Tiếp nối truyền thống, xây dựng quê hương giàu đẹp

Cập nhật: 13-03-2020 | 12:43:02

Cùng với Buôn Ma Thuột và Phước Long, giải phóng Dầu Tiếng là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự chủ động và linh hoạt của quân ta trên khắp các chiến trường, góp phần làm nên đại thắng lịch sử mùa xuân 1975. 45 năm sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống anh hùng bất khuất, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Dầu Tiếng tiếp tục đoàn kết, quyết tâm làm nên những chiến công mới trong công cuộc dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Một góc trung tâm thị trấn Dầu Tiếng hôm nay. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Khúc tráng ca Dầu Tiếng…

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh quận trưởng Dầu Tiếng đánh dấu sự tan rã hoàn toàn của bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, nhưng âm hưởng chiến thắng Dầu Tiếng vẫn còn vang vọng đến hôm nay và cả mai sau. Bởi đó là thời khắc lịch sử vỡ òa trong niềm vui của quân và dân Dầu Tiếng - những người quyết hy sinh tất cả để giành độc lập tự do cho quê hương đất nước.

Cách đây tròn 45 năm, với tinh thần “Một ngày bằng hai mươi năm” quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tại huyện Dầu Tiếng, từ các căn cứ cách mạng, cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang, du kích, các cơ quan dân chính Đảng và nhân dân đã đoàn kết một lòng, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực Sư đoàn 9 anh hùng và các đơn vị binh chủng khác đứng chân trên địa bàn đã tiến công vào các căn cứ quân sự, bộ máy ngụy quyền của địch.

Ông Trần Văn Du, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, làmột trong những người có mặt trong ngày giải phóng Dầu Tiếng với nhiệm vụ bí mật đưa dân về những nơi an toàn trước khi quân ta bắt đầu khai hỏa. Ông Du nhớ lại, lúc đó giao tranh diễn ra rất ác liệt. Tiếng xe tăng, đạn pháo cối rền vang khắp nơi. Sau nhiều giờ giao tranh, địch co cụm ở Chi khu Dầu Tiếng nhưng vẫn chống trả quyết liệt, điên cuồng. Còn ông Ba Thượng (Nguyễn Văn Thượng), nguyên Trưởng ban An ninh huyện Dầu Tiếng, cho biết để chuẩn bị cho giờ “G”, Ban An ninh huyện phối hợp với các đơn vị vừa khẩn trương đưa dân ra các điểm an toàn vừa tổ chức nơi ăn chốn ở cho khoảng 13.000 dân. Mọi công việc phải được thực hiện nhanh chóng, an toàn và bí mật.

Sáng ngày 13-3-1975, trong khi các mũi tiến công của các lực lượng Sư đoàn 9, Trung đoàn 16 đồng loạt nổ súng tiến công địch ở Bến Củi, Cầu Tàu… thì tại khu vực Suối Dứa, Đại đội 64 cùng Đội biệt động của huyện và du kích xã Thanh An dùng cối 60 ly pháo kích uy hiếp để cầm chân địch. Trước áp lực từ mọi phía của ta, đại đội bảo an của địch đóng ở đồn ấp chiến lược Suối Dứa sợ hãi bỏ chạy tán loạn về chi khu Dầu Tiếng. Trong khi đó tại khu vực thị trấn, mũi tiến công của các lực lượng vũ trang ta đã đánh chiếm sân bay, diệt đồn tam giác, đánh địch trong chi khu, chốt Vườn Chuối, ngã ba Ba Rắc, Cầu Tàu… Địch cố thủ dưới các hầm và chống cự quyết liệt. Sau những đợt pháo 130 ly bắn cấp tập vào các vị trí quân sự còn lại của địch trong chi khu, các cánh quân của Sư đoàn 9 nhanh chóng chiếm giữ các vị trí trọng yếu trong thị trấn. 10 giờ sáng ngày 13- 3-1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam đã tung bay trên nóc dinh quận trưởng Dầu Tiếng.

Huyện Dầu Tiếng hoàn toàn giải phóng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thắng lợi này đã chặt đứt một mắt xích, một vị trí xung yếu nhất trong tuyến phòng thủ của địch ở phía bắc - tây bắc Sài Gòn và mở rộng vùng giải phóng của tỉnh Thủ Dầu Một. Việc giải phóng Dầu Tiếng đã mở ra một hệ thống căn cứ liên hoàn từ cực Nam Trung bộ đến Chiến khu Đ, Chiến khu Long Nguyên, Chiến khu Dương Minh Châu và Bắc Củ Chi, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực, các binh chủng chuyển quân tập kết tiến về giải phóng Sài Gòn.

Dựng xây quê hương

Kế thừa và phát huy truyền thống anh dũng, bất khuất trong đấu tranh giải phóng quê hương đất nước, ngày nay các thế hệ cán bộ, quân và dân trong huyện đã đồng lòng, chung sức vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Đặc biệt, từ khi tái lập huyện đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dầu Tiếng đã không ngừng phát huy nội lực, chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, từng bước đưa kinh tế huyện nhà liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm trên 10%. Riêng trong năm 2019, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt gần 15.566 tỷ đồng, tăng 14,54% so cùng kỳ, đạt 100,19% so kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt trên 6.650 tỷ đồng, tăng 22,2% so cùng kỳ, đạt 100,16% so kế hoạch; giá trị thương mại - dịch vụ đạt trên 4.900 tỷ đồng, tăng 12,8% so cùng kỳ, đạt 100,71% so kế hoạch; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ, đạt 99,62% so kế hoạch.

Hoạt động của các doanh nghiệp và Cụm công nghiệp Thanh An ổn định. Hiện nay, Cụm công nghiệp Thanh An đang giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động. Huyện đang hỗ trợ, thúc đẩy nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp An Lập (đã có chủ đầu tư, hiện đang triển khai đầu tư). Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng trình tỉnh bổ sung thành lập 2 cụm công nghiệp tại xã Thanh An với diện tích 150 ha. Đến nay, toàn huyện có 369 doanh nghiệp (trong đó có 49 doanh nghiệp sản xuất), tăng 15 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Huyện cũng đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019, xã Thanh An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, Dầu Tiếng đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, trong thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh triển khai mời gọi đầu tư, phát triển du lịch tạo nên những động lực mới để thúc đẩy kinh tế của huyện tăng trưởng và bền vững; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã phấn đấu nâng cao tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới của Trung ương và của tỉnh giai đoạn 2017-2020; phấn đấu đến cuối năm 2020 có 2 đến 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phát huy truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất của quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Dầu Tiếng hôm nay tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kỷ niệm chiến thắng Dầu Tiếng năm nay càng có ý nghĩa hơn khi các phong trào thi đua đang được triển khai sôi nổi trong toàn huyện nhằm thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chiến thắng Dầu Tiếng mãi là niềm tự hào của quân dân Dầu Tiếng nói riêng và Bình Dương nói chung. Âm vang của chiến thắng sẽ tiếp tục là động lực để các thế hệ cán bộ, nhân dân huyện nhà quyết tâm giành nhiều thắng lợi mới trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.q

Từ khi tái lập huyện đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dầu Tiếng đã không ngừng phát huy nội lực, chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, từng bước đưa kinh tế huyện nhà liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm trên 10%.

TRÍ DŨNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên