Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Tiềm năng Champasak

Thứ tư, ngày 05/09/2012
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Gọi là thủ phủ của Nam Lào, có lịch sử phát triển từ lâu đời nhưng về kinh tế của Champasak thật sự còn đang ở giai đoạn bắt đầu đổi mới. Cũng chính vì đang ở giai đoạn này mà cơ hội kinh doanh nơi đây còn rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư.

Đầu tiên phải nói đến lĩnh vực nông nghiệp, bởi điều kiện tự nhiên xưa nay đã phú cho vùng đất này có được một thổ nhưỡng tốt, vừa có đồng bằng vừa có cao nguyên, có đất đỏ bazan. Đất rộng, màu mỡ, khí hậu thuận lợi là những yếu tố cơ bản để phát triển các loại hình nông nghiệp.

 Hệ thống ngân hàng tại Champasak sẵn sàng tài trợ vốn cho các nhà đầu tư. Ảnh: M.DÂN Chính quyền tỉnh Champasak đang có những chính sách ưu ái riêng cho lĩnh vực nông nghiệp như giá thuê đất rẻ hơn, thời gian và thủ tục cũng thoải mái hơn. Phó Tỉnh trưởng tỉnh Champasak, T.S Buonthong Divixay cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh đã cho phép 2 nhà đầu tư của Bình Dương là Công ty Cao su Dầu Tiếng Việt Lào trồng cao su và cây kinh tế; Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương khảo sát lấy thông tin về nông nghiệp, công nghiệp và thương mại.

Về công nghiệp đang còn nhiều “chỗ trống” cho các nhà đầu tư. Địa hình Champasak dù không thuận lợi như vùng Đông Nam bộ của Việt Nam nhưng có những khu vực tương đối bằng phẳng, có sân bay quốc tế, đường bộ xuyên Á. Theo nhìn nhận của giới chính quyền Champasak, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm từ nông nghiệp của Lào để xuất khẩu trực tiếp sẽ lợi hơn vận chuyển sản phẩm thô về Việt Nam chế biến. Bởi, chi phí vận chuyển cao sẽ đội giá thành sản phẩm, đây là điểm yếu cơ bản khi cạnh tranh trên thị trường. Lãi suất ngân hàng ở Champasak dao động ở mức 15 -16%/năm cũng thuận lợi cho nhà đầu tư có nhu cầu vay vốn. Hiện nay, Công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai) đã được cấp phép đầu tư xây dựng khu công nghiệp ở đây với diện tích 436 ha.

Thương mại cũng là một tiềm năng khi các tuyến đường xuyên Á, 13, 18... được xây dựng và nối thông với các nước Đông Dương. Hàng hóa từ Thái Lan qua Lào rồi sang Việt Nam và ngược lại đã phát triển từ lâu. Có một thời, các sản phẩm như: tông Lào (dép), quần áo Thái từng là sản phẩm mong ước của nhiều người dân miền Trung Việt Nam. Còn hiện nay, sản phẩm “made in Việt Nam” đã xuất hiện nhiều hơn ở Thái Lan và Lào như tại siêu thị miễn thuế của Đào Hương tràn ngập sản phẩm Vinamit được chế biến tại Bình Dương.

 Sản phẩm Vinamit của Việt Nam tại siêu thị miễn thuế ở Lào

Hiện nay, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn, uống... ở Champasak đang kinh doanh khá hiệu quả. Ông Võ Quang Diệp, chủ nhà hàng cơm tấm Sài Gòn tại Pakse cho biết, trước đây ông qua Champasak là để tìm đất trồng lúa bởi ông xuất thân từ vùng đất lúa An Giang (Việt Nam). Theo ông Diệp, mọi thủ tục liên quan đến chính quyền ở đây rất dễ, rất thuận lợi, người dân có thể gặp đại diện ngành chức năng bất cứ lúc nào. Khi ông giải thích với chính quyền địa phương rằng cần đất để trồng lúa 3 - 4 vụ bằng cách xây dựng hệ thống thủy lợi thay vì 1 - 2 vụ như canh tác truyền thống của người Lào thì được đồng ý ngay. Sau một thời gian sinh sống ở Pakse, ông Diệp nhìn thấy tiềm năng ở lĩnh vực dịch vụ và chuyển sang kinh doanh nhà hàng ăn uống và khách sạn. Hầu như ngày nào nhà hàng của ông cũng đông đúc khách ra vào, không chỉ riêng người Việt Nam mà còn cả người nước ngoài.

Ở Champasak hiện còn rất hạn chế về công nghệ thông tin, tốc độ đường truyền internet khá chậm, những trang thiết bị liên quan lĩnh vực này đang thiếu. Còn y tế thì chưa phát triển, theo TS. Buonthong Divixay thì các ca bệnh nặng đều phải chuyển sang Việt Nam hoặc Thái Lan điều trị. Giáo dục cũng là một lĩnh vực đang được ưu tiên trong đầu tư để nâng cao dân trí và ngoại ngữ. Khi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhu cầu học ngoại ngữ và các ngành khác ở đây tất yếu cũng sẽ tăng lên.

