(BDO) Vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ do ông Rajiv Bodwade, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam làm trưởng đoàn, đến chào xã giao và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bình Dương.
Hiện nay, tại Bình Dương chỉ có 5 doanh nghiệp Ấn Độ đến đầu tư với tổng số vốn khoảng 170 triệu USD; chủ yếu là các dự án sản xuất gia vị, nông sản, điện tử, hàng may mặc. Tính chung cả nước, trong năm 2017 có 28 nhóm hàng xuất khẩu sang Ấn Độ thì có 23 nhóm hàng tăng kim ngạch so với năm ngoái. Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường đầy tiềm năng Ấn Độ…
Trước đây, thương mại hai nước Việt Nam - Ấn Độ chỉ phụ thuộc vào 3 ngành hàng lớn là thức ăn chăn nuôi, bắp và dược phẩm, trong đó Việt Nam nhập khẩu là chủ yếu. Còn hiện nay, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu đã có thay đổi lớn, bao trùm sang các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may, xơ sợi, ôtô... Quan hệ thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ đang ngày càng phát triển mạnh về chất và lượng, đặc biệt là kể từ năm 2010 - năm Hiệp định Thương mại hàng hóa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ (AITIG) bắt đầu có hiệu lực.
Không ngoài xu thế chung, mối quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng đi vào chiều sâu. Thị trường tiềm năng Ấn Độ với quy mô dân số hơn 1,3 tỷ người sẽ mở rộng cánh cửa đối với các mặt hàng chủ lực của Bình Dương (cao su, gốm sứ, dệt may, da giày, linh kiện, điện tử…). Hiện nay, Ấn Độ cũng là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành dệt may, da giày tại Bình Dương và cả nước
Với lợi thế là địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, chế độ ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương hoàn toàn có thể thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đến đầu tư. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp của Bình Dương vẫn có thể trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm song phương Việt Nam - Ấn Độ.
HOÀNG PHONG