Thu ngân sách năm 2011 ở mức 605 nghìn tỷ đồng

Cập nhật: 10-11-2010 | 00:00:00

Sáng nay (10-11), Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, với thu cân đối ngân sách là 605 nghìn tỷ đồng. ĐBQH đề nghị trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước cần có giải pháp để giảm bội chi xuống dưới 120.600 tỷ đồng.

 

Từ 1-5-2011, điều chỉnh tăng lương tối thiểu

 

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) là 595 nghìn tỷ đồng (tương đương 26,2% tổng sản phẩm trong nước); tính cả 10 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 sang 2011, con số này lên tới 605 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng số chi cân đối NSNN là 725.600 tỷ đồng; mức bội chi là 120.600 tỷ đồng (5,3% tổng sản phẩm trong nước).

 

 

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2011

 

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành các giải pháp thực hiện dự toán NSNN năm 2011 do Chính phủ trình, kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và nhấn mạnh những giải pháp trọng tâm:

 

Thứ nhất, thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN. Trong quá trình điều hành NSNN cần có giải pháp để giảm bội chi năm 2011 xuống dưới 120.600 tỷ đồng và giảm dần các năm sau.

 

Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến năm 2010, tầm nhìn 2030, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu về kinh tế - xã hội năm 2011.

 

Thứ hai, chỉ đạo quyết liệt, tăng cường quản lý công tác thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ theo quy định; giảm hẳn tình trạng nợ đọng thuế, gian lận thuế. Trường hợp thu NSNN tăng so với dự toán, số vượt thu ngân sách trung ương được sử dụng ít nhất 30% để giảm bộ chi NSNN năm 2011. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về phương án phân bổ cụ thể số vượt thu ngân sách trung ương theo quy định.

 

Thứ ba, quản lý chặt chẽ chi NSNN, triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách cũng như các nguồn tài chính công khác; khắc phục tình trạng chi chuyển nguồn lớn, chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền… Từ ngày 1/5/2011, điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 730 nghìn đồng/tháng lên 830 nghìn đồng/tháng; lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công bằng tốc độ tăng lương tối thiểu; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10%; phụ cấp thâm niên ngành giáo dục...

 

Thứ tư, năm 2011 phát hành 45 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ để đầu tư các dự án, công trình trong danh mục do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Các địa phương tích cực khai thác, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác theo quy định để thực hiện dự án, công trình được trung ương hỗ trợ bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Không bố trí vốn cho các dự án, công trình không đúng đối tượng, không đủ thủ tục hành chính, không thật sự cấp bách, không hiệu quá; bố trí vốn tập trung, nhất là các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2011 - 2012…

 

Tăng thu hàng năm cao so với dự toán

 

Đánh giá về tình hình thực hiện NSNN năm 2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: Trong những năm qua, việc xây dựng dự toán NSNN cơ bản đã bám sát thực tế, đảm bảo tính khả thi, chắc chắn. Tuy nhiên, tăng thu hàng năm vẫn ở mức cao so với dự toán, nguyên nhân do tác động của giá cả thị trường trong nước và thế giới; do thời điểm lập dự toán hàng năm thường bắt đầu từ sớm (tháng 6 năm trước) cộng với việc dự báo phát triển kinh tế- xã hội chưa thật sát, dẫn đến phát sinh chênh lệch giữa dự toán và thực tế thực hiện ngân sách ở nhiều địa phương.

 

Năm 2010, Quốc hội quyết định dự toán NSNN trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi xây dựng dự toán NSNN phải rất thận trọng, đảm bảo tính chắc chắn và khả thi trong thực hiện. Thực tế 9 tháng và quý IV-2010, tình hình kinh tế trong nước chuyển biến tích cực hơn so với dự báo, đã tạo điều kiện để tăng thu NSNN.

 

Chính phủ đánh giá thu ngân sách năm nay vượt 58.600 tỷ đồng so với dự toán là sự cố gắng lớn trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều biến động, khó dự báo và khó lường như thời gian qua. Tuy nhiên, qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách và tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị mức tăng thu thêm khoảng 8.000 tỷ đồng; trong đó thu từ đất tăng 5.000 tỷ đồng, thu từ dầu thô tăng 2.200 tỷ đồng và thu cân đối từ lĩnh vực xuất nhập khẩu tăng 800 tỷ đồng.

 

Giải trình về ý kiến mức dự toán thu chưa sát vì kinh tế năm 2011 có khả năng phục hồi, tăng trưởng mạnh hơn, các chính sách miễn giảm thuế không còn… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: Đối với thu nội địa (không kể dầu thô), dự toán đã được xây dựng tăng 13,5% so với ước thực hiện năm 2010 (nếu không kể tiền sử dụng đất thì tăng 19,3%). Thu từ lĩnh vực sản xuất - kinh doanh có mức tăng thu cao 27,3% (gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế theo giá hiện hành).

 

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như phương án Chính phủ trình; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo tích cực khai thác tốt các nguồn thu, chống thất thu, thu hồi số nợ động thuế…

 

Đối với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu được xây dựng trên cơ sở dự tính kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nhập khẩu tăng 9% so với ước thực hiện năm 2010. Qua đánh giá số thu xuất nhập khẩu năm 2011 còn có khả năng khai thác thêm, dự toán NSNN bố trí tăng thu thêm 1.700 tỷ đồng từ hoạt động này.

 

Với thu từ dầu thô, dự toán được xây dựng theo kế hoạch đăng ký của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sản lượng dầu thô khai thác trong năm 2011 dự kiến đạt 14,02 triệu tấn, Chính phủ dự kiến giá bán bình quân 73 USD/thùng.

 

Hiện nay, giá dầu đã tăng trở lại (trên 80 USD/thùng) nhưng để đảm bảo chắc chắn hơn các cân đối vĩ mô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến và dự kiến giá dầu thô bình quân 77 USD/thùng (tăng 4 USD/thùng so với phương án của Chính phủ), đề nghị bố trí tăng thu thêm 2.800 tỷ đồng từ dầu thô.

 

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên