệp đã thu hút 398,1 triệu USD, gồm 26 dự án mới với tổng số vốn 212,3 triệu USD.

Trở lại vị trí tổng sắp của cả nước, chỉ trong vòng 1 tháng tỉnh Hải Dương và Tây Ninh đã vươn lên đứng trước, đẩy Bình Dương tụt xuống 2 bậc, trong đó Hải Dương đã soán ngôi TP.HCM để vươn lên đứng đầu cả nước về số vốn đầu tư đăng ký với mức 2.472,7 triệu USD. Đáng chú ý là với số vốn đăng ký cao nhất nước nhưng số dự án lại rất ít, chỉ với 14 dự án, điều này cho thấy Hải Dương đã thu hút được những dự án đầu tư có số vốn khá lớn trong 7 tháng đầu năm nay.

Tiếp tục vượt khó

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC, một đơn vị đi đầu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng khu công nghiệp của tỉnh từng nhận xét, trong thời buổi khó khăn chung hiện nay thì tình hình thu hút đầu tư ở đâu cũng hạ nhiệt chứ không riêng gì Bình Dương. Nhiều nhà đầu tư họ vẫn duy trì mối quan hệ, vẫn đến tìm hiểu môi trường kinh doanh ở Bình Dương nhưng lại chưa dám quyết định đầu tư mà chỉ để nghe ngóng tình hình, chờ thời cơ.

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xúc tiến mời gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Nhiệm vụ của những tháng cuối năm nay cũng được UBND tỉnh đề ra cho các ngành, các cấp với nhiều giải pháp cụ thể để khắc phục tình hình khó khăn chung, thúc đẩy thu hút đầu tư. UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, quyết liệt các nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2011; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9-1-2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc và tập trung vốn đầu tư cho công tác đền bù, giải tỏa, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư thi công chậm tiến độ. Tổ chức tiếp xúc các chủ đầu tư trong và ngoài các khu công nghiệp, gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh...

Với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp và những nỗ lực vượt bậc của các ngành, các cấp, trong thời gian tới việc thu hút đầu tư của tỉnh hy vọng cũng sẽ có những kỳ vọng mới.

Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam thì Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với 2.794,3 triệu USD, chiếm 36,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 1.320,9 triệu USD, chiếm 17,3%; Nhật Bản 540,8 triệu USD, chiếm 7,1%; CHND Trung Hoa 445,3 triệu USD, chiếm 5,8%; Hàn Quốc 404,5 triệu USD, chiếm 5,3%; Malaysia 346,7 triệu USD, chiếm 4,5%...

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài cả nước trong 7 tháng đầu năm nay đạt 9.045,4 triệu USD, bằng 75,6% cùng kỳ năm 2010, trong đó 504 dự án được cấp phép mới, 147 lượt dự án bổ sung vốn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 6,3 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đăng ký lớn nhất với 4.253,1 triệu USD.

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên