Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Tìm cách khai thông nguồn vốn

Cập nhật: 19-02-2010 | 00:00:00

Hơn một tháng qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chủ yếu chảy vào những dự án nhỏ, lĩnh vực dịch vụ, có khả năng thu hồi vốn nhanh.

 

Dự án Trung tâm tài chính VN chuẩn bị khởi công sau tết tại khu du lịch Kỳ Hòa (TP.HCM)Nhiều chuyên gia đầu tư cho rằng để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các dự án nhỏ, đồng thời phải tìm cách giải ngân nguồn vốn hàng chục tỉ USD từ những dự án đã được cấp phép cách nay 2-3 năm.

 

Thời của dự án nhỏ

 

Ông Arika Fukuda, chủ nhân của chuỗi năm nhà hàng tại Nhật, vừa chuyển nhà hàng theo phong cách Nhật Bản của mình từ đường Trần Quốc Thảo, Q.3 qua đường Ngô Văn Năm, Q.1, TP.HCM để có thể đón nhiều khách hơn. Ông cho biết VN đã trở thành nơi lựa chọn của ông khi kinh doanh ở thị trường Nhật Bản gặp khó khăn.

 

Với nhà hàng cũ, ông Arika Fukuda đã hoàn vốn sau hai năm và bây giờ, sau năm năm, ông xây một nhà hàng khác quy mô gấp hai lần. Theo ông Fukuda, với một nhà hàng tương tự thế này ở Nhật ông phải tốn khoảng 800.000 USD, gần gấp ba lần vốn đầu tư ở VN và thời gian hoàn vốn cũng dài hơn ba năm.

 

Khi khu hồ bán nguyệt ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) bắt đầu cho thuê thì khách hàng đầu tiên là Boomarang Bistro & Bar, một nhà hàng của Úc. Martin McGettigan, giám đốc điều hành nhà hàng này, cho biết đây là khoản đầu tư đầu tiên ra nước ngoài của công ty sau thị trường Singapore. Lý do đưa đến quyết định này cũng chính là sự hấp dẫn của thị trường VN.

 

Đây chỉ là hai trong số hàng trăm dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ tại TP.HCM. Có người đã ví TP.HCM là “thiên đường” của những dự án đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ.

 

Năm 2009, TP.HCM đã dẫn đầu cả nước với 384 dự án mới và 115 dự án tăng thêm vốn, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, tổng số vốn đăng ký chỉ 1,3 tỉ USD. Dù vốn đăng ký thấp nhưng các dự án này phần nào đã “cứu” hình ảnh dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài của TP.HCM lâu nay. Bởi lẽ thu hút đầu tư vào sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trong năm qua chỉ có 18 dự án mới và 34 dự án tăng vốn.

 

Tình trạng trên tiếp tục lặp lại khi cả nước chỉ thu hút được 40 dự án mới trong tháng đầu tiên. Ông Lư Thanh Phong, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, cho biết số vốn giải ngân trên 900 triệu USD năm 2009 chủ yếu dựa trên các dự án nhỏ, và năm 2010 thành phố đang trông chờ vào những dự án bất động sản đã được cấp phép 2-3 năm trước.

 

Nhiều tỉ USD chờ giải ngân

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), số vốn đăng ký vào ngành hóa dầu và bất động sản đã chiếm cỡ 80% vốn đầu tư nước ngoài trong hai năm 2007- 2008. Những dự án “tỉ đô” này do triển khai trên hàng nghìn hecta đất nên mất rất nhiều thời gian cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

 

Lãnh đạo một công ty có dự án bất động sản ở TP.HCM được cấp phép năm 2008 cho rằng thị trường bất động sản im ắng, giá cho thuê văn phòng tuột dốc là những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư không muốn triển khai trong thời gian này.

 

Tuy nhiên, vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan hơn khi chủ đầu tư một số dự án lớn cam kết đẩy nhanh tiến độ hoặc bắt đầu khởi công trong những ngày đầu năm này. Ở TP.HCM, chủ đầu tư dự án Trung tâm tài chính VN (930 triệu USD) là Tập đoàn Berjaya (Malaysia) khẳng định ngay sau Tết Canh Dần 2010 sẽ bắt đầu rào chắn khu đất ở khu du lịch Kỳ Hòa để chuẩn bị khởi công.

 

Đại diện Tập đoàn Winvest Investment (Mỹ) tại VN cho biết vừa ký xong các hợp đồng san lấp mặt bằng 40ha đất đầu tiên được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao để chuẩn bị khởi công dự án trong tháng 3 này. Dự án khu du lịch giải trí đa năng lớn nhất nhì Vũng Tàu này đã phải dời kế hoạch khởi công nhiều lần vì mặt bằng không được giao đúng tiến độ.

 

Trong khi đó ông Vũ Lê, giám đốc điều hành Tập đoàn Galileo (Mỹ), rất lạc quan về dự án Thành phố sáng tạo (giai đoạn một 1,68 tỉ USD) ở Phú Yên. Theo ông Vũ, khoảng 100 triệu USD là ngân sách dự kiến giải ngân cho việc xây cao ốc văn phòng làm việc, cơ sở hạ tầng khu trung tâm thành phố. “Do phần đất ở khu nam Phú Yên không có bao nhiêu hộ dân nên công tác giải phóng mặt bằng sẽ nhanh, có thể trong tháng 4 san lấp xong và tháng 7 sẽ khởi công”, ông Vũ nói.

 

Nhưng có lẽ lạc quan nhất là ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI). Theo ông Tâm, chủ tịch Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) vừa có chuyến thăm chớp nhoáng đến VN để xác nhận lại cam kết khoản đầu tư 5 tỉ USD với các nhà lãnh đạo VN. Theo ông Tâm, những gì Foxconn đã tuyên bố đầu tư cách đây hai năm ở VN nay vẫn tiếp tục. Trước đây tập đoàn này đã thông báo khoản đầu tư 5 tỉ USD tại VN nhưng do khủng hoảng kinh tế nổ ra, kế hoạch đầu tư đã bị trì hoãn và nay công bố được nối lại.

 

Theo Tuổi Trẻ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên