Thực phẩm chứa hóa chất: Mối nguy hại tiềm ẩn!

Cập nhật: 12-11-2010 | 00:00:00

Với nhịp sống hối hả của thị thành, nơi thời gian được xem là vàng bạc, thói quen “cơm hàng, cháo chợ” từ lâu đã không còn xa lạ với mọi người dân nhất là thành phần lao động. Thế nhưng chúng ta nên cẩn thận hơn trong việc lựa chọn những thực phẩm hàng ngày cho mình, nhất là khi đi ăn uống tại các hàng quán nếu như không muốn... “rước họa vào thân”.

Từ cà phê siêu lời!

Lợi dụng tâm lý khách hàng có thói quen thích uống loại cà phê đen, đặc quánh, nhiều bọt, một số cơ sở sản xuất cà phê cũng như một số quán nước đã cho thêm các loại hóa chất tạo bọt (có nguồn gốc từ chất Lauryl sunfate, dùng trong sản xuất xà phòng) vào hỗn hợp cà phê để bán ra thị trường. Đặc biệt, tại một số quán cà phê, các chủ quán còn sử dụng cả chất tạo men đắng (cafein Anhydraur) nhằm tăng hương vị đậm đà cho ly cà phê. Với việc sử dụng cả 2 chất này các chủ quán sẽ thu lãi về gấp nhiều lần, bởi không cần thiết phải dùng cà phê ngon nguyên chất, thậm chí là “nước dão”, người bán cũng dễ dàng đáp ứng được nhu cầu của những vị khách khó tính.

  Người tiêu dùng nên lựa chọn thật kỹ trước khi sử dụng các sản phẩm để tự bảo vệ mình

Trong vai khách hàng chúng tôi đã tìm đến các cửa hàng bán hóa chất tại chợ TX.TDM để hỏi mua loại hóa chất này. Tại một cửa hàng bên hông chợ, ông chủ tiệm hóa chất M. đã đồng ý bán cho chúng tôi Lauryl sunfate với giá 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị cân hàng dường như phát hiện ra khách hàng là người  lạ, ông chủ này tỏ thái độ nghi ngờ rồi từ chối bán hàng. Chỉ trong thời gian nán lại cửa hiệu thêm khoảng 15 phút, chúng tôi ghi nhận có đến 2 trường hợp khách hàng đến hỏi mua về các loại hóa chất này. Dường như đã “quen mặt, biết lòng” từ lâu nên chỉ sau vài câu trao đổi, những vị khách này đã nhanh chóng ra về với những bao hóa chất kia trên xe.

Việc phát hiện hóa chất Lauryl sunfate trong cà phê không khó, chỉ cần để ý kỹ lúc quấy đều ly nước, bọt cà phê sẽ nổi lên và rất lâu tan, trong khi với cà phê nguyên chất thời gian bọt tan rất ngắn. Trong khi đó, với cafein Anhydraur thì có khó hơn, nhưng người sử dụng nên chú ý với những ly cà phê nhạt màu nhưng có độ đắng khác thường.

Theo các chuyên gia về y tế, Lauryl sunfate là một dạng độc chất, do đó tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm, bởi nếu dùng có thể gây tổn hại đến đường ruột, gan. Đặc biệt, nếu sử dụng trong thời gian dài nguy cơ gây ung thư là điều không thể tránh khỏi.

Đến tương ớt... không ớt!

Đói bụng, chúng tôi ghé vào một quán ăn trên đường CMT8 (TX.TDM), gọi vài phần bột chiên trứng để lót dạ. Những dĩa bột chiên trứng nóng hổi được mang ra, tuy nhiên điều đập vào mắt chúng tôi không phải là những phần ăn hấp dẫn đang bốc khói, mà là chai tương ớt trong suốt... đẹp mắt đến kỳ lạ mà cô chủ quán mang ra cho thực khách sử dụng. Cầm lên nhìn, cố gắng tìm xem cơ sở sản xuất của sản phẩm này ở đâu, nhưng chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng đây rất có thể là một sản phẩm nữa xuất xứ từ... hóa chất. Dù hơi ái ngại, nhưng vẫn quyết định dùng thử. Quả nhiên, ngay sau khi vừa nếm thử, một vị cay nồng lập tức xộc vào mũi chúng tôi, nhưng tuyệt nhiên không hề mang chút hương vị nào của ớt mà là của hóa chất, kèm theo vị đăng đắng rất khó chịu. Quay sang thắc mắc với chủ quán, sau một hồi trả lời quanh co, cô này cuối cùng cũng xác nhận là chính mình cũng không biết trong chai tương kia chứa những gì, chỉ biết đây là sản phẩm của một tiệm hóa chất gần nhà mà cô thường mua với giá 12.000 đồng/lít. Do kinh doanh không lời nhiều, nên nếu cứ sử dụng các sản phẩm có tên tuổi trên thị trường thì sẽ lãi không được bao nhiêu. Trong khi với loại tương ớt này, hàng tháng tiệm của cô tối đa cũng chỉ sử dụng hết 2 lít mà thôi. Cô cũng cho biết thêm, cũng giống như mình có rất nhiều chủ các cửa hàng, quán ăn thường mua loại tương ớt này về để phục vụ khách hàng...

Trong quá trình tìm hiểu về loại tương này, thông qua một người quen “trong nghề” cho biết, chúng tôi thật bất ngờ khi được biết dù mang tên là “tương ớt” nhưng quy trình sản xuất nó lại không hề dính tới tí ớt nào. Khi được hỏi chính xác tên thành phần các loại hóa chất là gì thì anh này từ chối cho biết. Chỉ cho biết thành phần chính của nó là bột, phẩm màu, chất tạo vị cay... và đây cũng là quy tắc chung để sản xuất ra một số loại nước chấm khác.

Như vậy, kể từ sau khi sự xuất hiện của các loại tương ớt, tương cà có chứa Sudan (một loại hóa chất có dạng tinh thể màu nâu đỏ được dùng để nhuộm màu trong công nghiệp nhưng bị nghiêm cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm), người tiêu dùng một lần nữa lại đứng trước nguy cơ bị đầu độc từ những sản phẩm không rõ nguồn gốc có chứa hóa chất độc hại. Theo đánh giá của ngành y tế, hiện đang có rất nhiều các loại tương ớt, tương cà bày bán trên thị trường chứa phẩm màu công nghiệp loại có độc tố gây hại cho gan và thận, tác hại chủ yếu trong tương lai lâu dài.

Và người sử dụng... phải tự cứu lấy mình!

Không chỉ với cà phê, tương ớt mà còn nhiều sản phẩm thực phẩm khác như mì, bún, nước giải khát, hóa chất hầm xương, làm nước lèo... để cho sản phẩm hấp dẫn, đẹp mắt và vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất, người bán hàng đã không màng đến sức khỏe của người tiêu dùng, sử dụng các loại hóa chất tạo màu, mùi vị, độ dai... có mang độc tố cao vào trong sản phẩm của mình, trong khi người mua cứ “hồn nhiên, vô tư” sử dụng mà không biết chính mình đang vô tình đầu độc bản thân... Có thể nói, việc nhận ra thực phẩm có bị lạm dụng hóa chất hay không là chuyện không đơn giản với người tiêu dùng. Tuy nhiên, cách tốt nhất là người sử dụng hãy chủ động tự bảo vệ mình bằng cách không nên lựa chọn, sử dụng những sản phẩm có màu sắc quá lòe loẹt, không rõ nguồn gốc xuất xứ để rồi dễ mang bệnh vào thân.

Mặt khác, đối với các cơ sở mua bán, sử dụng hóa chất độc hại, khi phát hiện sai phạm ngành chức năng cần phải xử lý nghiêm, ngoài phạt tiền nếu nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, như vậy mới bảo đảm đạo đức trong kinh doanh và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nguyễn Văn Đạt: Trong thời gian qua, do được sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ từ tỉnh đến huyện và các đơn vị tại địa phương trong việc thường xuyên kiểm tra nên đã góp phần giúp công tác bảo đảm vệ sinh thực phẩm đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, do nguồn gốc thực phẩm đa phần trôi nổi, qua nhiều đầu mối, địa bàn lại rộng cho nên việc kiểm tra xử lý vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ngoài kiểm tra xử phạt, thì việc nâng cao nhận thức, đạo đức và trách nhiệm xã hội của người kinh doanh chính là vấn đề hàng đầu trong việc góp phần giảm thiểu các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP.

 

BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên