Tín dụng chính sách xã hội: Thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững

Cập nhật: 19-09-2019 | 08:37:34

 Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm, đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả…”, nguồn vốn chính sách ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Bình Dương đã đến với cộng đồng và được người nghèo tiếp cận một cách nghiêm túc bằng những mô hình phát triển kinh tế cụ thể đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

 Khách hàng giao dịch tại điểm giao dịch phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một

 Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Trong những ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Liêm (SN 1983) ở xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng. Anh là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Liêm cho biết sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 chị em, ba mẹ đều là nông dân ở xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Năm 1994, anh theo gia đình vào huyện Dầu Tiếng lập nghiệp. Ban đầu do không có vốn nên gia cảnh anh rất khó khăn. “Xét thấy hoàn cảnh khó khăn, năm 2013, vợ chồng tôi được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng cho vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm với số tiền 20 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình mua 2 con bò về nuôi để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”, anh Liêm cho biết. Với ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, sự ham học hỏi, không ngại khó khăn, anh đã dần khẳng định mình, đến nay đàn bò của anh đã phát triển hơn 20 con. Trong thời gian vay vốn, anh Liêm trả gốc, trả lãi đúng thời hạn, đạt hiệu quả sử dụng vốn tối đa. “Khi vay, tôi cũng được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng triển khai chi tiết về việc đóng lãi hàng tháng, trả gốc theo phân kỳ và trả nợ gốc khi đến hạn. Sau khi hoàn tất khoản vay cũ, năm 2018 tôi được địa phương xét cho vay khoản vay mới là 30 triệu đồng để tiếp tục chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ nguồn vốn vay đó mà gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững”, anh Liêm vui mừng cho biết.

Đi cùng lãnh đạo NHCSXH Bình Dương, chúng tôi đến xã An Thái, huyện Phú Giáo, trong căn nhà khang trang của mình, bà Nguyễn Thị Minh Huế bồi hồi xúc động kể cho chúng tôi nghe về hành trình vượt khó và trở thành một trong những tấm gương thoát nghèo bền vững tại huyện Phú Giáo.

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, bà Huế vẫn không quên được những ngày tháng khó khăn nhất của gia đình, đặc biệt vào thời điểm năm 2015, chồng bà qua đời để lại cho bà 3 đứa con đang tuổi ăn học. Khi biết chi nhánh NHCSXH Bình Dương đang có chính sách cho vay vốn chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và vốn chương trình giải quyết việc làm, bà đã vay cả 2 chương trình, tổng cộng gần 150 triệu đồng để vừa nuôi các con ăn học, vừa chăn nuôi heo, gà thả vườn, trồng và chăm sóc cây cao su theo mô hình VAC. Từ đó, các con của bà đã được tiếp tục học hành đến nơi đến chốn, nay đã lần lượt ra trường, có việc làm ổn định, còn bà có điều kiện tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Đây là 2 trong số hàng chục ngàn hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ cho vay vốn từ NHCSXH Bình Dương để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững. Điều đặc biệt thành công trong công tác giảm nghèo ở Bình Dương trong những năm qua có đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn vay ưu đãi chi nhánh NHCSXH Bình Dương.

Chính sách vì người nghèo

Ngày 22-11-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và chỉ thị đó đã đi vào cuộc sống rất rõ nét. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng vào cuộc hết sức quyết liệt và trong những năm qua thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, Chính phủ cũng đã ưu tiên dành nguồn lực và bổ sung hàng năm để bảo đảm tăng trưởng tín dụng 10%/năm. Thủ tướng đã bổ sung thêm từ 8% lên 10% để hỗ trợ cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, các địa phương cũng đã dành nguồn lực từ ngân sách để ủy thác sang NHCSXH.

Tại Bình Dương, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh. Tỉnh ủy ban hành công văn chỉ đạo hệ thống chính trị địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/ TW, đồng thời chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; tại các nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm đều có nội dung, chỉ đạo thực hiện Chỉthịsố40-CT/TW.

 “NHCSXH Bình Dương tiếp tục tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quản lý bảo đảm an toàn nguồn vốn ngân sách Nhà nước, giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng thụ hưởng tại các điểm giao dịch, tạo thuận lợi cho đối tượng vay, hộ nghèo trong hoạt động vay vốn để sản xuất, nâng cao đời sống”.

(Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Bình Dương)

Ngay sau đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Từng địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể ở địa phương bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH cấp huyện; quan tâm cấp nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tại địa phương để bổ sung thêm nguồn lực cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

NHCSXH Bình Dương đang thực hiện 11 chương trình tín dụng về cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với gần 69.000 hộ vay, tập trung chủ yếu cho chương trình hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm và chương trình nhà ở xã hội.

Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Bình Dương, cho biết thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thay vì hỗ trợ cho không người nghèo, một số địa phương chuyển ngân sách ủy thác sang NHCSXH để phục vụ cho đối tượng yếu thế nhằm mục đích chống tái nghèo. Nhờ đó người nghèo vừa có “cần câu”, vừa có động lực để vươn lên thoát nghèo. Tính đến ngày 30-6- 2019, tổng dư nợ đạt 2.416.910 triệu đồng, tăng 1.366.712 triệu đồng (tăng 1,3 lần) so với năm 2014, với 68.885 khách hàng đang vay…

Từ hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 5 năm qua, NHCSXH Bình Dương đã hỗ trợ vốn cho hơn 119.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng số tiền cho vay là 3.288 tỷ đồng, góp phần giúp cho hơn 10.000 lượt hộ vượt ngưỡng nghèo vươn lên làm giàu; hơn 5.000 học sinh, sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn; hơn 39.000 lao động được duy trì, tạo việc làm mới; hơn 94.000 công trình nước sạch và vệ sinh xây dựng mới, sửa chữa đạt chuẩn quốc gia; giải ngân cho 103 hộ vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây mới hoặc sửa chữa nhà để ở; cho vay 32 doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn tín dụng chính sách góp một phần giúp cho 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên