Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

Thực hiện quyết liệt các biện pháp tránh lây lan vi rút Zika trong cộng đồng

Thứ năm, ngày 14/04/2016

Sau khi đến kiểm tra công tác phòng chống bệnh Zika trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đoàn kiểm tra số 7 Bộ Y tế đánh giá cao công tác chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika của địa phương. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Trưởng đoàn kiểm tra số 7 còn lưu ý thêm một số vấn đề mà Bình Dương cần quan tâm để công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới…

(BDO)

 Ông Nguyễn Trọng Khoa (đứng), Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bình Dương về công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn

 - Ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị để phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết của tỉnh Bình Dương?

- Tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đến nay, đã có trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Vì thế, trong phòng chống bệnh do vi rút Zika, công tác giám sát, dự phòng, điều trị, truyền thông phải được tổ chức đồng thời, tích cực để ngăn chặn kịp thời vi rút Zika.

Qua báo cáo của ngành y tế Bình Dương cho thấy, năm 2015 số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng gấp đôi năm 2014 và đầu năm 2016 cũng tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị triển khai chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika và bệnh tay chân miệng; chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng. Chúng tôi cho rằng, đây là một hoạt động rất cần thiết trong thời gian tới nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh sốt xuất huyết khi mùa mưa tới, hạn chế sự xâm nhập của vi rút Zika vào địa bàn.

- Cụ thể, trong công tác dự phòng và điều trị, Bình Dương cần chuẩn bị như thế nào để phòng chống bệnh sốt xuất huyết cũng như sẵn sàng ứng phó với bệnh do vi rút Zika, thưa ông?

- Đối với dự phòng, khi phát hiện ổ dịch cần phải tập trung xử lý ổ dịch ngay, kịp thời. Đối với hệ thống điều trị, chúng tôi cũng yêu cầu tỉnh có sự chuẩn bị, lập kế hoạch phòng chống dịch hết sức cụ thể, có phương án khi có trường hợp dịch bùng phát mạnh và trường hợp quá tải bệnh nhân. Phải có phương án dự phòng để chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, đặc biệt là dự trữ dịch đa phân tử, tiểu cầu, xe cấp cứu… để kịp thời điều trị. Trong quá trình điều trị, cần chú ý phân tuyến điều trị nhằm tránh dồn bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên, làm cho công tác điều trị gặp khó khăn. Đặc biệt, cần lưu ý công tác phối hợp giữa y tế công lập và y tế tư nhân trên địa bàn. Bình Dương là một trong những địa bàn có rất nhiều cơ sở y tế tư nhân. Hiện nay, bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị rất nhiều tại các bệnh viện và phòng khám tư nhân. Vì thế, việc phối hợp chỉ đạo, cũng như công tác chỉ đạo tuyến phải lưu ý đến hệ thống y tế tư nhân. Tránh trường hợp người bệnh đi khám, chữa bệnh lòng vòng. Khi phát hiện trường hợp bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika phải được điều trị tại chỗ và phát hiện sớm dấu hiệu nặng để chuyển lên cơ sở điều trị thích hợp.

- Thưa ông, bệnh do vi rút Zika không phải là bệnh nặng, nhưng hậu quả của nó để lại khá nặng nề. Xin ông cho biết rõ hơn về điều này?

- Bệnh do vi rút Zika không phải là bệnh nặng, 80% bệnh không có triệu chứng, 20% có triệu chứng khá nhẹ. Tuy nhiên, điều chúng ta lo ngại ở đây là hậu quả của biến chứng bệnh đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là phụ nữ mang thai 3 tháng. Trẻ em sinh ra từ bà mẹ mang thai bị nhiễm vi rút Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ mắc tật đầu nhỏ, mặc dù không phải tất cả các trường hợp nhiễm Zika đều gây hội chứng đầu nhỏ. Tật đầu nhỏ là một biến chứng hết sức nặng nề và để lại hậu quả rất lớn cho xã hội về sau. Ngoài ra, cũng có mối liên quan giữa nhiễm vi rút Zika với hội chứng Guillain- Barré. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước đang lưu hành chủng muỗi Aedes - trung gian lây truyền vi rút Zika. Vì thế, chúng ta cần phải thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống và làm ngay từ bây giờ để tránh lây lan vi rút Zika trong cộng đồng. Khi đó chúng ta mới có thể hạn chế được phát sinh tật đầu nhỏ sau này.

- Như ông đã nói, có đến 80% trường hợp bệnh do vi rút Zika không có triệu chứng rõ ràng. Ông có thể lưu ý một số vấn đề cần quan tâm để có thể phát hiện sớm và xử lý bệnh do vi rút Zika?

- Với những trường hợp trong chẩn đoán thấy có biểu hiện lâm sàng sốt, phát ban và những biểu hiện khác thì cần phải sàng lọc để phát hiện sớm và có hướng điều trị cụ thể, phù hợp. Những người đi từ những vùng có dịch về, khi phát hiện có những biểu hiện như trên cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện sớm bệnh do vi rút Zika và điều trị cách ly, tránh lây lan cho những người khác. Đối với các cơ sở điều trị, chúng tôi cũng yêu cầu phải luôn sẵn sàng; đồng thời lưu ý phòng chống muỗi đốt ngay chính trong bệnh viện, xịt muỗi, diệt lăng quăng trong khuôn viên các cơ sở khám chữa bệnh. Đối với người bệnh, cần phải tuyên truyền cho họ biết cách tránh lây nhiễm cho người khác. Ngoài ra, trong sinh hoạt, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh khác, như bảo đảm quan hệ tình dục an toàn với người từng sống hoặc trở về từ vùng có dịch hoặc tránh quan hệ tình dục trong thời kỳ thai nghén…

- Xin cảm ơn ông!

HỒNG THUẬN (thực hiện)