Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp: Đẩy mạnh giải pháp kiểm toán năng lượng và giám sát

Cập nhật: 26-04-2012 | 00:00:00

Theo Bộ Công Thương, qua các chương trình kiểm toán năng lượng (KTNL) cho thấy doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn đang đối đầu với nhiều khó khăn vì tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm luôn cao hơn từ 1,5 đến 2,5 lần so với sản phẩm cùng loại do các nước trong khu vực sản xuất (SX). Nếu so với các nền kinh tế phát triển khác, có những sản phẩm Việt Nam tiêu hao năng lượng đến gấp 3 - 4 lần. Trong hoạt động SX và kinh doanh, chi phí năng lượng thường chiếm từ 30 - 50% giá thành sản phẩm. Nếu DN sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ hạ thấp giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của DN.

Chưa tiết kiệm được bao nhiêu!

Tại Bình Dương, thời gian qua Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) - Sở KH&CN Bình Dương, đã thực hiện thành công việc kiểm toán và tư vấn các công nghệ sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng cho các ngành SX gạch, gốm sứ, chế biến hạt điều, chăn nuôi gia súc... Việc ứng dụng thành công lò gạch nung liên tục kiểu đứng (VSBK) đã tiết kiệm từ 40 - 60% năng lượng do sử dụng than cám hoặc xỉ than (than đã qua sử dụng) trộn trực tiếp trong viên gạch từ khâu làm gạch mộc, điều này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do xử lý tốt khói bụi. Đối với ngành SX gốm sứ, Bình Dương đã áp dụng thành công hệ thống lò nung gas (LPG) theo công nghệ Bát Tràng, hợp lý hóa hệ thống lửa do cải tiến bét phun gas phù hợp cho từng thể tích lò nung, cân đối nhiệt toàn lò và tận dụng nhiệt dư thừa sang hệ thống lò sấy, tiết kiệm được từ 25 - 40% lượng gas tiêu hao, sản phẩm đạt chất lượng cao. Trong chế biến thực phẩm, thực hiện hệ thống năng lượng mặt trời (công nghệ của Tập đoàn Himin thuộc tỉnh Shangdong, Trung Quốc) đun sôi nước cung cấp hơi nóng cho SX hạt điều với mức đầu tư hoàn vốn sau 18 tháng hoạt động. Đối với ngành chăn nuôi gia súc, các trang trại chăn nuôi quy mô trung bình từ  5.000 đến 10.000 con heo, ứng dụng phương pháp hầm ủ biogas bằng nhựa HDPE, lấy nhiên liệu chạy máy phát điện với công suất 90KVA/giờ, góp phần giải quyết nguồn năng lượng cho toàn trang trại, giảm ô nhiễm môi trường do sử dụng hầm ủ khí sinh học.

 Chế biến gỗ là ngành đầu tiên ở Bình Dương triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng 

Từ năm 2010, Bình Dương đã trang bị các phương tiện đo và dự án PECSME (thuộc Bộ KH&CN) và đã đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm toán cho tỉnh. Nhóm kiểm toán đã tham gia kiểm toán một số DN thuộc ngành SX gỗ, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành SX gỗ tỉnh Bình Dương. Nhóm kiểm toán đã phối hợp tốt với các tổ chức dịch vụ tư vấn tiết kiệm năng lượng như ENERTEAM, EEC TP.Hồ Chí Minh. Sở KH&CN cùng Sở Công Thương cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh khuyến khích KTNL trong các DN bằng cách hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN của tỉnh. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh chương trình KTNL trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Phó Trưởng ban Tiết kiệm điện tỉnh Bình Dương, những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ DN tiết kiệm điện trong SX công nghiệp, như xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các DN; xây dựng và từng bước giới thiệu tiêu chuẩn Hệ thống quản lý năng lượng trong DN (ISO 50001); hỗ trợ các DN sản xuất công nghiệp thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... Tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn chưa như mong muốn. “Khó khăn lớn nhất của chương trình mục tiêu TKNL xuất phát từ cơ sở hạ tầng và nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Đặc biệt, sự thiếu hụt các thiết bị và phương tiện tiết kiệm hiệu quả năng lượng, giá điện tương đối thấp, tình hình kinh tế khó khăn... đã cản trở các DN thực hiện chương trình TKNL”, ông Hữu nói.

Cần đẩy mạnh giải pháp KTNL

Cụm từ KTNL xem ra vẫn còn khá mới mẻ với các DN. Bởi theo ông Nguyễn Văn Hữu, qua kiểm tra 17 DN, tất cả các DN đều chưa thực hiện tốt chương trình KTNL được quy định tại Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29-3-2011 của Chính phủ. Hầu hết các DN chưa đầu tư máy móc, thiết bị đúng mức cho chương trình TKNL nói chung và công tác tiết kiệm điện nói riêng, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Việc sử dụng công suất thực tế so với công suất đã đăng ký là rất thấp. Phần lớn các DN sử dụng thấp hơn 70% công suất đã đăng ký. Nguyên nhân là do không có người quản lý năng lượng chuyên trách, không xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, không báo cáo tình hình sử dụng năng lượng và đặc biệt là không đơn vị nào có báo cáo KTNL theo định kỳ.

Theo ông Hữu, để chương trình tiết kiệm điện đối với SX công nghiệp hiệu quả, cần phải xây dựng một hệ thống giám sát, tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các cơ sở SX công nghiệp. Cụ thể, yêu cầu các DN trọng điểm phải thực hiện KTNL bắt buộc, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng, thiết lập các hệ thống quản lý năng lượng mới và hoàn thành kế hoạch nhằm đạt các kết quả về tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh việc triển khai thực thi luật, để đạt được mục tiêu tiết kiệm trong cơ sở SX công nghiệp cần xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả trong các cơ sở công nghiệp mới, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án nâng cấp, cải tạo sử dụng năng lượng có hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu tiết kiệm 10% điện năng so với tổng mức tiêu thụ điện năng của giai đoạn 2011-2015, trước mắt DN ở một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như sản xuất thép, khai khoáng, giấy, thực phẩm, dệt may... cần xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Đồng thời, bố trí kế hoạch SX hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn như các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm, không để các thiết bị điện hoạt động không tải. Bên cạnh đó, cần chú ý tắt các thiết bị điện và đèn chiếu sáng không cần thiết trong thời gian nghỉ giữa ca, triệt để tiết kiệm điện chiếu sáng sân, vườn, đường nội bộ trong các khu công nghiệp. Mặt khác, chuẩn bị các nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu SX và xây dựng phương án tự cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện. Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống quản lý và giám sát mức tiêu thụ điện năng trong SX và kinh doanh của các cơ sở SX công nghiệp, khuyến khích tiến tới bắt buộc áp dụng các định mức tiêu hao năng lượng tiên tiến trên một đơn vị sản phẩm đối với một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.

BẢO ANH

Theo Quy định tại Điều 33 của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bắt buộc các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải KTNL 3 năm 1 lần. Việc KTNL là cần thiết, giúp DN nhận dạng những bất hợp lý và những thất thoát năng lượng trong quá trình sản xuất. KTNL còn giúp DN có được báo cáo chi tiết về thực trạng sử dụng năng lượng của từng công đoạn, từng thiết bị trong dây chuyền sản xuất, từ đó đánh giá được tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Sau khi KTNL, chuyên gia tư vấn sẽ giúp DN tìm ra giải pháp quản lý năng lượng hiệu quả, nhằm giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên