Thủ khoa có cha phụ hồ, mẹ làm giúp việc

Cập nhật: 03-08-2010 | 00:00:00

Trưa 29-7, chúng tôi tìm đến nhà thủ khoa Nguyễn Huy, lớp 12A3 Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế, thì gặp em đang cùng cha là ông Nguyễn Hoàng vận chuyển vật liệu thuê cho nhà bên cạnh xây dựng ở đầu con hẻm. Khuôn mặt ông Hoàng rạng ngời, vui mừng trò chuyện về cậu con trai “độc đinh” của mình vừa đỗ thủ khoa Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với 27 điểm và đạt 24 điểm ngành bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y Dược Huế.

 

Thay chị thực hiện ước mơ

 

Mới đến đầu con hẻm số 12 Lương Văn Can , TP Huế, chúng tôi đã nghe nhiều người khoe xóm nhà nghèo đã có người đỗ thủ khoa đại học. Người dân trong vùng đều tấm tắc ngợi khen vợ chồng bà osin nghèo mà nuôi con học giỏi, chăm làm.

 

Huy là con út trong gia đình lao động nghèo, có hai chị em, cha đạp xích lô, phụ hồ, mẹ giúp việc nhà cho người ta để kiếm sống. Ý thức về hoàn cảnh nghèo khó của gia đình, Huy và chị là Nguyễn Thị Thanh Thủy đã nỗ lực học, cả hai cùng ước mơ sau này thành bác sĩ. “Với hoàn cảnh gia đình em, chỉ có học và học thật giỏi mới có hy vọng sau này giúp cha mẹ bớt khổ” - Huy tâm sự.

 

Suốt những năm học phổ thông, không có tiền mua sách mới, Huy phải mượn sách cũ, mua sách đồng nát, hoặc mượn sách của thư viện về phôtô để học. Áo quần Huy mặc, kể cả những bộ đồng phục đến trường suốt những năm qua hầu hết cũng nhờ áo quần cũ của người anh con cậu nhượng lại. Suốt những năm học phổ thông, Huy luôn là học sinh giỏi, từng đoạt giải nhì môn sinh toàn TP Huế.

 

Ba năm trước cả nhà Huy từng vui mừng và hãnh diện khi Thủy thi đạt 25 điểm ngành bác sĩ đa khoa. Vì hoàn cảnh gia đình quá ngặt nghèo, thương em, không muốn cha mẹ thêm nặng gánh, Thủy đã chọn học nghề giáo viên.

 

“Chị thằng Huy cũng thi đỗ cả hai trường. Ước mơ làm bác sĩ nhưng nhà tui nghèo quá, lấy mô ra tiền để nuôi nó theo học sáu năm, thế nên nó phải học trường sư phạm” - bà Lê Thị Thanh Tâm, mẹ Huy, giọng bùi ngùi.

 

Cha phụ hồ, mẹ làm osin

 

Nghe tin Huy đậu hai trường đại học, lại đỗ thủ khoa, họ hàng, làng xóm ai nấy đều mừng cho em nhưng cũng ái ngại cho hoàn cảnh gia đình Huy. Sau niềm hân hoan, phấn khởi, tự hào là nỗi lo chồng chất của vợ chồng nghèo. Cha mẹ Huy đau đáu nỗi lo chi phí cho hai con theo học.

 

“Hai đứa đều học đại học, tui thì mắc bệnh gan, ốm đau thường xuyên, còn chồng thì làm phụ hồ ngày làm ngày nghỉ, công việc bấp bênh. Thằng Huy đậu thủ khoa, vợ chồng tui vui lắm nhưng mấy hôm nay tui không ngủ được vì chưa xoay xở đâu ra tiền để lo cho con nhập học” - bà Tâm chia sẻ.

 

Để nuôi con gái học đại học sư phạm, bà đã vay vốn của hội phụ nữ và vay vốn sinh viên hơn 20 triệu đồng chưa có tiền trả. Khi Huy nhập học, có thể gia đình bà sẽ phải vay thêm tiền dành cho sinh viên nghèo, vợ chồng bà phải cố làm thêm nhiều việc khác nữa để cho Huy theo học.

Từ mờ sáng ông Hoàng đã phải đạp xích lô ra chợ đón khách, hoặc đẩy xe rùa đi phụ hồ cả ngày đến tối mịt mới về nhà. Bà Tâm phải đi giúp việc gia đình cho người ta với những công việc cực nhọc như giặt áo quần, lau nhà, dọn vườn, rửa chén bát… Đêm về bà nhận dán hàng mã để kiếm thêm tiền cùng chồng nuôi hai con ăn học.

 

Còn Huy, em vẫn phân vân chưa biết chọn trường nào. Học Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thì thời gian học ngắn nhưng chi phí ăn ở quá lớn, sợ cha mẹ không kham nổi; ngược lại, học Đại học Y Dược Huế thì được gần nhà nhưng thời gian học lại quá dài, chi phí theo học cũng là một thách thức lớn đối với gia đình em. Huy nói: “Học trường mô cha mẹ em cũng khổ cả!”.

 

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X