Ngoài ra, lĩnh vực du lịch cũng có thể phát triển bởi các tour, tuyến như: một ngày ăn cơm 3 nước (Việt Nam, Campuchia, Lào) qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Mộc Bài, hay cửa khẩu Bờ Y, Lao Bảo... Pakse rất gần Thái Lan và khi đưa vào tuyến du lịch sẽ tăng thêm tính hấp dẫn. Đặc biệt, Lào còn có thác Khonphaphen trên sông Mê-kông nổi tiếng, có đền Watphou - di sản văn hóa thế giới, có điệu múa truyền thống lâm-vông nhịp nhàng, quyến rũ và lay động lòng người.

Ông SAYTHONG XAYAVONG, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Champasak: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư Bình Dương

Trong chuyến khảo sát, tìm hiểu về kinh tế, văn hóa, xã hội của đoàn cán bộ, phóng viên báo chí Bình Dương, ông Saythong Xayavong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Champasak đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn cởi mở, chân tình.

- Thưa ông, các bước thủ tục để đầu tư vào Champasak hiện nay như thế nào?

 - Hiện nay, các bước đầu tư ở Champasak đều được quy định theo luật đầu tư của Lào, theo đó nếu vốn đầu tư dưới 5 triệu USD thì do cấp tỉnh ra quyết định, từ 5 - 20 triệu USD thì do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, trên 20 triệu USD thì do Chính phủ Lào quyết định. Những dự án đầu tư liên quan đến đất đai phải nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, còn liên quan đến công nghiệp thì nộp tại Sở Công nghiệp... Trong vòng 10 - 13 ngày sau khi nộp hồ sơ, hội đồng sẽ xem xét hồ sơ để có quyết định chính thức và trong vòng 25 ngày sẽ mời nhà đầu tư lên để trao giấy chứng nhận. Giá thuê đất ở đây không giống nhau, phụ thuộc vào từng lĩnh vực và thời hạn thuê đất tối đa không quá 99 năm.

- Hiện nay, các nhà đầu tư Việt Nam có bao nhiêu dự án tại Champasak?

- Việt Nam có 37 dự án đầu tư tại Champasak, với tổng vốn đầu tư tương đương 217,7 triệu USD. Các dự án này đến từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đắc Lắc, Bình Định... với các lĩnh vực gồm: cao su, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cà phê, hạ tầng khu công nghiệp... Trong số các nước đầu tư vào Champasak, Việt Nam đứng vị trí thứ nhất, chiếm 51% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Đứng thứ 2 là Thái Lan chiếm 26%.

- Bình Dương và Champasak là 2 tỉnh đã có ký kết hợp tác chiến lược trên các lĩnh vực, vậy đối với nhà đầu tư Bình Dương có ưu ái gì khi đầu tư tại đây?

- Các nhà đầu tư phải dựa theo luật đầu tư của Lào, Bình Dương cũng như các nhà đầu tư của Việt Nam đều giống nhau. Tuy nhiên, với tinh thần hợp tác toàn diện theo biên bản ký kết giữa hai địa phương, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Bình Dương khi đến khảo sát, tìm hiểu về cơ hội đầu tư cũng như trong quá trình làm thủ tục, triển khai xây dựng dự án đầu tư. Trong các nhà đầu tư của Việt Nam tại Champasak, nhà đầu tư Bình Dương có vốn lớn nhất là Công ty TNHH Cổ phần Đầu tư phát triển cao su Dầu Tiếng Việt Lào với 35 triệu USD. Công ty này đang có nhu cầu mở rộng diện tích và hiện nay chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ Lào để có quyết định cho nhà đầu tư.

- Ông đánh giá như thế nào về tác động của nhà đầu tư Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng đến kinh tế, xã hội của Champasak?

- Nhà đầu tư Việt Nam và Bình Dương đầu tư ở đây rất có hiệu quả, đặc biệt đã góp phần không nhỏ vào quá trình xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương. Cụ thể, hiện nay các dự án đầu tư đều được quy định theo tỷ lệ 90 - 10, tức lao động của Lào chiếm 90% trong số lao động của dự án, Việt Nam chiếm 10% (chủ yếu là công nhân kỹ thuật và chuyên gia). Hiện nay, bình quân thu nhập của người dân Champasak đạt từ 700 ngàn - 1,5 triệu Kíp/tháng.

Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư Bình Dương tiếp tục tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa vào Champasak, góp phần đưa kinh tế của Lào từng bước phát triển. Bình Dương có thế mạnh về đầu tư hạ tầng công nghiệp và chúng tôi đã chuẩn bị 3 địa điểm phát triển công nghiệp với quy mô 32.000 ha. Chúng tôi cũng ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp để xóa đói giảm nghèo và các lĩnh vực liên quan khác như y tế, giáo dục để nâng cao trình độ dân trí của Lào.

- Xin cám ơn ông!

TRUNG ĐỒNG (thực hiện)

TRUNG ĐỒNG