Thủ tướng nhận trách nhiệm cá nhân về Vinashin

Cập nhật: 24-11-2010 | 00:00:00

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng chiều qua  (23-11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ, những vấn đề chưa được làm sáng tỏ sau 2 ngày chất vấn 4 bộ trưởng, trong đó có Vinashin, sẽ được giải đáp trong buổi đăng đàn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng nay (24-11).

 

Các đại biểu kì vọng người đứng đầu Chính phủ sẽ thể hiện được vai trò nhạc trưởng, trả lời và giải đáp thẳng thắn trước Quốc hội và cử tri cả nước.

 

Đây là lần thứ 4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn trên nghị trường. Dự kiến, ông sẽ trình bày vắn tắt những vấn đề đang còn có nhiều ý kiến khác nhau và chưa được làm rõ qua 2 ngày chất vấn của 4 vị bộ trưởng: Công thương, Y tế, Tài chính và Giao thông - Vận tải. Sau đó, Thủ tướng sẽ trả lời trực tiếp các đại biểu Quốc hội cho đến 11h30 trưa nay.

 

Chỉ tiếp tục dự án bôxit khi đảm bảo an toàn

 

Ngay đầu buổi sáng chất vấn, Thủ tướng đã dành ít phút nói về dự án khai thác bôxit và Vinashin.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, sau khi có các ý kiến của ĐBQH và các nhà khoa học, chuyên gia thì hiện nay, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương lựa chọn tư vấn độc lập nước ngoài để xem xét thiết kế hồ chứa bùn đỏ Tân Rai. Nghiên cứu thêm phương án thải khô với Nhân Cơ. Bộ Công thương cũng đang xây dựng các tiêu chuẩn về hồ bùn đỏ.

 

Hai dự án đang triển khai theo đúng chủ trương, việc lập và thẩm định các dự án đã được các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu thực hiện. Ngay sau khi có ý kiến lo ngại nguy cơ vỡ hồ chứa bùn đỏ, Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra, đánh giá lại.

Đoàn khảo sát Hungary có đánh giá, hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai là an toàn, có độ an toàn cao.

Tuy vậy, sau khi có kết luận thẩm định lại của tư vấn nước ngoài,  Thủ tướng sẽ xem xét quyết định và chỉ tiếp tục thực hiện dự án khi đảm bảo an toàn về môi trường.

 

Người đứng đầu Chính phủ nói, bôxit là một tài nguyên lớn, trữ lượng bôxit ở Việt Nam vào loại hàng đầu thế giới, có thể cung cấp nguyên liệu phát triển ngành alumin, nhôm. Khai thác bôxit là chủ trương nhất quán từ ĐH 9 và X của Đảng. Trong hai nhiệm kỳ vừa qua đã nhiều lần báo cáo vấn đề này.

 

Việc khai thác bôxit gắn với công nghiệp khai thác là để góp phần kinh tế xã hội của Tây Nguyên. Việc triển khai phải đảm bảo lợi ích lâu dài, có bước đi thích hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đảm bảo môi trường sinh thái, sử dụng thiết bị và công nghiệp hiện đại. Trên cơ sở khai thác hai dự án thí điểm Tân Rai, Nhân Cơ mới rút kinh nghiệm để bổ sung cho quy hoạch thời gian tiếp theo.

 

Chính phủ chỉ đạo TKV, trong đó chỉ đạo quy hoạch, thăm dò khai thác sử dụng quặng giai đoạn tới 2015, xét tới 2025. Trong đó có xét tới hiệu quả kinh tế xã hội, quy hoạch hạ tầng.

 

Trên cơ sở thăm dò khảo sát, ý kiến góp ý các nhà khoa học, Thủ tướng giao Bộ công thương chủ trì quy hoạch, lập báo cáo chiến lược môi trường cho dự án, khẩn trương trình duyệt. Trước mắt, khẩn trương triển khai thí điểm hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ.

 

Quá trình lập, thẩm định, phê duyệt hai dự án được tiến hành chặt chẽ theo đúng chủ trương nhà nước. Các địa phương Lâm Đồng, Đăk Nông đều ủng hộ.

