THÔNG TIN LIÊN QUAN

Thực phẩm chay đóng gói có giòi: Công ty Âu Lạc hỗ trợ khách hàng

Cập nhật: 16-06-2015 | 09:46:19

Dù nguyên nhân thực phẩm chay đóng gói bị phát hiện có giòi vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, nhưng trong buổi hòa giải sáng 15-6, phía Công ty Âu Lạc (đơn vị cung cấp lô thực phẩm này) đã đồng ý hỗ trợ các thiệt hại cho khách hàng mua phải sản phẩm.   

 Lô sản phẩm có “bất thường lạ” đang bị niêm phong chờ xác minh, xử lý

Hòa giải, bồi thường thiệt hại

Ngày 15-6, ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương đã có buổi làm việc để hòa giải giữa bà Nguyễn Thị Hoa (38 tuổi, ngụ Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Ái Trinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - kinh doanh thực phẩm chay Âu Lạc (TP.Hồ Chí Minh) về nội dung khiếu nại trước đó của bà Hoa khi mua sản phẩm sườn non chay bị phát hiện có giòi.

Tại buổi hòa giải, bà Hoa đã yêu cầu phía Công ty Âu Lạc thu hồi các sản phẩm bị hư hỏng để tiêu hủy; đồng thời giải thích thỏa đáng cho người tiêu dùng, có công văn giải thích vụ việc với phía đối tác của bà Hoa để xác định việc sản phẩm không đạt chất lượng là có nguyên nhân, chứ không phải đơn vị cố tình cung cấp các khẩu phần ăn kém vệ sinh.

Bà Nguyễn Thị Ái Trinh cho rằng, các công đoạn từ nhập khẩu đến đóng gói các sản phẩm đều là quy trình khép kín, khó có sự xâm nhập của côn trùng. “Việc hư hỏng là do quá trình bảo quản, vận chuyển”, bà Trinh giải thích. Trong khi đó, bà Trần Phan Tưởng cho biết các sản phẩm bà lấy từ đại lý nhập hàng trực tiếp từ TP.Hồ Chí Minh rồi lưu vào kho của mình và điều kiện bảo quản vẫn bảo đảm yêu cầu theo như nội dung kiểm tra trước đó của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (ATVSTP) và Cục ATVSTP Bộ Y tế.

“Việc phản ảnh khiếu nại của người tiêu dùng là hoàn toàn chính đáng. Phía doanh nghiệp cần phải chủ động liên hệ trong việc giải quyết. Vì không ít vụ việc có khi ngoài các nguyên nhân làm sản phẩm hư hỏng, rất có thể các sản phẩm đã bị làm giả gây thiệt hại không chỉ cho người tiêu dùng và cả nhà sản xuất”, ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh chia sẻ. Cũng theo ông Bán, ngay sau buổi hòa giải, phía Công ty Âu Lạc sẽ phải có công văn giải trình cụ thể về nguyên nhân gây ra các hiện tượng sản phẩm bị hư hỏng, kèm theo kết quả xét nghiệm của Chi cục ATVSTP TP.Hồ Chí Minh.

Nhiều vấn đề cần làm rõ!

Trước đó, ngày 13-6, Chi cục ATVSTP TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra dây chuyền đóng gói của Công ty Âu Lạc ở phường Thới An, quận 12, TP.Hồ Chí Minh. Kết quả, đoàn nghi nhận các điều kiện sản xuất, kho chứa hàng… của công ty này đạt yêu cầu. Tuy nhiên, đoàn không thể lấy các mẫu sản xuất vào các ngày 6, 8, 9-12-2014 do phía công ty không lưu mẫu theo quy định. Do đó, đoàn kiểm tra chỉ lấy mẫu được đóng gói vào ngày 8-6 để xét nghiệm. Kết quả kiểm tra sẽ được thông báo rộng rãi đến người tiêu dùng trong thời gian tới.

Ngày 12-6, đoàn kiểm tra của Cục ATVSTP Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu các lô sản phẩm ngày 6, 8, 9-12-2014 đang được lưu giữ tại kho của chị Trần Phan Tưởng. Kết quả đoàn đã phát hiện những “bất thường lạ” như giòi bọ bên trong dù sản phẩm vẫn còn hạn dùng đến tháng 12-2015.

Trong khi các sản phẩm và mẫu sản phẩm liên quan vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ nhưng ngay sau khi hòa giải thành, bà Nguyễn Thị Ái Trinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - kinh doanh thực phẩm chay Âu Lạc đã tự nguyện hỗ trợ cho bà Nguyễn Thị Hoa số tiền 30 triệu đồng liên quan các ảnh hưởng, thiệt hại do sự cố thực phẩm bị phát hiện có giòi. “Dù nguyên nhân sản phẩm hư hỏng vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, xác minh, nhưng với trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, chúng tôi muốn hỗ trợ cho chị Hoa để chị tiếp tục tin tưởng dùng sản phẩm của công ty”, bà Trinh nói.

Ngày 9-6, ngay sau khi phát hiện thực phẩm sườn chay có giòi bọ, phía đối tác buộc bà Hoa phải tiêu hủy các khẩu phần ăn, buộc bà Hoa bỏ ra hơn 26 triệu đồng để mua bánh mì, sữa cho công nhân ăn qua bữa.

Theo ông NGUYỄN VĂN BÁN, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, sự việc xảy ra cả bên sản xuất và người tiêu dùng đều có những hạn chế nhất định. Cụ thể, việc mua bán qua nhiều trung gian của người tiêu dùng không thể hiện trên hóa đơn chứng từ vừa vi phạm pháp luật về thuế, không những thế còn khiến người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn khi xảy ra các vấn đề khiếu nại phát sinh như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hoa. Ông Bán cũng cho rằng, Công ty Âu Lạc cần phải điều chỉnh tác phong trong việc tiếp thu ý kiến phản hồi của người tiêu dùng, nhất là liên quan sản phẩm, thương hiệu của công ty; đồng thời việc lưu giữ mẫu sản phẩm trong quá trình sản xuất chính là cách để doanh nghiệp có thể thuyết phục khách hàng khi xảy ra các khiếu nại liên quan.

 
M.DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên