Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Giữ nợ công trong giới hạn an toàn và sử dụng hiệu quả vốn vay

Thứ sáu, ngày 22/11/2013
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Về nhiệm vụ năm 2014, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Cụ thể, sẽ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng hợp lý. Về tăng bội chi ngân sách Nhà nước và phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ, Chính phủ đã trình và được Quốc hội đồng ý mức bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP (224 ngàn tỷ đồng) và phát hành thêm 170 ngàn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.

“Việc tăng bội chi ngân sách dành một phần để trả nợ, phần còn lại và trái phiếu Chính phủ bổ sung được tập trung vào đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hoàn thành nhiều công trình đang đầu tư dở dang, bổ sung vốn đối ứng ODA, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Qua đó góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài kém hiệu quả, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, giải quyết nợ xấu; tăng giải ngân vốn ODA, thu hút mạnh hơn các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển, bảo đảm được tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% - 31% GDP; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động; và góp phần quan trọng vào việc tăng năng lực sản xuất, thực hiện đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, trái phiếu Chính phủ sẽ được phát hành phù hợp theo tiến độ giải ngân các dự án và thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô. Việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ được quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả đồng thời với việc thực hiện phù hợp chính sách tiền tệ, nhất là kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý, không làm tăng quá mức tổng cầu. Với các giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng. Với mức bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung như đã nêu trên, nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP).

Về an toàn hồ chứa nước, Thủ tướng báo cáo, hiện nay, cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động. Trong số đó có nhiều hồ đã được xây dựng từ 30 - 40 năm trước, không còn phù hợp với tình hình bão lũ phức tạp hiện nay, không bảo đảm an toàn, cần sửa chữa nâng cấp. Đối với các hồ thủy điện, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hồ chứa. Đối với hồ thủy lợi, thực hiện Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp được gần 500 hồ. Còn 317 hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Năm 2013, đã bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp 91 hồ. Năm 2014-2015 sẽ rà soát lại và bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa số hồ có nguy cơ mất an toàn…

T.S (tổng hợp)