 

Tại kỳ họp thứ 5, một số ĐB có ý kiến dự án. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Công thương kiểm tra, tính toán, đánh giá lại dự án và tác động môi trường. Đặc  biệt chú ý thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ.

 

Thủ tướng yêu cầu, căn cứ kết quả đánh giá lại, nếu dự án bảo đảm chặt chẽ môi trường mới triển khai.

 

Bộ Công thương đã lập Hội đồng gồm 19 thành viên chuyên gia, tổ chức đánh giá và thống nhất với các thiết kế đã có.

 

Như vậy các Bộ, các chuyên gia trong Hội đồng đã thẩm định, đánh giá dự án bảo đảm môi trường, an ninh quốc phòng.

 

Dự án do DN Việt Nam thực hiện. Tập đoàn Nhôm Trung Quốc được thuê làm tổng thầu EPC theo hình thức chìa khoá trao tay.

 

Về môi trường, việc khai thác bôxit gắn với hoàn thổ, cải tạo đất trong 4, 5 năm. Như vậy việc khai thác bôxit góp phần tốt hơn cho trồng rừng ở Tây Nguyên.

 

Việc xây dựng hồ chứa bùn đỏ cũng phải được xem xét kỹ lưỡng.

 

Không để xảy ra vụ việc như Vinashin

 

Liên quan đến vấn đề Vinashin được dư luận quan tâm, Thủ tướng tái khẳng định kể từ khi thành lập Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Vinashin, đến 5-2006 Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm, thành lập tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, đến năm 2008, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 35 - 40%, theo kết quả kiểm toán độc lập các năm 2005 - 2008 đều có lãi vài trăm tỷ đồng, đến hết 2009 đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 3300 tỷ đồng.

 

Chỉ từ cuối năm 2008, tập đoàn mới bắt đầu gặp khó khăn, không thu xếp được vốn để thực hiện các hợp đồng đã ký, do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu, và do những sai phạm của lãnh đạo tập đoàn.

 

Thủ tướng thừa nhận trong câu chuyện của Vinashin, có trách nhiệm của một số cơ quan chức năng thuộc chính phủ chưa thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý chủ sở hữu đối với tập đoàn. Thủ tướng khẳng định đang nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của tập thể cá nhân.

 

Thủ tướng cũng nhận trách nhiệm cá nhân, trên tư cách "là người đứng đầu Chính phủ", đối với sự đổ vỡ của Vinashin.

 

Cam kết trước Quốc hội "không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin", Thủ tướng cũng nói thêm, tái cơ cấu Vinashin còn khó khăn mong QH ủng hộ, chia sẻ và giám sát.

 

Về số nợ hơn 86.000 tỷ đồng đến 30-6-2010, trong đó có nợ đến hạn 14.000 tỷ đồng, Thủ tướng tái khẳng định tổng giá trị tập đoàn trên sổ sách là 104.000 tỷ đồng, còn giá trị thực tế đang được rà soát, đánh giá cụ thể.

 

Về công tác tái cơ cấu tập đoàn, ngày 18-11-2010 Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu tập đoàn, với mục tiêu để tập đoàn sớm ổn định sản xuất kinh doanh, củng cố thương hiệu, từng bước trả nợ, thực hiện mục tiêu là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải, thực hiện chiến lược biển.

 

Đến năm 2013, sau khi hoàn thành đề án tái cơ cấu, sẽ chỉ còn 43 đơn vị doanh nghiệp chuyên môn hóa: đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ và đào tạo nhân công cao cấp...

 

Chính phủ sẽ tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước và chủ sở hữu với tập đoàn Vinashin, thực hiện có kết quả đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, chấn chỉnh quy chế quản lý nội bộ của tập đoàn.

 

Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, sử dụng, giám sát việc sử vốn Nhà nước. DN tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo. Chính phủ sẽ sớm trình Luật sử dụng vốn Nhà nước, xác định rõ các lĩnh vực tổ chức Tập đoàn, tổng kết thực hiện thí điểm Tập đoàn, xây dựng tập đoàn đủ mạnh. Thực hiện công khai minh bạch hoạt động của Tập đoàn, DNNN, tạo điều kiện thuận lợi cho giám sát..

 

Tiếp tục cập nhật...

 

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên