Theo đánh giá của
UBND tỉnh, ngành TM-DV đạt kết quả cao trong điều kiện không thuận lợi là nhờ
Bình Dương đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển TM-DV theo hướng bền
vững, như: Thực hiện kế hoạch triển khai chương trình phát triển dịch vụ chất
lượng cao giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn đến năm 2020; chương trình hành động
triển khai thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn
2011-2015; quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương
mại tỉnh; quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh
đến năm 2020; vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tham gia
các gian hàng tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; tiếp tục được đầu
tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới hoạt động du lịch, vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu
vui chơi, vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân… Chương trình đưa hàng
Việt về nông thôn góp phần tăng doanh thu thương mại - dịch vụ
Trong doanh thu của ngành TM-DV, kinh doanh thương nghiệp chiếm vị trí quan trọng nhất. Theo Sở Công Thương, năm 2012 nhu cầu mua sắm của người dân giảm đã làm ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ hàng hóa. Tuy nhiên, tỉnh đã chỉ đạo các DN tham gia tổ chức bán các loại hàng thiết yếu tại các siêu thị, các điểm bán hàng lưu động tại vùng nông thôn và các khu, cụm công nghiệp, đưa hàng hóa giá rẻ tới tận tay người dân, khuyến khích nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; bên cạnh đó nhiều chương trình khuyến mại đa dạng của các DN góp phần làm tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn. Nhờ vậy, đến cuối năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 43.341,5 tỷ đồng, chiếm đến 57,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 30,6% so với năm 2011.
Năm 2012, lĩnh vực TM-DV của tỉnh đạt kết quả khả quan với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt gần 75.146 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2011. Trong đó, kinh doanh thương nghiệp đạt 43.341,5 tỷ đồng, chiếm 57,5%; lưu trú và ăn uống đạt 9.697,4 tỷ đồng, chiếm 12,9%; dịch vụ đạt 21.890,8 tỷ đồng, chiếm 29,1%.
Để phát triển TM-DV bền vững, công tác quy hoạch ngành ở Bình Dương là rất hiệu quả. Rõ nét nhất là phát triển kinh doanh thương nghiệp và bán lẻ, tỉnh đã quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) đến năm 2020. Nhờ vậy đến nay, cơ sở hạ tầng chợ, siêu thị, TTTM được đầu tư mở rộng, tạo thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa; một số dự án về lĩnh vực thương mại đang đạt hiệu quả cao như Vinatex, Co.opMart, CitiMart, TTTM Becamex, Big C... Tiếp tục phát triển theo định hướng quy hoạch đó, trên địa bàn tỉnh hiện nhiều nhà đầu tư đang tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các dự án lớn như Aeon, Lotte, Big C Dĩ An… Theo Sở Công Thương, sự phát triển nhanh của hệ thống siêu thị, TTTM đã góp phần phục vụ tốt nhu cầu đời sống của người dân, đưa xu hướng tiêu dùng gia tăng theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm cung cấp phần lớn nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu vào các dịp lễ, tết…
Cùng với vấn đề quy hoạch, lợi thế công nghiệp và lợi thế vùng cũng là yếu tố tốt để phát triển TM-DV. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng siêu thị, TTTM, gần đây Bình Dương đang nở rộ đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho vận, bến cảng.
Là một tỉnh công nghiệp với kim ngạch 2 chiều hàng năm đạt 20 tỷ USD, quả thật, Bình Dương có nhiều tiềm năng và lợi thế để DN quan tâm vào lĩnh vực này. Vì vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực cảng khô, khu kho vận, trung chuyển hàng hóa như Công ty TNHH ICD Tân Cảng - Sóng Thần, Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải U&I, cảng Bình An tại TX.Dĩ An do Daso Group đầu tư; cảng Thạnh Phước nằm tại huyện Tân Uyên do Công ty Cổ phần Cảng Thạnh Phước làm chủ đầu tư... Song hành cùng DN trong nước, thời gian qua, tỉnh đã thu hút nhiều dự án lớn của DN nước ngoài như Khu kho vận Mapletree tại Khu liên hợp của Tập đoàn Mapletree (Singapore), Trung tâm kho vận tại KCN Sóng Thần I của Công ty Schenker Việt Nam (thuộc Tập đoàn DB Schenker của Đức); Trung tâm kho vận YCH- Protrade của Tập đoàn YCH (Singapore) và Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade); Trung tâm kho vận đa năng TX.Dĩ An Damco (Đan Mạch)… Việc tham gia rộng rãi của nhiều DN vào dịch vụ kho, cảng và vận tải chuyên dùng đã cho thấy lĩnh vực này đang nổi bật nhất trong dịch vụ và góp phần đáng kể vào bức tranh kinh tế chung của tỉnh nhà.
Đánh giá về kết quả đạt được, UBND tỉnh cho rằng, TM-DV năm 2012 phát triển mạnh, đa dạng các loại hình và có giá trị gia tăng cao. Song, điều này cũng cho thấy mục tiêu của Chương trình “Phát triển dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh” thời gian qua chuyển biến rất tích cực. Đây là cơ sở để tin tưởng vào kế hoạch đến năm 2015, tỷ trọng GDP của khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 38% mà tỉnh đề ra là điều khả thi.
T. MINH