Thưởng tết cho giáo viên: Người vui, kẻ buồn

Cập nhật: 16-01-2011 | 00:00:00

Từ khi có quy định tự chủ kinh phí, nhiều trường học ở TP.HCM “xoay xở” để giáo viên được thưởng tết tiền triệu nhưng cũng có trường chỉ “lo” được 300.000 đồng/người.

 

“Mình và em dâu cùng là giáo viên. Nó dạy ở Q.Thủ Đức năm nay được thưởng tết 15 triệu đồng. Còn mình chỉ có 1,2 triệu đồng. Mẹ chồng cứ thắc mắc: “Sao cách biệt xa thế?” rồi nghi ngờ mình mang tiền về cho bên ngoại” - một giáo viên tiểu học ở Q.10, TP.HCM, tâm sự.

 

300.000 và 30 triệu đồng

 

Tương tự, PV nhận được điện thoại phản ảnh của các giáo viên Trường THCS Độc Lập, Q.Phú Nhuận: “Cùng trên địa bàn quận, bạn tôi dạy một trường ở Phú Nhuận được thưởng 10 triệu đồng, còn chúng tôi đến giữa tháng 1 mà vẫn chưa được lãnh hết lương tháng 12 năm trước”.

 

 Ảnh minh họa

Trao đổi với chúng tôi, cô Huỳnh Thị Ánh Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Độc Lập - cho biết: “Đúng là trường vẫn còn thiếu giáo viên khoản phụ cấp đứng lớp 30% của tháng 12-2010 do quỹ lương đã hết. Không có khoản kết dư ngân sách đồng nghĩa với việc không có thu nhập tăng thêm cuối năm. Nhà trường đã cố gắng tính toán và trích từ nguồn thu sự nghiệp cộng với sự hỗ trợ từ quỹ hội cha mẹ học sinh, quỹ đoàn viên công đoàn để chi cho mỗi giáo viên 1,1 triệu đồng gọi là thưởng tết”.

 

Ông Ninh Văn Bình, trưởng Phòng Giáo dục Q.Phú Nhuận, cho biết thêm: “Các trường ở Phú Nhuận đa số quy mô nhỏ, số học sinh ít nhưng vẫn phải đầy đủ ban bệ như hiệu trưởng, hiệu phó, nhân viên kế toán, văn phòng, thư viện... nên rất khó có kết dư ngân sách. Thông tin ban đầu mà tôi nắm được là mức thưởng cao nhất trên địa bàn quận 1,5 triệu đồng/giáo viên. Con gái tôi dạy ở Trường THCS Cầu Kiệu năm nay chỉ được thưởng 500.000 đồng”.

 

Nhưng đó chưa phải là con số thấp nhất ở TP.HCM, giáo viên Trường tiểu học Điện Biên, Q.10 chỉ được 300.000 đồng/người. “Nhiều năm nay, quỹ phúc lợi nhà trường chỉ có thể chia cho mỗi giáo viên ở mức đó. Cả trường chỉ có hơn 100 học sinh, cơ sở vật chất không bằng trường bạn nên đa số học sinh vào đây đều thuộc diện khó khăn. Thầy cô thường nói vui với nhau: đã vào trường này thì sống chủ yếu bằng tinh thần” - ông Trần Minh Thư, hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên, kể.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, mức thu nhập tăng thêm cuối năm ở mỗi trường mỗi khác nhau. Nhưng cao nhất vẫn là các trường THPT với mức trung bình 10-15 triệu đồng/người, thậm chí một trường THPT ở Q.3 thưởng mỗi giáo viên 28-30 triệu đồng. Thế nhưng, bậc tiểu học, mầm non, THCS lại thấp hơn hẳn. Mức thu nhập tăng thêm tại một trường nổi tiếng ở Q.1 cũng chỉ đạt 6 triệu đồng/giáo viên (đã bao gồm tất cả các khoản), hầu hết các trường chỉ đạt mức 500.000-2,5 triệu đồng/người.

 

Khi nào niềm vui đến mọi nhà?

 

Tại sao các trường mầm non, tiểu học, THCS không có phần kết dư nhiều như trường THPT? Một cán bộ phòng kế hoạch - tài chính Sở GD-ĐT TP.HCM phân tích: “Số tiền kết dư nhiều hay ít phụ thuộc nhiều yếu tố: quy mô nhà trường, số lượng học sinh, sĩ số học sinh/lớp, bậc lương giáo viên... Thực hiện theo nghị định 43 của Chính  phủ, các trường được tự chủ trong vấn đề nhân sự và kinh phí, nếu trường ít học sinh, giáo viên lớn tuổi nhiều đi đôi với bậc lương cao thì khó có phần kết dư. Quy mô trường THPT rất lớn, số học sinh thường gấp đôi, có khi gấp ba trường tiểu học nên có số kết dư lớn hơn”.

 

Tuy nhiên, một số hiệu trưởng trường tiểu học cho rằng: “Đó là do sự chệch choạc trong vấn đề cấp kinh phí cho các trường. Tại sao trường THPT do sở trực tiếp cấp kinh phí thì trường tiểu học lại do phòng tài chính quận huyện cấp kinh phí? Mỗi lần xin cấp bù để chi trả lương hay xin cấp bù để chi cho một hoạt động nào đó là hết sức nhiêu khê. Đáng lẽ nơi nào được giao nhiệm vụ giáo dục thì nơi đó phải là người cấp kinh phí. Cùng trong ngành cùng hiểu nhau, như thế mới bớt phiền hà”.

 

Theo Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT TP.HCM, ngân sách nhà nước cấp cho các trường tính trên đầu học sinh chứ không tính theo hệ số lương của giáo viên. Các trường sẽ dùng 80% kinh phí từ nguồn ngân sách và nguồn học phí để chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên, 20% còn lại chi cho những hoạt động khác. Tùy theo hoàn cảnh của từng trường, đến cuối năm nếu các trường không dùng hết 80% trên thì được lấy 75% của số dư chia cho giáo viên gọi là khoản thu nhập tăng thêm cuối năm chứ không phải thưởng tết. Thưởng tết là mức UBND TP phê duyệt mỗi giáo viên 700.000 đồng”.

 

Thế nhưng, theo nhiều giáo viên, tất cả khoản thu nhập ngoài lương vào thời điểm cận tết thì đều có thể gọi là thưởng tết. Nhà quản lý có thể gọi các tên khác làm giảm bớt sự so sánh, sự buồn phiền, tâm tư của những người đứng trên bục giảng mà thôi. “Không nên kéo dài mãi tình trạng thưởng tết như thế này. Nó làm nhụt chí những người làm công tác ươm mầm tương lai cho đất nước. Tại sao giáo viên chúng tôi lại không có được lương tháng 13 hay một khoản tiền thưởng ổn định, đủ để chi tiêu cho dịp tết như các ngành nghề khác mà cứ phải thắc thỏm trông chờ vào khoản kết dư theo kiểu hên xui may rủi?” - một giáo viên tiểu học ở Q.10 chạnh lòng.

 

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X