Tiêm phòng dịch cúm gia cầm: Những nỗ lực đáng ghi nhận

Cập nhật: 07-05-2010 | 00:00:00

Trong khoảng 5 năm trở lại đây Bình Dương không xuất hiện dịch cúm gia cầm (GC). Có được những kết quả như vậy là nhờ qua công tác phòng chống dịch bệnh luôn được các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn chú trọng, quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Chuẩn bị tốt cho đợt tiêm phòng

Trong năm 2009 vừa qua, công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm (GS, GC) của tỉnh vẫn được các cấp, các ngành, các địa phương duy trì tốt, không để xảy ra dịch bệnh. Thời gian gần đây, dịch cúm GC diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y tỉnh và các đơn vị liên quan xác định dịch bệnh có thể sẽ bùng phát bất kỳ lúc nào nếu chúng ta không có các biện pháp phòng chống hiệu quả và nhanh chóng. Với những nhận định như trên, công tác tiêm phòng luôn được chú trọng triển khai rộng khắp và có hiệu quả. Tuy nhiên do dịch bệnh không xảy ra trên địa bàn tỉnh trong một thời gian dài nên đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan trong một số hộ chăn nuôi. Vì vậy, xác định tình hình dịch bệnh trong nước và khả năng bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, các đơn vị chủ quản đã chuẩn bị chu đáo về nhân lực và các trang thiết bị cần thiết cho việc thực hiện thành công và hiệu quả cho đợt tiêm phòng lần này.

 

Người chăn nuôi ngày càng có ý thức trong công tác tiêm phòng

Ngay trước khi đợt tiêm phòng bắt đầu, công tác tập huấn đã được triển khai cho cán bộ thú y các huyện, thị xã, thị trấn. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền đã được thực hiện đến tận các hộ chăn nuôi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi nói chuyện, chuyên mục tuyên truyền, băng rôn, áp phích... Ban chỉ đạo tại các địa phương cũng được kiện toàn và hoạt động ngày càng nhuần nhuyễn, hiệu quả hơn. Ngày 2-4 vừa qua là thời điểm chính thức triển khai đợt tiêm phòng đợt 1 tại tất cả các huyện, thị và các địa phương đã lập tức triển khai trên địa bàn của mình. Theo Chi cục Thú y tỉnh, trong đợt tiêm phòng này đã có khoảng 750.000 liều vắc-xin H5N1 (Trung Quốc) và vắc-xin H5N2 (Hà Lan) để tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi gia cầm phân tán và các trang trại, công ty chăn nuôi gà giống bố mẹ, gà đẻ trứng thương phẩm. Ông Tạ Trọng Khang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Xác định tầm quan trọng của đợt tiêm phòng, ngay từ đầu năm chúng tôi đã có những bước chuẩn bị quan trọng cho công tác tiêm phòng. Với tiến độ thực hiện như hiện nay thì nhiều khả năng đợt tiêm phòng lần này sẽ kết thúc trước thời hạn và bảo đảm những chỉ tiêu đã đề ra”. Đến thời điểm hiện tại cả tỉnh đã triển khai tiêm được hơn 760.000 con GC, đạt trên 82% diện tiêm. Trong đó huyện Dĩ An đã hoàn thành kế hoạch và một số địa phương có tiến độ thực hiện nhanh là Bến Cát, Thuận An, Dầu Tiếng

Khắc phục khó khăn để hoàn thành kế hoạch

Dù đã được triển khai đến tất cả các huyện, thị nhưng cho đến nay tiến độ thực hiện không đồng đều giữa các huyện, thị do việc phân bổ dân cư và số lượng GC tại các địa phương khác nhau cũng như điều kiện nhân lực của các trạm thú y. Ông Phạm Văn Chiến - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phú Giáo cho biết: “Thời điểm giao mùa cũng chính là thời điểm thuận lợi để cho dịch bệnh trên GS, GC bùng phát. Mặc dù còn gặp một số khó khăn về phân bổ dân cư trên địa bàn huyện thưa thớt, một số hộ dân chưa có ý thức cao trong việc tiêm phòng nhưng chúng tôi quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành kế hoạch tiêm phòng năm nay”. Việc bảo quản vắc-xin H5N2 với dung tích lớn, không cho sang chiết cũng gây một số khó khăn cho các trạm thú y trong việc sử dụng vắc-xin cho có hiệu quả, tránh lãng phí. Để khắc phục tình trạng này, các trạm thú y tại các huyện, thị đã phải tính toán lại phạm vi cũng như lộ trình tiêm phòng trên các địa bàn cho có hiệu quả hơn và đồng thời tránh được tình trạng tiêm sót. Việc tiêm phòng thường thực hiện vào chiều tối và hừng sáng để phù hợp với thời gian lao động của người dân nên cũng gây ra không ít khó khăn cho các cán bộ thú y.

Tuy nhiên bên cạnh những khó khăn gặp phải, đợt tiêm phòng lần này cũng gặp nhiều điều kiện thuận lợi. Công tác tiêm phòng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, tuy nhiên từ khi bắt đầu triển khai đến nay, thời tiết diễn biến khá thuận lợi cho công tác tiêm phòng. Cũng theo ông Tạ Trọng Khang, hiện nay người chăn nuôi đã có ý thức hơn về việc tiêm phòng cho đàn GC của mình. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng là quyền lợi thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của từng hộ chăn nuôi vì nếu không tiêm phòng thì sẽ không được bán nên các hộ chăn nuôi hưởng ứng nhiệt tình, ý thức tiêm phòng của đa số người dân ngày càng được nâng cao. Công tác tổ chức tiêm phòng ngày càng có nền nếp, Ban chỉ đạo tại các địa phương cũng ngày càng sát sao hơn nên tỷ lệ tiêm phòng luôn đạt tỷ lệ cao. Song song với công tác tiêm phòng dịch bệnh, công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển GC, vệ sinh tiêu độc chuồng trại tại các trạm thú y vẫn được duy trì thường xuyên và có hiệu quả.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên