Tìm về nơi lưu dấu lịch sử

Cập nhật: 14-04-2010 | 00:00:00

Vào ngày 8-4-1975, diễn ra sự kiện máy bay Việt Nam Cộng hòa do phi công Nguyễn Thành Trung lái, ném bom Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất). Sự kiện trên gây tiếng vang lớn trong thời điểm Quân giải phóng đang áp sát Sài Gòn. Tháng 4-2010, PV Báo SGGP đã trở lại Hội trường Thống Nhất...

 

Ngược dòng quá khứ

 

Năm 1868, Thống đốc Pháp tại miền Nam Lagrandière đã đặt viên đá đầu tiên trên khoảng đất rộng 12ha tại trung tâm Sài Gòn để xây dựng Dinh Toàn quyền Đông Dương, đặt tên là Dinh Norodom. Sau Hiệp định Genève, Dinh Norodom được bàn giao cho Ngô Đình Diệm và ông này quyết định đổi tên thành Dinh Độc Lập.

 

Tháng 10-1955, bằng cuộc trưng cầu dân ý, Ngô Đình Diệm truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, tự phong là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Trong thời gian nắm quyền, Ngô Đình Diệm duy trì chế độ độc tài gia đình trị, thực hiện nhiều chính sách tàn bạo như Luật 10/59 tạo mâu thuẫn gay gắt ngay trong nội bộ chính quyền Sài Gòn và phản kháng trong nhân dân.

 

Ngày 27-2-1962, phe đảo chính cử 2 phi công trong quân đội Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái 2 máy bay AD6 ném bom làm sập phần cánh trái Dinh Độc Lập. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu may mắn thoát chết nhưng dinh thự bị hư hỏng nặng nề không thể khôi phục lại. Buộc lòng Ngô Đình Diệm phải cho xây một dinh thự mới to lớn hơn, kiên cố ngay trên nền đất cũ nhưng vẫn giữ tên gọi Dinh Độc Lập.

 

Rồi cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dẫn đến cái chết của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu vào rạng sáng ngày 2-11-1963 dẫn đến việc các phe phái thanh trừng lẫn nhau. Tháng 10-1967, Nguyễn Văn Thiệu trúng cử Tổng thống VNCH. Ngay sau đó Nguyễn Văn Thiệu đưa gia đình vào sống tại dinh thự cho đến ngày 21-4-1975.

 

Nơi lưu giữ lịch sử

 

Dinh Độc Lập khởi công xây dựng vào ngày 1-7-1962, khánh thành ngày 31-10-1966 theo bản đề án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.

 

Dinh được xây dựng trên diện tích 4.500m², gồm 3 tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng, một tầng nền và tầng hầm.

 

Dinh Độc Lập được coi là một công trình có sự kết hợp hài hòa giữa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại, là điểm son của ngành kiến trúc TP.

 

(Nguồn: Hội trường Thống Nhất)

Trước đó, vào ngày 8-4-1975, phi công Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay ném bom Dinh Độc Lập. 35 năm đã qua nhưng phi công Nguyễn Thành Trung vẫn nhớ rõ từng chi tiết của ngày lịch sử đó. Ông kể: “Sáng hôm đó, phi đội 3 lái chiếc máy bay F5E của VNCH được phép cất cánh. Tôi nghe máy bay số 1 báo cáo “xin phép cất cánh” và tiếng của đài chỉ huy: “Thần Hổ 41 được phép cất cánh”. Quay sang nhìn phi công máy bay số 1, tôi thấy người này giơ 1 ngón tay cái, nhìn sang phi công máy bay số 3 cũng thấy 1 ngón tay cái (báo hiệu máy bay tốt, cất cánh). Tới lượt mình, tôi giơ bàn tay 2 ngón chỉ về phía trước, 2 ngón phía sau co lại báo hiệu hỏng hóc điện, đồng thời chỉ 1 ngón tay cái về phía sau, ý nói xin lăn bánh về chỗ đậu.

 

Đến giây thứ 10, sau khi hai máy bay kia cất cánh, tôi tăng ga, thả phanh lao máy bay số 2 của mình lên bầu trời, kéo cao và hướng thẳng Dinh Độc Lập. Tôi đã bổ nhào cắt 4 quả bom MK-82 (trong đó có 2 quả trúng đích) vào Dinh Độc Lập… Sau đó, tôi dùng súng 20 ly bắn vào Kho xăng Nhà Bè rồi đáp xuống sân bay dã chiến Phước Long trong sự vui mừng tiếp đón của đồng đội, đồng chí”.

 

Chúng tôi có mặt tại Hội trường Thống Nhất vào những ngày tháng tư lịch sử. Trong những ngày này có rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nơi bị đánh bom - sân bay trực thăng trên nóc dinh - hiện đã được sơn đỏ khoanh tròn và ghi dòng chữ “Vào lúc 8g30 phút ngày 8-4-1975, Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay F5E ném bom trúng đích tại đây” bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

 

Sau khi ném bom Dinh Độc Lập, phi công Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay F5E hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. Ảnh: T.L.

Nhiều du khách dừng lại tại phòng họp nội các. Tại đây, tối 21-4-1975, trước sức tiến công như vũ bão của Quân giải phóng, Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức rồi bỏ chạy ra nước ngoài. Phó Tổng thống Trần Văn Hương (71 tuổi) lên thay nhưng không xoay chuyển được tình thế nên cũng từ chức sau một tuần. Ngày 28-4-1975, tướng về hưu Dương Văn Minh trở thành tổng thống cuối cùng của chế độ VNCH, khi nắm quyền trong vòng 48 giờ.

 

Rời khu vực nội dinh, chúng tôi bước ra khoảng sân đầy cây xanh. Thật hạnh phúc khi hình dung cách đây 35 năm, vào sáng 30-4-1975, mũi thọc sâu của Quân đoàn II đã nhanh chóng vượt qua cầu Thị Nghè, dẫn đầu đội hình là chiếc xe tăng mang số hiệu 843 do trung úy Bùi Quang Thận chỉ huy đã húc nghiêng cổng phụ của dinh. Ngay sau đó xe tăng số 390 do trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy húc tung cổng chính dinh và tiến vào sân…

 

Đứng chụp hình cùng hàng trăm du khách trong cái nắng tháng tư, chúng tôi như thấy hình ảnh Trung úy Bùi Quang Thận đang giương cao ngọn cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đánh dấu giờ phút toàn thắng, kết thúc 30 năm cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam.

 

35 mùa xuân đã qua. Ngày nay, Hội trường Thống Nhất là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Văn phòng Chính phủ và có nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, tôn tạo “di tích lịch sử Dinh Độc Lập”; tổ chức phục vụ tham quan, nghiên cứu cho khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, Hội trường Thống Nhất còn tổ chức phục vụ các hội nghị lớn của Đảng, Nhà nước, các hội nghị quốc tế; đăng cai các hoạt động đối nội, đối ngoại của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

 

Một cán bộ của hội trường cho biết: “Từ năm 2005-2009 đã có trên 3,2 triệu lượt du khách trong ngoài nước tham quan hội trường. Ai cũng muốn hiểu thêm về  “thành trì” cuối cùng của chính quyền Sài Gòn bị Quân giải phóng quy phục vào ngày 30-4-1975"…

Tư liệu:

Bộ Chính trị đồng ý đặt tên Chiến dịch Hồ Chí Minh

 

Ngày 13-4-1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đề nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

19 giờ ngày 14-4-1975, bức điện số 37/TK của Bộ Chính trị gởi đến mặt trận có đoạn viết: “Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Bộ Chính trị khẳng định: “Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, có kết hợp với nổi dậy của quần chúng kết thúc chiến tranh. Đó là chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử”.

 

4 giờ 30 sáng 14-4-1975, hải quân ta bất ngờ đổ bộ nhanh chóng tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, giải phóng đảo Song Tử Tây, kéo cờ Tổ quốc lên đỉnh cột cờ của đảo, khởi đầu cho việc đánh chiếm các đảo Trường Sa do quân ngụy đóng giữ. Tiếp đó vào ngày 25-4, quân ta đánh chiếm đảo Sơn Ca. Ngày 27-4, ta giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Ngày 28-4, quân ta giải phóng đảo Trường Sa, đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng.

 

Cũng trong ngày 14-4, Sư đoàn 3 bộ binh (Quân khu 5) và Trung đoàn 25 bộ binh (mặt trận Tây Nguyên) được hỏa lực pháo binh chi viện tiến công thị xã Phan Rang, nhanh chóng phá vỡ cụm phòng ngự của địch ở phía Bắc thị xã, áp sát sân bay Thành Sơn. Quân ngụy được không quân và pháo từ tàu bắn chi viện đã chống trả quyết liệt…

 

Trận đánh mở đầu tại Sài Gòn

 

8 giờ 30 sáng 8-4-1975, một máy bay F5E thuộc Không quân Sài Gòn thay vì tham gia một phi vụ ném bom vùng giải phóng, lại tách khỏi phi đội để bay ngược về Sài Gòn. Lúc này trên máy bay có 4 quả bom, anh định đánh Dinh Độc Lập 2 quả còn 2 quả đánh kho xăng Nhà Bè. Nhưng lần đầu bom rơi không đúng mục tiêu, anh kiên quyết bay trở lại cắt bom lần nữa trúng đích, lần thứ ba quay lại dùng súng 20 ly bắn vào kho xăng Nhà Bè, rồi lái máy bay đáp xuống an toàn trên đường băng dã chiến ở sân bay tỉnh Phước Long.

 

Tinh thần ngụy quân và ngụy quyền xao động vì cơ quan đầu não đã bị tấn công và người lái máy bay ấy là Trung úy không quân Nguyễn Thành Trung, một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong hàng ngũ không quân địch.

 

Nguyễn Thành Trung tên thật là Đinh Khắc Chung, quê ở Bến Tre, là con một đồng chí huyện ủy viên đã hy sinh trong một cuộc chiến đấu. Trong đợt Tổng tiến công mùa xuân 1975, khi các quân đoàn Quân giải phóng đang áp sát quanh Sài Gòn thì Nguyễn Thành Trung nhận lệnh chủ động xuất kích từ sân bay địch, ném bom Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên