Tiềm năng đang vẫy gọi

Cập nhật: 15-05-2019 | 08:20:11

 Hiện nay, TX.Tân Uyên vừa là một đô thị trẻ đang phát triển mạnh về kinh tế - xã hội vừa được thiên nhiên ưu đãi với sông Đồng Nai hiền hòa, quanh năm gió mát. Thị xã còn là địa phương giàu truyền thống cách mạng, nhiều vườn cây ăn trái trĩu quả... đang vẫy gọi các nhà đầu tư.           

 Đón chào nhà đầu tư

TX.Tân Uyên vừa được công nhận đạt chuẩn đô thị loại III và đang được biết đến là một đô thị trẻ, có tốc độ phát triển mạnh về công nghiệp - dịch vụ - đô thị với nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ phát triển hiện đại, hài hòa theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Đảng bộ, chính quyền thị xã còn xác định việc phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, vẽ đẹp thiên nhiên sẵn có để phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

 Sân golf MeKong - điểm nhấn du lịch kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp tại cù lao Bạch Đằng. Ảnh: DUY CHÍ

TX.Tân Uyên có nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng được cả nước biết đến như Chiến khu Đ anh hùng gắn liền với quê hương, tên tuổi nhà văn hóa cách mạng Huỳnh Văn Nghệ (Tám Nghệ) đã đi vào thơ ca, điện ảnh (Vó ngựa trời Nam); Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An (Trần Văn Cà), người được xưng tụng là “ông tổ” ngành đặc công Việt Nam, với bia kỷ niệm 19-3 đặt tại cầu Bà Kiên, phường Thạnh Phước ghi lại chiến công của những người nông dân quê hương tổ chức đánh sập đồn Bà Kiên làm thất bại chiến lược The La Tur (đồn bót khắp nơi) của thực dân Pháp. Cùng với đó là di tích lịch sử căn cứ cách mạng Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Tân cùng các địa danh văn hóa như cù lao Rùa xã Thạnh Hội - với các di chỉ khảo cổ cho thấy nơi đây vừa là cái nôi của nền sản xuất tiểu thủ công (làm đất nung) vừa là nơi qua lại buôn bán nhờ vào con sông Đồng Nai - một thủy lộ quan trọng thông thương giữa nhiều địa phương trong khu vực gắn liền với mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên...

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết ngành du lịch là thế mạnh được xác định trong nghị quyết của Đảng bộ thị xã nhằm phát triển Tân Uyên thành đô thị xanh, hiện đại. Để thực hiện mục tiêu này theo hướng vững chắc, ngoài việc kết hợp xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh, thị xã đã và đang đầu tư tôn tạo làm nổi bật giá trị, nét đẹp của các di tích lịch sử văn hóa, thiên nhiên. Cụ thể là thị xã sẽ nghiên cứu mời các nghệ nhân thực hiện phù điêu ghi lại toàn bộ quá trình phát triển, thế mạnh và tương lai của Tân Uyên lên bờ kè ven sông thuộc phường Uyên Hưng tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, tàu bè qua lại sông Đồng Nai nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh sống động, hấp dẫn của địa phương ra cộng đồng và mời gọi các nhà đầu tư.

Phát huy nội lực

Bà Bao Thị Thu Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho hay những năm qua, nhờ có lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” đã góp phần quan trọng để người dân khắp nơi biết đến địa danh Bạch Đằng, đặc sản bưởi Bạch Đằng... Tiềm năng phát triển du lịch của địa phương rất lớn và phong phú với nhiều sản phẩm đặc sắc, từ các di tích lịch sử - văn hóa đến sản phẩm, cây ăn trái, món ăn chế biến từ đặc sản địa phương. Nhân dân trong xã rất muốn được kết hợp phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản nhà vườn với du lịch dã ngoại, du lịch xanh. Tuy vậy, hiện đây chỉ mới là tiềm năng, vì chưa có doanh nghiệp nào ở địa phương đủ sức hoặc nhà đầu tư ngoài địa phương đến hợp tác, khai thác.

Ông Nguyễn Minh Công, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xã Bạch Đằng - chủ vườn bưởi da xanh tại ấp Điều Hòa, nói: Thời gian qua, việc ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật cao vào vườn cây đã góp phần nâng cao hiệu quả, thu nhập của bà con trồng bưởi trên địa bàn. Với diện tích 7.000m2 bưởi da xanh, gia đình ông có thu nhập trung bình từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường. Tuy vậy, ông vẫn mong muốn được hợp tác phát triển du lịch để giá trị sản phẩm được nâng lên, thương hiệu bưởi Bạch Đằng được vươn xa hơn. Hiện tại, ngoài trái bưởi tươi ngon, gia đình ông cũng như nhiều gia đình trồng bưởi trong xã còn có nhiều món ăn, thức uống độc quyền từ bưởi như gỏi bưởi, rượu bưởi, tinh dầu bưởi...

Ông Công chia sẻ, khó khăn lớn nhất với nông dân hiện tại vẫn là sản xuất nhỏ, diện tích không đủ lớn để phát triển như mong muốn của các dự án. Khó khăn nữa là nhà nông lâu nay chỉ quen sản xuất chứ chưa biết tổ chức kinh doanh, cho nên nếu có nhà đầu tư đến hợp tác thì hiệu quả và khả năng phát triển bền vững vườn bưởi ở Bạch Đằng sẽ tốt hơn vì sản phẩm bán ra sẽ rẻ hơn, vừa có lợi cho doanh nghiệp, khách hàng vừa có lợi cho nông dân.

Bà Trang cho rằng, hiện nay khả năng phát triển, liên kết các tour du lịch kết hợp ẩm thực quy mô lớn, dài ngày tại xã Bạch Đằng sẽ khó thực hiện hơn là các tour nhỏ, kết hợp dã ngoại. Thị xã đã có định hướng phát huy nội lực bằng cách giao các ban, ngành, đoàn thể 1 chương trình, như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ... phối hợp với địa phương tổ chức 1 chương trình du lịch dã ngoại 1 ngày, kết hợp sinh hoạt, học tập truyền thống... Khi các chương trình này thành công, phát triển sẽ tạo đà cho các tour tuyến lớn hơn phát triển.

 Sân golf Mekong - một điểm nhấn du lịch cù lao Bạch Đằng
Bà Lê Thị Hạnh, đại diện Công ty Cổ phần quốc tế Mekong - chủ đầu tư sân golf Mekong, cho biết sân golf đã hoạt động, thu hút nhiều khách nước ngoài đến vui chơi. Hướng tới, chủ đầu tư sẽ phát triển thêm nhiều loại hình kết hợp như khách sạn cao cấp, khu thể thao nhằm tạo điểm nhấn ấn tượng về du lịch trong nước, quốc tế tại cù lao Bạch Đằng. Tuy vậy, việc triển khai xây dựng và mở rộng khu sân golf công ty còn gặp khó khăn vì phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục và bồi thường giải tỏa. Rất mong sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, chính quyền địa phương để công ty hoàn thành kế hoạch đầu tư.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên