Thực hiện tốt nhất các giải pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa, vật tư y tế

Cập nhật: 31-03-2020 | 19:40:38

Lãnh đạo ngành công thương khẳng định trong“ hai tuần vàng” chống dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh hàng hóa, nhà phân phối bán lẻ đã và đang thực hiện những giải pháp tốt nhất để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, giá cả để phục vụ người dân. Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương xung quanh vấn đề này.

Ngành Công thương đã xây dựng kế hoạch, cùng các doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường. Trong ảnh: Lượng gạo khá dồi dào tại một đại lý trên địa bàn tỉnh

 - Xin ông cho biết diễn biến thị trường và nguồn cung hàng hóa trên địa bàn hiện nay như thế nào?

- Hiện nay, dù chính quyền tỉnh yêu cầu tạm dừng kinh doanh một số dịch vụ và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhưng hoạt động mua sắm hàng hóa thiếu yếu của người dân vẫn diễn ra bình thường, không có sự xáo trộn, tranh mua, tranh bán. Đồng hành với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của chính quyền các cấp, các DN chủ lực đã có chiến lược tăng nguồn hàng dự trữ, thiết lập thêm kênh cung ứng và phân phối hàng hóa ra thị trường đầy đủ, kịp thời.

Trong “hai tuần vàng” chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, các DN tham gia bình ổn thị trường đã thực hiện nghiêm túc việc dự trữ hàng hóa thiết yếu, luôn bảo đảm về số lượng và chất lượng. Ngoài việc dự trữ hàng hóa tại các siêu thị hiện hữu, các DN cũng đều có kho dự trữ hàng hóa riêng (4 kho) với sức chứa lớn được đặt tại Bình Dương nhằm phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân, ngăn chặn các biểu hiện đầu cơ, găm hàng tạo sốt giá ảo.

Trước đó, dự đoán nhu cầu của người dân về các mặt hàng thiết yếu sẽ tiếp tục tăng cao, Sở Công thương đã phối hợp các DN tham gia bình ổn thị trường và các nhà phân phối tăng lượng dự trữ hàng hóa tại các siêu thị, các kho hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, siêu thị Big C tăng 3 lần lượng hàng dự trữ, Co.opmart tăng 50% và Vinmart tăng từ 30 - 50%. Các nhà cung ứng đều có kế hoạch bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, sẵn sàng nguồn hàng nhằm ngăn ngừa hiện tượng găm hàng, sốt giá. Đồng thời các DN cũng xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ người dân trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc, đi lại, quyết liệt cùng cả nước thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại các chợ truyền thống, tình hình mua bán hàng hóa diễn ra đông hơn thời gian trước nhưng vẫn bảo đảm nguồn hàng đầy đủ, giá cả ổn định, trật tự, an toàn. Sức mua tăng chỉ tập trung và các mặt hàng như gạo, mì gói, cá khô, trứng... Hiện nay mặt hàng gel rửa tay khô, giấy vệ sinh, khẩu trang vải diệt khuẩn vẫn được bảo đảm số lượng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các siêu thị.

Hiện Sở Công thương cũng đã chuẩn bị các phương án dự trữ một lượng gạo lớn cung cấp cho nhu cầu trên địa bàn trong tình huống dịch bệnh phức tạp diễn ra với số lượng lên đến hơn 15.000 tấn. Nên người dân yên tâm, không nên tích trữ gạo quá nhiều dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thị trường, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng này.

- Thưa ông, ngành công thương tiếp tục làm gì để bảo đảm ổn định thị trường và kiểm soát chất lượng hàng hóa?

- Như đã nói, Sở Công thương liên tục làm việc với các nhà phân phối bán lẻ lớn trên địa bàn để có kế hoạch ứng phó kịp thời với thị trường trong tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến khá phức tạp. Đại diện các nhà bán lẻ đều cam kết đồng hành cùng khách hàng, bảo đảm nguồn cung, không tăng giá hàng hóa. Các DN sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ dồi dào, đầy đủ nhu cầu cho người dân. Do vậy, người tiêu dùng không phải lo lắng, chỉ cần mua lượng đủ dùng sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung luôn được bảo đảm.

Sở Công thương cũng phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tỉnh về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng đầu cơ, nâng giá, không niêm yết giá và không bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu, tăng giá hoặc lợi dụng tình hình khan hiếm để đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, ngành quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra kiểm soát các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn như lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn và các loại trang thiết bị bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong tình hình dịch bệnh, người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến để hạn chế đến những nơi tập trung đông người (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) và lựa chọn những đơn vị phân phối uy tín để mua hàng, tránh tình trạng vừa mua phải hàng giá cao lại không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

- Thưa ông, việc Bình Dương sẽ đón khoảng 4.000 người từ vùng dịch về cách ly tại đại phương, ngành công thương đã có bước chuẩn bị như thế nào về các mặt hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là khẩu trang y tế, trang thiết bị vật tư để phục vụ cho công tác cách ly này?

- Được sự phân công của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, lãnh đạo Sở Công thương đã phối hợp với các ngành làm việc với 4 DN sản xuất thiết bị, vật tư y tế trên địa bàn, gồm Công ty TNHH Đinh Hưng Phát (huyện Bàu Bàng), Công ty Cổ phần HTC (TX.Bến Cát); Công ty TNHH SXTMDV y tế Bảo Anh, Công ty TNHH Vật tư y tế Sen Việt (TP.Thuận An). Các DN cũng đăng ký cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế cho ngành y tế địa phương trong tình hình dịch bệnh. Qua đó, bước đầu 3 công ty sản xuất khẩu trang có thể cung ứng 20.000 chiếc/ngày, Công ty Cổ phần HTC có thể cung ứng 400 - 500 bộ đồ bảo hộ y tế với giá bình ổn.

Ngành sẽ tiếp tục phối hợp làm việc với các đơn vị trên địa bàn, bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế có thể cung ứng cho công tác cách ly tại địa phương. Qua đây, ngành công thương đánh giá cao và biểu dương sự phối hợp tích cực của các DN sản xuất thiết bị, vật tư y tế trên địa bàn trong công tác chung tay hạn chế tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, nhất là trong tình hình Bình Dương chuẩn bị đón người từ vùng dịch nước ngoài về. Ngành công thương cũng đề nghị các DN tiếp tục vượt khó, đẩy mạnh sản xuất cung ứng thiết bị, vật tư y tế cho thị trường Bình Dương và cho cả nước.

Tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trong 3 tháng đầu năm 2020, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) trên các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục được Hội BVQLNTD tỉnh triển khai sâu rộng.
Lũy kế từ năm 2019 đến nay, hội và các chi hội đã tổ chức trên 754 cuộc tuyên truyền với số lượng trên 24.955 người dự. Bên cạnh đó, hội đã triển khai hướng dẫn thi hành Luật BVQLNTD nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, mạnh dạn phản ánh khi phát hiện hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được 353 tin, bài trên đài truyền thanh các huyện, thị, thành phố, xã, phường. Ngoài ra, đã có 400 tấm baner, 95 băng rôn và nhiều khẩu hiệu về BVQLNTD được treo dán trên các trục đường chính, trung tâm thương mại, chợ truyền thống tại huyện thị, thành phố… Nhìn chung, nhờ các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, dễ hiểu dễ nhớ nên người tiêu dùng có nhận thức tốt hơn trong việc lựa chọn mua sản phẩm, số vụ khiếu nại các doanh nghiệp, đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm.
THANH HỒNG

TIỂU MY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên