Năm 2016 đánh dấu sự trở lại của Bình Dương ở bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ vị trí thứ 25 năm 2015 lên vị trí thứ 4 của cả nước. Theo các chuyên gia, để giữ vững và cải thiện thứ hạng trong thời gian tới, Bình Dương còn nhiều việc phải làm.
Cải thiện nhiều chỉ số thành phần quan trọng
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp nâng cao PCI của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư giúp Bình Dương tăng thứ hạng PCI năm 2016. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An), nơi thu hút nhiều nhà đầu tư uy tín của các nước đến làm ăn. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, năm 2016 Bình Dương đã cải thiện được 8 chỉ số so với năm 2015. Cụ thể, chỉ số chi phí không chính thức tăng 1,34 điểm so với năm 2015, đứng thứ 2 cả nước. Các chỉ số khác tăng như: Đào tạo lao động tăng 0,75 điểm, cạnh tranh bình đẳng tăng 0,61 điểm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,37 điểm, chi phí thời gian tăng 0,35 điểm, tính minh bạch tăng 0,33 điểm, tính năng động của chính quyền tăng 0,09 điểm. Riêng chỉ số tiếp cận đất đai giảm 0,03 điểm, nhưng số điểm cao đứng thứ 2 cả nước; chỉ số thiết chế pháp lý giảm 0,3 điểm, đứng thứ 6 cả nước.
Như vậy, năm 2016 Bình Dương đã cải thiện được 4 chỉ số thành phần quan trọng, chiếm 70% trong tổng điểm PCI là: Tính minh bạch (10%), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (20%), đào tạo lao động (20%), chi phí không chính thức (20%). Các chuyên gia đánh giá, PCI của Bình Dương năm 2016 có bước tiến thần tốc đã thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh trong công tác cải thiện môi trường đầu tư.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số chỉ số thành phần trong PCI của Bình Dương năm 2016 vẫn chưa đạt nếu so với những năm trước. Chẳng hạn, năm 2008 chỉ số gia nhập thị trường của Bình Dương đạt 8,5 điểm, năm 2013 rớt xuống còn 6,2 điểm, đến năm 2016 mới đạt 8,25 điểm. Tương tự, năm 2008 chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh đạt 7,74 điểm nhưng năm 2016 chỉ đạt 6,52 điểm. Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp cũng giảm từ 8,08 điểm năm 2008 xuống còn 5,57 điểm năm 2016. Điều đáng nói, năm 2008 Bình Dương có PCI xếp hạng 2 cả nước. Nếu tiếp tục cải thiện những chỉ số này trong thời gian tới, việc Bình Dương trở lại tốp 3 của cả nước trong bảng xếp hạng PCI là hoàn toàn khả thi.
Thực hiện hiệu quả giải pháp nâng cao PCI
Ông Nguyễn Vũ Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Bình Dương, chia sẻ Bình Dương cần giữ vững các chỉ số thành phần trong PCI đã đạt được trong năm 2016 và sớm cải thiện các chỉ số thành phần khác. Chẳng hạn như chỉ số đào tạo lao động năm 2016 chỉ đạt 6,51 điểm, tuy xếp khá cao trong số các tỉnh, thành của cả nước nhưng vấn đề là ở chỗ, Bình Dương ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư, dự án công nghệ cao, đòi hỏi nhiều chất xám… Điều đó đòi hỏi tỉnh cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty gốm sứ Cường Phát (TX.Thuận An) cho rằng chỉ số cạnh tranh bình đẳng của Bình Dương năm 2016 còn thấp (chỉ đạt 5,08 điểm), trong khi đó tỉnh Sóc Trăng xếp hạng 1, với 6,91 điểm. Nếu so về tiềm năng rõ ràng Sóc Trăng chưa thể sánh bằng Bình Dương. Chính vì thế, việc cải thiện chỉ số này sẽ giúp đáng kể cho Bình Dương trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư.
Theo UBND tỉnh, để tiếp tục giữ vững vị trí và đạt thứ hạng cao hơn nữa, tới đây Bình Dương sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao PCI của tỉnh gắn với kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Bình Dương sẽ duy trì các chỉ số, lĩnh vực đạt kết quả tốt, đồng thời sớm khắc phục những lĩnh vực cần cải thiện trong PCI 2016; cùng với đó nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp đối với các quy hoạch, kế hoạch, chính sách ưu đãi đầu tư, tài liệu pháp lý...
Hy vọng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh, sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Bình Dương sẽ tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tỉnh nhà luôn là địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết tới đây Bình Dương sẽ triển khai các giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp; giải quyết và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp thông qua tăng cường đối thoại, tổ chức các hội nghị đối thoại chuyên đề với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cấp, các ngành, nhất là mô hình hoạt động Trung tâm Hành chính công. Bình Dương cũng tiếp tục xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước các cấp của tỉnh…
XUÂN VĨ