Thực phẩm chức năng (TPCN) là loại thực phẩm (TP) không chỉ cung cấp dinh dưỡng cơ bản mà còn có chức năng phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe nhờ các chất chống oxy hóa, chất xơ và một số thành phần khác. Tuy nhiên, TPCN không phải là TP truyền thống nên phải dùng thận trọng, không lạm dụng.
Cho đến nay chưa có một tổ chức y tế nào đưa ra định nghĩa đầy đủ về TPCN. Song tất cả đều thống nhất cho rằng: TPCN là loại TP nằm giới hạn giữa TP truyền thống (Food) và thuốc (Drug). TPCN thuộc khoảng giao thoa (còn gọi là vùng xám) giữa TP và thuốc, vì thế người ta còn gọi TPCN là thực phẩm - thuốc (Food - Drug). Hiện TPCN không còn xa lạ với người tiêu dùng. TPCN được chia ra làm 7 loại gồm: TPCN bổ sung vitamin và khoáng chất; TPCN dạng viên (ví dụ như viên phòng loãng xương, hỗ trợ khi điều trị cao huyết áp, tiểu đường, ung thư, viên tăng lực); TPCN không béo, không đường, giảm năng lượng (trà thảo dược); nhóm các loại nước giải khát, tăng lực; nhóm giàu chất xơ tiêu hóa; nhóm các chất tăng cường chức năng đường ruột và TPCN đặc biệt (dành cho trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các chứng bệnh).
TP có nguồn gốc thiên nhiên vẫn là nguồn dinh dưỡng chất dồi dào nhất, cung cấp đầy đủ muốn khoáng và dinh dưỡng nuôi cơ thể
Chị Lê Thị Kim Loan, Phó Trưởng phòng Thông tin truyền thông và Quản lý Ngộ độc - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, TPCN khác với TP truyền thống là được sản xuất, chế biến theo công thức: bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bớt một số thành phần bất lợi (để kiêng). Việc bổ sung hay loại bớt phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (thường là phải theo tiêu chuẩn); có tác dụng với sức khỏe nhiều hơn (tác dụng với một hay một số chức năng sinh lý của cơ thể) hơn là các chất dinh dưỡng thông thường. Nghĩa là TPCN ít tạo ra năng lượng cho cơ thể như các loại TP truyền thống như các loại thực phẩm gạo, thịt, cá... Liều sử dụng của TPCN thường nhỏ, thậm chí tính bằng miligram, gram như là thuốc; đối tượng sử dụng có chỉ định rõ rệt như người già, trẻ em, phụ nữ tuổi mãn kinh, người có hội chứng thiếu vi chất, rối loạn chức năng sinh lý nào đó...
Tuy nhiên hiện nay, nhiều loại TPCN được quảng cáo quá mức cho phép, làm người tiêu dùng lầm tưởng TPCN có thể chữa được bệnh. Và vì cho là TP nên nó an toàn, không có tác dụng phụ... mà tha hồ sử dụng, không theo liều lượng, khuyến cáo. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết: “Người tiêu dùng trước khi mua TPCN, cần phải hiểu rõ tác dụng, dùng cho đối tượng nào, nghiên cứu khoa học nào chứng nhận những kết quả đó, và tuyệt đối không dùng TPCN như một loại thuốc chữa bệnh”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Đôn, Trưởng khoa khám bệnh. Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết, TPCN không thể thay thế tất cả các loại thực phẩm trong các bữa ăn hằng ngày, nếu dùng không đúng sẽ phản tác dụng. Sử dụng TPCN không tham lam, không sử dụng quá mức, không hiểu lầm chức năng và hiệu quả. TP có nguồn gốc thiên nhiên vẫn là nguồn dưỡng chất dồi dào nhất, cung cấp đầy đủ muối khoáng và dinh dưỡng nuôi cơ thể.
Khi sử dụng TPCN cần lưu ý đến đối tượng sử dụng; công dụng sản phẩm; tên nhóm thực phẩm; các lưu ý đặc biệt hoặc tác dụng phụ của sản phẩm (nếu có); liều lượng theo chỉ định rõ rệt cho từng đối tượng. Đặc biệt, lưu ý nếu có bệnh phải được khám bệnh và điều trị đúng theo phác đồ của bác sĩ, thận trọng đối với những quảng cáo hơn tác dụng thực tế của người bán hàng. Nếu hiểu đúng về TPCN, sẽ giúp cho chúng ta làm đúng, dùng đúng để hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh của con người.
THU THẢO