Tích cực tuần tra, bảo đảm không để xảy ra cháy rừng phòng hộ Núi Cậu

Cập nhật: 13-02-2020 | 08:30:20

 Với tổng diện tích rừng hơn 1.500 ha, nhưng chỉ có đúng 4 người làm công tác tuần tra, bảo vệ, vì thế trung bình mỗi năm, họ phải làm việc liên tục 1.200 giờ/người. Nếm trải bao vất vả, những nhân viên bảo vệrừng phòng hộ Núi Cậu chỉ mong sao “bà hỏa” không ghé thăm rừng.

 Để không xảy ra cháy, các cán bộ BQL rừng thường xuyên tuần tra cả ngày lẫn đêm

 Niềm vui khi rừng tái sinh

Chúng tôi trở lại Núi Cậu (xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng) những ngày đầu xuân. Tiết trời se lạnh nhưng hanh khô. Bên dưới những mảng xanh của núi rừng là những lớp lá khô dày bao phủ, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào nếu ai đó bất cẩn. Qua khỏi 8km đường nhựa từ chân Núi Cậu lên đỉnh núi, vòng qua hồ Than Thở, phần đường còn lại là những lối mòn quanh co, khó đi lại. Vậy mà chiếc xe máy của các cán bộ Ban Quản lý (BQL) rừng len lỏi khá nhanh, đến mức thành thạo, người điều khiển thuộc lòng từng gốc cây, ụ đá…

Hơn 9 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại tháp canh lưng chừng núi, đây là 1 trong 2 tháp canh có thể phóng tầm mắt bao quát 1.500 ha rừng. Với độ cao gần 20m tính từ mặt đất, chúng tôi phải tim đập, tay run, nhấc từng bước một mới lên tới đỉnh tháp canh. Ấy vậy mà anh Lưu Tuấn Bằng, Phó Giám đốc BQL chỉ mất vài phút đã tót lên đến đỉnh. “Ngày trước khi tháp mới dựng, lần đầu leo lên cũng khá hồi hộp. Nhưng rồi ngày nào cũng leo lên tụt xuống vài bận để kiểm tra lâu ngày thành quen. Bây giờ ngày nào không lên tháp canh lại thấy nhớ. Đứng trên độ cao ấy không chỉ phóng mắt để quan sát, xem có nơi nào xảy ra cháy hay không… mà còn được hít thở không khí trong lành, nhìn màu xanh của núi rừng là thấy vui. Đi chơi đâu vài ngày là muốn trở về, trèo ngay lên cái tháp canh”, anh Bằng cười vui cho biết.

Tốt nghiệp Đại học Nông lâm cách đây hơn 10 năm, cũng từng ấy thời gian anh Bằng gắn kết với rừng phòng hộ Núi Cậu. Lấy vợ và lập gia đình ngay trên mảnh đất này. “Làm công việc này lãnh lương cơ bản mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng. Kinh tế khá khó khăn, nhưng cũng chưa bao giờ mình có ý định chuyển công tác hay làm việc gì đó. Nhớ hồi mới về đây, có hôm mình xách xe rong ruổi trong rừng một mình đã thấy sợ chứ chưa nói đến ngủ lại ban đêm trong rừng. Vậy mà nay thì đã xem rừng là nhà, nằm đâu cũng được. Không riêng gì mình, nhiều anh em khác trong BQL cũng vậy”, anh Bằng nói.

Dẫn chúng tôi vòng qua khu vực hồ Than Thở, nơi giáp với nhiều hộ dân ở chân núi là cánh rừng pha lẫn giữa hai màu xanh và đen. Màu đen của những cây cổthụ bị cháy nham nhở, màu xanh là của khu rừng đang tái sinh được gần 2 năm nay. Tổng diện tích rừng bị cháy ở khu vực này hơn 8 ha. Anh Bằng kể, vụ cháy xảy ra vào mùa khô năm 2018. Lúc phát hiện cột khói cao bốc lên, chúng tôi đã huy động hết lực lượng, cùng người dân trong khu vực lao lên núi. Người thì cầm bình xịt chữa cháy, người cầm xô, chậu, phải cứu rừng bằng mọi cách, nhưng chúng tôi bất lực. Ngay sau đó, huyện Dầu Tiếng đã huy động lực lượng và xe chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi, nhưng không thể dập tắt lửa. “Rất may, khi chúng tôi bất lực, rơi nước mắt nhìn cánh rừng ngày đêm canh giữ đang cháy dần thì gặp ngay cơn mưa nặng hạt trút xuống và lửa đã tắt. Vui lắm, không thể tả bằng lời. Có thể chỉ những người như chúng tôi mới cảm nhận được niềm vui này. Giờ đây, nhìn hơn 8 ha rừng này đang phủ màu xanh, cũng như chính bản thân chúng tôi đang được khoác lên mình màu áo mới, nên phải gìn giữ nó”, giọng anh Bằng nghèn nghẹn khi trò chuyện.

 Tăng cường tuần tra, bảo vệ

Từ sau vụ cháy xảy ra năm 2018, những cán bộ bảo vệ rừng như anh Bằng càng thấu hiểu được giá trị công việc mình đang làm. Không chỉ tích cực tuần tra bảo vệ rừng cả ngày lẫn đêm, các anh còn nghĩ ra nhiều cách bảo vệ rừng tốt hơn trước, đó làcắm hàng trăm biển báo, quy ước ở khắp các đường từ khu vực chùa Núi Cậu, đến tận những con đường mòn trên núi. “Khu vực này vừa là rừng phòng hộ xen lẫn du lịch tâm linh, nên việc bảo vệ rừng càng khó. Mình không thể cấm du khách lên núi tham quan, vui chơi, ngắm cảnh. Vì thế, phải liên tục tuần tra, nhắc nhởbà con không được đốt lửa, nấu nướng. Cẩn trọng hơn trong việc hút thuốc, đốt nhang. Theo chúng tôi, vụ cháy năm 2018 chắc cũng do khách tham quan lên đây đốt lửa, rồi gặp gióxoáy cuốn theo lửa vào rừng”, anh Bằng tâm sự.

Bên cạnh đó, để công tác bảo vệ rừng tốt hơn, BQL rừng mỗi năm tổ chức họp mặt 80 hộ dân đang sống ởbìa rừng để phổ biến, răn đe, cũng như sẵn sàng xử lý nghiêm nếu ai vi phạm những quy ước trong việc bảo vệ rừng, nhất là để xảy ra cháy. Ông Nguyễn Văn thắng, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Núi Cậu, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhởcác hộ dân. Tuy nhiên, những hộ dân này đã sống ởđây lâu năm, thậm chí không ít hộ dựa vào rừng để cóthu nhập như đi hái măng le vào mùa mưa, lấy mật ong rừng. Vì thế, họ hiểu được giá trị của cánh rừng này. Điều chúng tôi lo ngại nhất vẫn là khách du lịch, khách tham quan đến đây vui chơi. Chỉ cần ai đóbất cẩn hay thiếu ý thức trong việc bảo vệ rừng thì cóthể xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Hàng năm, chúng tôi kết hợp với Đài Truyền thanh địa phương, các cơ quan truyền thông để tuyên truyền đến bà con gần xa trong việc bảo vệ rừng. Thậm chí, du khách vào chùa Núi Cậu cũng được loa phát thanh nhắc nhởliên tục trong việc cẩn trọng, không để xảy ra cháy, nổ. Những ngày đầu năm, khi lượng du khách đổ về đây ngày một đông, các lực lượng công an, dân phòng địa phương cũng cắm chốt cùng chúng tôi trong việc giữ rừng không để xảy ra cháy”.

Hiện BQL rừng phòng hộ Núi Cậu đang quản lý khoảng 3.600 ha rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Trong đó, có 2.114 ha rừng ở xã Minh Hòa được giao cho người dân quản lý nhiều năm nay. Trên diện tích này gồm có rừng và cây trồng lâu năm như điều, cao su. Số diện tích rừng còn lại nằm trọn trong cánh rừng phòng hộ Núi Cậu (xã Định Thành). Đây là cánh rừng được BQL bảo vệ nghiêm ngặt cả ngày lẫn đêm. Hơn 1.500 ha rừng này là rừng tái sinh, gồm nhiều chủng loại thực vật quan trọng và cả những cây gỗ quý như trắc, gõ đỏ, dầu… Cánh rừng này không chỉ giữ ẩm, giữ nhiệt cho cả huyện Dầu Tiếng mà còn giữ nước cho lòng hồ Dầu Tiếng. Nếu rừng bị cháy, ảnh hưởng rất lớn đến mực nước của lòng hồ.

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, cánh rừng này trước đây có rất nhiều cây gỗ quý nhiều năm tuổi, có đường kính nhiều người ôm. Nhưng những năm 1980, rừng bị người dân khai thác kiệt quệ. Đến năm 1986, khi hồ thủy lợi Dầu Tiếng được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Từ có, các mảng thực vật mới hồi sinh.

Để mãi giữ màu xanh cho rừng phòng hộ Núi Cậu, ngoài việc nỗlực tuần tra cả ngày lẫn đêm của các cán bộ bảo vệ rừng; thiết nghĩ du khách gần xa khi đến đây tham quan, vui chơi cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng như không đốt lửa, vứt tàn thuốc hay đốt nhang bừa bãi…

QUANG TÁM - THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên