Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chấm dứt việc đầu tư dàn trải

Cập nhật: 05-03-2010 | 00:00:00

 Ngày 4-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đầu tư xây dựng toàn quốc. Trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, nhưng với nhiều mô hình sáng tạo từ các địa phương, năm 2009 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt 80,9% kế hoạch - cao nhất trong nhiều năm qua. Hội thảo cũng nghiêm túc đánh giá, bàn giải pháp, tháo gỡ các vướng mắc để năm 2010, cả nước tập trung thu hút nhiều nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

  Một góc cầu Thủ Thiêm, hầm và đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Năm 2009: giải ngân cao nhất

 

“Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2009 đạt khoảng 704.000 tỷ đồng, bằng 42,8% GDP, tăng 15% so với năm trước, tỷ lệ giải ngân lên đến 80,9% so với kế hoạch. Để có thành quả đó là nhờ nhiều quy định mới được ban hành, tạo thông thoáng, phân cấp triệt để, quy định đấu thầu cũng rõ ràng hơn” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc nói.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tiếp: Tỷ lệ giải ngân năm 2009 cao gần gấp đôi năm trước, trong đó vốn ngân sách được giải ngân đến 98%, nhiều địa phương cũng đạt tỷ lệ giải ngân 100%.

 

Đạt được kết quả đó là do sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, các đại biểu thừa nhận có sự bứt phá như hình thức giao vốn trước, thẩm tra sau để đẩy nhanh tiến độ, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương. Cụ thể như ở TP.HCM - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Thành Tài nói - TP rất quyết liệt kích cầu đầu tư, huy động nguồn vốn, trong đó có hình thức phát hành trái phiếu của tổ chức kinh tế tư nhân ra thị trường thế giới. Để sử dụng nguồn vốn tập trung, TP còn cắt giảm dự án không cấp bách, tập trung vốn vào các công trình trọng điểm, đồng thời với việc giao ban giải quyết khó khăn ở các dự án. Do vậy, năm qua, TP có hơn 130 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Tình hình giải ngân của TP đạt 94% kế hoạch, bằng 152% so với năm trước.

 

Nhiêu khê thủ tục, mặt bằng

 

Năm qua, các địa phương đã thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất được 40.000 tỷ đồng. Thủ tướng đồng ý để địa phương sử dụng đồng vốn này, tuy nhiên phải trích một phần phục vụ cho việc xây dựng sẵn các khu nhà tái định cư để khi tiến hành dự án là có nguồn nhà tái định cư ngay, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thống kê, một hồ sơ dự án đầu tư phải qua 12 - 18 con dấu với 412 thủ tục. Qua rà soát, đến 78% thủ tục cần chỉnh sửa. Đã vậy, “việc bố trí vốn chưa tập trung, khiến nhiều dự án kéo dài, ngâm vốn” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói. Cụ thể, các dự án về ký túc xá (KTX) sinh viên đạt tỷ lệ giải ngân thấp, chỉ 22%. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói: Sở dĩ tỷ lệ giải ngân ở các KTX thấp là do thiếu sự phối hợp giữa các sở ngành và việc triển khai thực hiện chỉ mới bắt đầu được trong quý cuối của năm. Còn thực tế, trong năm qua, công tác kiên cố hóa trường lớp đạt tỷ lệ giải ngân đến 98%. Năm 2010, kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ cho KTX là 2.000 tỷ đồng, Bộ trưởng đề nghị tăng thêm vốn 1.500 tỷ đồng để triển khai.

 

Giải phóng mặt bằng được nhiều đại biểu “kêu” nhất. Dù Chính phủ đã có Nghị định 69 nâng mức bồi thường, giải tỏa được phần nào khó khăn. Nhưng đối với các dự án “giao thời” thì đơn giá bồi thường có sự chênh lệch nhau, không công bằng giữa các đối tượng. Do vậy nhiều tuyến đường nơi đã làm xong thu phí, đoạn khác vẫn chưa được bồi thường xong.

 

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vừa được thông xe.

Một vấn đề khó trong công tác giải phóng mặt bằng là không làm kịp nguồn quỹ nhà bố trí tái định cư. Do vậy, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên kiến nghị, các địa phương phải tạo quỹ hỗ trợ thu hồi đất để giải quyết việc làm, đào tạo nghề… cho người bị giải tỏa. Còn lãnh đạo tỉnh Cần Thơ thì đề xuất cho phép huy động vốn bên ngoài để xây dựng sẵn các khu tái định cư, khi triển khai giải tỏa là có chỗ di dời ngay, vì như hiện nay, vừa giải tỏa vừa xây dựng nhà tái định cư khiến các dự án chậm tiến độ.

 

Thủ tướng Chính phủ chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục để làm tốt công tác này trong thời gian tới là: Phải đẩy nhanh tiến độ các dự án, vì làm chậm là phải trả lãi, phải chịu đồng tiền mất giá. Như vậy là sử dụng đồng vốn không hiệu quả. Chấm dứt việc đầu tư dàn trải, vì nếu dàn trải thì không công trình nào hoàn thành, chôn đồng vốn lâu hơn và cần tập trung nâng cao chất lượng công trình, tức nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn.

 

Nâng cao chất lượng đầu tư

 

Tổng vốn đầu tư năm 2010 lên đến 791.000 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước 125.500 tỷ đồng. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đề nghị phải đẩy mạnh huy động vốn từ các nguồn khác, khai thác từ quỹ đất. Đồng thời, các địa phương cần chủ động trích nguồn thu hàng năm để có nguồn vốn giải phóng mặt bằng, tạo đất sạch, xây dựng nhà tái định cư phục vụ triển khai ngay dự án.

 

“Năm nay là năm có khối lượng công việc rất lớn. Năm cuối của giai đoạn 2006- 2010 nên phải hoàn thành các quy hoạch để xây dựng quy hoạch mới cho giai đoạn 2011- 2015” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói. Hiện nay, năng lực chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn yếu. Vì vậy, khi triển khai dự án, các đơn vị cần chú ý đến năng lực tư vấn, lựa chọn nhà thầu có năng lực. Đề nghị Bộ Xây dựng chuyển giao phần mềm quản lý cho các ban quản lý dự án.

 

Tuy nhiên, vấn đề mà Phó Thủ tướng đặt ra là các đơn vị cần quyết toán có bao nhiêu dự án còn dang dở để rốt ráo hoàn thành, chứ không nên chỉ nhìn vào khối lượng giải ngân. Lãnh đạo Bộ GT-VT cho rằng, công tác đấu thầu để chọn nhà thầu có năng lực, giám sát chất lượng đầu tư, hậu kiểm chặt là những vấn đề cấp thiết hiện nay. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giao quyền cho nhà đầu tư, đặt vấn đề trách nhiệm cho nhà đầu tư.

 

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát, phân bổ cho xong, cho hết nguồn vốn, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đúng mục tiêu. Tập trung dồn vốn vào những dự án dang dở để xong ngay trong năm 2010.

 

Trong đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề cần rút kinh nghiệm để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản.

 

Thứ nhất, xem lại việc chuẩn bị đầu tư như thẩm định, phê duyệt dự án, chọn thầu cho đúng thủ tục pháp luật. Ngay trong quý 1, các đơn vị phải làm xong việc chuẩn bị đầu tư này. Thứ hai, làm nhanh công tác giải phóng mặt bằng, phải có phương án tái định cư cho dân. Cụ thể, tiền đấu giá quyền sử dụng đất, các địa phương phải dành một phần để làm dự án tái định cư. Tăng cường năng lực của cơ quan tham mưu, năng lực chủ đầu tư. Phân cấp mạnh hơn, rõ ràng hơn về quyền và trách nhiệm cho chủ đầu tư. Thứ ba, rà soát việc phân bổ vốn của chủ đầu tư cho đúng đối tượng. Thứ tư, không chỉ nguồn vốn ngân sách, trái phiếu mà các đơn vị phải cố gắng tạo ra cơ chế để huy động nhiều nguồn vốn khác. Thủ tướng cũng hoan nghênh kinh nghiệm của TP.HCM trong việc khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Vấn đề cuối cùng mà Thủ tướng nhắc nhở để không lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong đầu tư xây dựng cơ bản đó là vấn đề trách nhiệm của các lãnh đạo các ngành, các cấp và sự phối hợp giữa các đơn vị với nhau.

 

(Theo SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên