Thực hiện quy định trường mầm non nhận trẻ 3 tháng tuổi: Vui ít... lo nhiều

Cập nhật: 07-10-2010 | 00:00:00

Sau 2 năm thực hiện quy định các trường mầm non (MN) công lập, bán công, dân lập cũng như tư thục phải tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nhiều trường vẫn chưa thể thực thi và nhiều phụ huynh cũng chẳng dám liều.

Các trường còn lúng túng

Có một nghịch lý là hầu hết các trường MN chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi người mẹ phải đi làm sau khi sinh con 4 tháng. Và để sửa sai, quyết định các trường MN phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đã ra đời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau 2 năm thực hiện quyết định này vẫn dường như là bất khả thi.

Đại diện trường MN 19-5 (Dầu Tiếng) cho biết: Bộ ra quyết định như thế, nhưng tùy điều kiện mỗi trường mà chúng tôi có dám nhận hay không. Hiện nay, trường chúng tôi không có điều kiện để mở thêm lớp cho trẻ ngoài 3 tháng tuổi. Ngoài việc thiếu diện tích, giáo viên (nhất là người biết chăm sóc trẻ nhỏ)... còn một lý do quan trọng là để nuôi những em bé ở giai đoạn này, phải có nhân viên y tế ngay tại chỗ, điều chưa trở thành hiện thực ở hầu hết các trường MN hiện nay. Điều này vẫn là rất khó đối với khả năng của các trường hiện nay, cả công lẫn tư.

 

Không phải trường nào cũng dám nhận trẻ 3 tháng tuổi theo quy định của bộ

Bà Võ Thị Hoàng An, Phó Hiệu trưởng trường MN Hoa Cúc 1 cũng nhận định: Quy định các trường MN phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhưng trường lớp dành cho đối tượng này hiện nay vẫn đang thiếu nghiêm trọng và hầu như không có trường MN công lập nào có đủ điều kiện cơ sở vật chất để nhận trẻ từ 3 tháng tuổi.

Bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục MN Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh cho biết: “Nhìn chung sau 2 năm thực hiện quy định này thì các trường MN hiện nay vẫn chưa đủ khả năng về cơ sở vật chất và giáo viên để mở lớp cho trẻ 3 tháng tuổi. Việc chăm sóc cháu ở độ tuổi từ 3 - 12 tháng rất vất vả, khó khăn, đòi hỏi phải có nhiều cô mới có thể bảo đảm an toàn. Vì thế, các quy định trong điều lệ trường MN là bắt buộc và có hiệu lực ngay sau khi ban hành. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế hiện nay, thì việc áp dụng quy định này chỉ có thể tùy theo khả năng từng trường. Thêm vào đó, số tiền mà ngành giáo dục rót cho lứa tuổi MN còn rất thấp bởi đây là cấp học không bắt buộc. Mặt khác, do tình trạng thiếu trường lớp nên ưu tiên lớn nhất vẫn là làm sao cho các cháu 5 tuổi được đi học mẫu giáo nhằm chuẩn bị vào lớp 1. Phòng Giáo dục MN sẽ tiếp tục đề xuất tăng đầu tư cho khối nhà trẻ, tuy nhiên để các trường có thể mở lớp cho các cháu từ 3 tháng tuổi thì sẽ cần thêm nhiều thời gian”.

Phụ huynh vẫn chưa dám liều

Về phía phụ huynh, quy định này khiến nhiều bà mẹ có con nhỏ rất vui mừng vì nó phù hợp với nhu cầu của nhiều người. Tuy nhiên, ai cũng đòi hỏi các trường MN phải có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất và nhân sự. Họ cho rằng, chỉ có những cô giáo giàu kinh nghiệm và giàu lòng yêu trẻ thì mới có thể đảm đương được việc trông nom những đứa trẻ chỉ mới vài tháng tuổi. Và khi được hỏi có gửi con khi mới chừng ấy tháng không, các chị đều lắc đầu không dám và sau kỳ nghỉ thai sản họ đều quyết định nhờ vả đến ông bà nội ngoại, người thân hoặc thuê người giúp việc.

Chị Nguyễn Thảo Trang, một phụ huynh cho biết: Trước đó, sau khi sinh bé được 4 tháng tuổi, tôi loay hoay mãi mà không biết giải quyết làm sao vì người thân không có mà người giúp việc thì tìm chưa ra. Khi nghe người bạn nói nhiều trường MN có nhận trẻ 4 tháng tuổi, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì gửi được con ở nhà trẻ, lo vì không biết các cô chăm sóc thế nào. Rồi mong muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng (theo khuyến cáo của các tổ chức y tế) sẽ không thực hiện được. Sau nhiều ngày suy nghĩ, đắn đo, tôi quyết định xin nghỉ thêm 2 tháng không lương để ở nhà chăm con.

Chị Trần Thị Kim Loan, một người mẹ của 2 đứa con nhỏ cũng cho biết: “Với đứa con đầu lòng, do chưa có kinh nghiệm nên khi đi làm sau 4 tháng nghỉ, tôi bị mất sữa hoàn toàn và phải nuôi con bằng sữa ngoài khi cháu mới 5 tháng tuổi. Cháu lớn lên thường hay bị đau yếu và có thể trạng còi cọc hơn các bạn cùng lứa. Rút kinh nghiệm, khi sinh cháu thứ hai tôi cố gắng duy trì cho cháu bú sữa mẹ đến gần 2 tuổi. Kết quả khác hẳn, cháu bụ bẫm, nhanh nhẹn và có sức đề kháng tốt hơn chị gái mình. Nếu phải đi làm sau 4 tháng sinh con, ít ai có thể duy trì được nguồn sữa vì sữa mẹ chỉ tiết ra theo nhu cầu. Theo tôi, chúng ta cần kéo dài thời gian nghỉ hậu sản cho các bà mẹ từ 4 tháng lên 6 tháng thì tốt hơn cho cả bà mẹ và em bé”.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X