Thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ

Cập nhật: 29-10-2020 | 07:46:56

Cùng với cả nước, trải qua 10 năm (2011-2020) thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG), Bình Dương đã nỗ lực thực thi đồng bộ các chính sách pháp luật về BĐG trong mọi lĩnh vực, từng bước trao quyền cho phụ nữ trong vị thế xã hội hiện đại, đồng thời bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong gia đình, xã hội và cả trong lao động sản xuất.

 Công đoàn Phòng Tài nguyên - Môi trường TP.Dĩ An tặng hoa, quà cho công đoàn viên nữ và người thân là nữ nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và 10 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam

 Nâng cao vị thế của phụ nữ

Sau 10 năm thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc thúc đẩy chiến lược BĐG theo mục tiêu của quốc gia, Bình Dương đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Điển hình như hàng năm, tỉnh luôn chú trọng quy hoạch, tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo là phụ nữ. Mỗi năm tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chiếm 44 - 50%. Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo luôn được bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ; không có sự phân biệt giới tính, bảo đảm tuyển chọn những người giỏi nhất trong số những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã dự thi để bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển.

Trong lĩnh vực giáo dục, công tác vận động tuyên truyền về việc bảo đảm BĐG trong các cấp học được chú trọng. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện lồng ghép linh hoạt các nội dung về BĐG trong các tiết học ngoại khóa; triển khai môn học “Giới trong lãnh đạo, quản lý” trong chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị; tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm nhằm thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, từ năm 2011, nữ CBCCVC được cử đi học tập trung 1 tháng trở lên đều được hỗ trợ kinh phí học tập. Đây là chính sách riêng của tỉnh Bình Dương nhằm hỗ trợ, khuyến khích nữ giới tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, góp phần giảm khoảng cách giới trong trình độ chuyên môn nghiệp vụ của CBCCVC, đặc biệt là trình độ sau đại học.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dân số, kế hoạch hóa gia đình, Bình Dương thực hiện chính sách “gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền tư vấn, vận động người dân thực hiện đúng chính sách dân số, kịp thời ngăn chặn các biện pháp lựa chọn giới tính thai nhi. Do vậy, trong 10 năm qua, Bình Dương luôn khống chế được tỷ suất giới tính khi sinh 110 trẻ trai/100 trẻ gái. Bên cạnh đó, điều rất đáng mừng là đến nay, 100% phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số cư trú vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng công tác truyền thông, nâng cao về nhận thức, vai trò, năng lực của cán bộ nữ. Tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, đặc biệt là các lớp tập huấn cho cán bộ nữ lần đầu ứng cử đại biểu HĐND các cấp, nhằm khuyến khích phụ nữ tự tin, mạnh dạn tranh cử, góp phần tăng tỷ lệ nữ tham chính. Ngoài ra, tỉnh cũng luôn quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho nữ lao động ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hoặc tổ chức các buổi tập huấn, hỗ trợ vay vốn, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm giúp đỡ phụ nữ khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo”.

Từng bước xóa bỏ bạo lực

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình thực hiện công tác BĐG trên địa bàn tỉnh, vẫn còn vướng mắc những hạn chế. Quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại rải rác ở một số vùng sâu, vùng xa, nên cần phải có sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước xóa bỏ mọi hủ tục lạc hậu, sớm tiếp cận tinh hoa văn hóa hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, triển khai nhiều mô hình BĐG, phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gia đình hạnh phúc ấm no. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thành lập nhiều Câu lạc bộ “Vì sự bình yên và sự an toàn cho mỗi gia đình”; “Phòng chống BLGĐ”; “Yêu thương và sự chia sẻ”; “Phòng chống BLGĐ, xâm hại trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”.

Bà Trần Thị Ngọc Tuất, Chủ nhiệm mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng, ấp Bưng Riềng, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo chia sẻ: “Mỗi “Địa chỉ tin cậy” không chỉ là nơi giúp đỡ phụ nữ hoặc trẻ em lánh nạn khi bị bạo hành mà còn là nơi tuyên truyền, tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình; Luật Phòng chống BLGĐ; tháo gỡ mọi bất đồng tình cảm giữa vợ chồng, giúp họ trở về mái ấm, xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ năm 2012 đến nay, mô hình “Địa chỉ tin cậy” ấp Bưng Riềng đã tiếp nhận giúp đỡ 5 chị em phụ nữ bị bạo hành và 1 trẻ em bị người thân bạo hành”.

Có thể thấy, các mô hình phòng chống BLGĐ trên địa bàn toàn tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đang từng bước xóa bỏ BLGĐ, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.

 Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật sâu rộng về BĐG. Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập nhiều mô hình thúc đẩy BĐG, gồm: 27 Câu lạc bộ BĐG tại các huyện, thị, thành phố; mô hình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) và xã Tân Định (huyện Bắc Tân Uyên); triển khai thí điểm mô hình nhà tạm lánh - Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, ở phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một); 9 địa chỉ tư vấn có hỗ trợ nhu yếu phẩm cho nạn nhân của bạo lực giới.

 THU HƯỜNG  

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên