Thưởng tết năm 2011, có lạc quan hơn?

Cập nhật: 02-12-2010 | 00:00:00

Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh, dự báo tăng trưởng sẽ đạt 6,5% - 6,7%. Đi cùng với kết quả tăng trưởng, mức lương bình quân ở nhiều ngành nghề cũng tăng theo, dự kiến mức thưởng tết năm nay khả quan hơn năm ngoái. Đến nay, kế hoạch thưởng tết đang khởi động ở các đơn vị và chờ công bố chính thức.

Kiểu nào cũng có thưởng

Đó là tuyên bố của nhiều chủ sử dụng lao động mà chúng tôi tham khảo, phỏng vấn nhanh. Đa phần các công ty, doanh nghiệp (DN) đều đưa ra mức thưởng tết chung là bình quân 1 tháng lương cộng thêm khoản thưởng hoàn thành, vượt mức kế hoạch và thâm niên. Ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, mức thưởng được duy trì nhiều năm qua là 1 tháng lương. Mức thưởng được gọi là “tháng lương thứ 13” này hầu như được áp dụng ở hầu hết các DN vừa và nhỏ, khu vực kinh tế tư nhân.

Ở khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng dự kiến bằng năm ngoái, khoảng 1 - 2 tháng lương, trong đó sự chênh lệch về mức thưởng khá cao. Cụ thể, nhóm quản lý trung, cao cấp, chuyên gia có mức thưởng cao ngất ngưởng từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/người, còn người lao động trực tiếp sản xuất, mức thưởng thấp - bình quân 1 tháng lương bình quân khoảng 2 - 3 triệu đồng/người. Coi đây là vấn đề nhạy cảm, hiện nhiều DN, công ty còn lập lờ, chưa muốn công bố mức thưởng tết cao hay thấp.

Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia lao động, tiền lương thì mức thưởng năm nay nhìn chung không cao hơn năm trước bao nhiêu, trừ một số ngành nghề kinh doanh đạt lợi nhuận cao như tài chính ngân hàng, du lịch, viễn thông, tư vấn luật, kinh doanh dược phẩm, hàng tiêu dùng… Mức thưởng cao nhất ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tư vấn luật… dự kiến có thể lên đến 10 - 20 tháng lương. Còn mức thưởng thấp nhất ở ngành may giày da thuộc các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có thể chỉ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/người. Một số DN làm ăn thua lỗ thì khoản nợ lương thanh toán xong đã khó nói chi đến chuyện thưởng tết.

Công ty cổ phần May mặc Sài Gòn 3 sẽ có mức thưởng tết bình quân 7 triệu đồng/người.

Nhiều DN nhà nước và cổ phần hóa làm ăn hiệu quả, mức thưởng tết bình quân 2 tháng lương. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc May Sài Gòn 3, cho biết: “Tuy có nhiều thuận lợi hơn năm ngoái, nhưng ngành may gặp phải khó khăn do nguyên liệu nhập về cao, tăng chi phí đầu vào. Tuy nhiên, công ty vẫn đảm bảo mục tiêu chăm lo đời sống, trả lương, thưởng đủ - tương xứng với công sức đóng góp của người lao động. Tổng nguồn tiền mà công ty chuẩn bị thưởng Tết Tân Mão cho 2.700 lao động lên đến 20 tỷ đồng. Để khuyến khích người lao động làm việc tốt hơn, tăng năng suất cao hơn, năm nay công ty sẽ tăng mức thưởng bình quân lên 7 triệu đồng/người (năm trước là 6 triệu đồng/người).

Công ty Vissan đã có kế hoạch thưởng cho người lao động vào dịp Tết Nguyên đán tương đương 2 tháng lương và Tết Dương lịch 1 tháng lương. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, nhằm động viên người lao động làm việc tốt hơn, công ty cố gắng tăng mức thưởng năm nay cao hơn năm trước.

Trong khi câu chuyện thưởng tết râm ran ở các DN, đơn vị sản xuất kinh doanh thì khu vực hành chính sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục, hai từ “thưởng tết” nghe… xa lạ. Để có thêm thu nhập - quà tết cho giáo viên, nhiều trường vẫn trông chờ vào lòng hảo tâm của hội phụ huynh học sinh, sự quan tâm của chính quyền địa phương, khoản tiền phúc lợi nho nhỏ của công đoàn cơ sở. Một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận 11 lắc đầu nói: Năm ngoái cộng hết các khoản tiền như nêu trên, mỗi giáo viên được khoảng 1 triệu đồng ăn tết.

Trả lương thưởng cao = bí quyết giữ người tài

Nhiều chuyên gia và lãnh đạo DN đã khẳng định, việc trả lương, trả thưởng đúng với năng lực, sự cống hiến của người lao động là bí quyết giữ chân người tài, người giỏi thời cạnh tranh gay gắt về nhân sự. Ông Nguyễn Thế Kỳ, Giám đốc một DN chuyên về sản xuất thực phẩm đúc kết kinh nghiệm: Trả lương đúng, trả thưởng đủ cho người lao động thì được nhiều hơn mất. Sự tính toán chi li, thua thiệt với người lao động khiến họ quay lưng hoặc làm việc cầm chừng sẽ là tai họa, dẫn DN đi xuống thay vì tăng trưởng nhanh hơn.

Từ kinh nghiệm thực tế, giải quyết nhiều vụ tranh chấp về tiền lương, tiền thưởng cuối năm, bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐTB-XH TPHCM, cảnh báo: Việc trả lương, trả thưởng không kịp thời, không công khai mức thưởng cộng các khoản phụ cấp, thời điểm trả… sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn về quan hệ lao động, dễ xảy ra tranh chấp, đình công.

Theo Bộ LĐTB-XH, năm 2010, mức thưởng bình quân của người lao động trong cả nước đạt 1,85 triệu đồng, cao hơn những năm trước, trong đó DN nhà nước khoảng 2,2 triệu đồng/người; DN dân doanh: 1,4 triệu đồng/người; DN FDI: 1,9 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất ở DN FDI là 389 triệu đồng và thấp nhất là 50.000 đồng/người. Điều này cho thấy mức thưởng tết ngày càng thể hiện sự chênh lệch và mức cao hay thấp dựa vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực của từng cá nhân đóng góp vào kết quả này. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các trường hợp DN, nhà đầu tư nước ngoài báo cáo lỗ để né tránh việc trả lương, trả thưởng cho người lao động đúng với lợi nhuận làm ra. Như thế, vai trò giám sát trả lương, thưởng của ngành chức năng và tổ chức công đoàn cần phải phát huy cao hơn nữa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên