Tín hiệu vui từ đề án, đề tài

Cập nhật: 02-08-2012 | 00:00:00

Rất nhiều đề án, đề tài môi trường và tài nguyên nước, khoáng sản của ngành tài nguyên - môi trường (TN-MT) trong tỉnh triển khai và xây dựng, từng bước đem lại tín hiệu vui, nhằm góp phần bảo vệ môi trường (BVMT) trong sản xuất, đời sống xã hội nói chung và con người nói riêng.

Từ môi trường...

“Quan trắc nước thải tự động” là một trong những dự án quan trọng đã được UBND tỉnh chấp thuận cùng với kế hoạch quản lý ô nhiễm công nghiệp suối Bưng Cù  vừa hoàn chỉnh có ý nghĩa chiến lược, góp phần BVMT và phát triển kinh tế trên địa bàn. Tiếp theo đó, hàng loạt đề án, đề tài được triển khai thực hiện ở các huyện, thị, thành phố như: “Điều tra, đánh giá và xây dựng bản đồ hiện trạng các điểm tiếp nhận nước thải từ cơ sở sản xuất, các khu dân cư - đề xuất giải pháp BVMT và cải thiện chất lượng nước trên địa bàn các xã Bình An, Bình Thắng, Tân Bình, TX.Dĩ An”; đề án “Đánh giá diễn biến chất lượng nước mặt, nước ngầm giai đoạn 2011-2015” của TP.Thủ Dầu Một; các đề tài “Điều tra, khảo sát đánh giá và phân loại các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn”; “Xây dựng báo cáo tổng thể về môi trường trên địa bàn”; “Điều tra, đánh giá mức độ tuân thủ các quy định về BVMT của các hộ kinh doanh cá thể sản xuất nhỏ lẻ ở Thuận An”; “Xây dựng phương án quản lý tổng hợp chất thải rắn trên địa bàn huyện Tân Uyên”; “Xây dựng quy chế quản lý hoạt động thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn ở Tân Uyên và Thuận An”; TP.Thủ Dầu Một, huyện Bến Cát, Dầu Tiếng cũng đang thực hiện đề án “Xây dựng kế hoạch BVMT trên địa bàn giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020” và đề án “Điều tra, khảo sát và xác lập danh mục các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn” ở Thuận An và Bến Cát...  

Nhiều lao động ở Công ty Cổ phần Giày Thái Bình được làm việc trong môi trường sản xuất tương đối tốt

Một số cán bộ phụ trách về môi trường thuộc các phòng TN-MT huyện, thị, thành phố, cho biết việc triển khai thực hiện đề án, đề tài về môi trường đã và đang góp phần phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý môi trường. Bằng các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, nhất là trong sản xuất, thời gian qua, ngành đã tiến hành kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể như sau khi kiểm tra, xử lý, 2 Công ty TNHH Cao su Sông Bé và Công ty TNHH GHP International Việt Nam đã nhìn nhận mức độ vi phạm và khắc phục ngay. Công ty TNHH Cao su Sông Bé thì hoàn thành công trình hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt đường ống cấp nước sạch từ nhà máy chế biến đến các hộ dân bị ô nhiễm, hỗ trợ, khắc phục hậu quả một phần kinh phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Còn Công ty TNHH GHP International Việt Nam, Sở TN-MT đã yêu cầu công ty hỗ trợ tiền khoan giếng mới cho những hộ có giếng đã bị ô nhiễm, tiến hành trám lấp các giếng ô nhiễm, tổ chức thu gom, xử lý bột sơn, không được để bột sơn trong hố đào của khuôn viên công ty.    

Không chỉ thế, công tác thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng được quan tâm. Đến nay toàn ngành đã có 29 dự án được phê duyệt, tăng 38% so với cùng kỳ. Việc khảo sát địa điểm và thẩm định công nghệ môi trường cũng đã hoàn thành cho 88 dự án đầu tư, phê duyệt 63 đề án BVMT, thẩm định 3 đề án cải tạo phục hồi môi trường, nghiệm thu 25 doanh nghiệp xin xác nhận thực hiện các biện pháp BVMT. Tổ chức kiểm tra tiến độ di dời của 16 cơ sở thuộc danh sách di dời. Đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã nhận quyết định và cấp giấy chứng nhận cho 6 doanh nghiệp khắc phục ô nhiễm môi trường triệt để, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Đến tài nguyên nước và khoáng sản

Bên cạnh lĩnh vực môi trường, từ đầu năm đến nay, Sở TN-MT cũng đã hoàn chỉnh kế hoạch “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”, phòng tránh, ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới song song với việc hoàn chỉnh các đề cương, dự toán các đề án “Xác định nguyên nhân, phạm vi, mức độ ô nhiễm nước ngầm tầng Pleistocen khu vực An Phú, TX.Thuận An”; “Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng nguồn nước mặt, lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương; “Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đánh giá hiện trạng, xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020 tỉnh Bình Dương”... Riêng đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin GIS trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương” đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tỷ lệ cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đang có chiều hướng giảm dần do thực hiện quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất...

Còn rất nhiều công việc phải làm từ nay đến cuối năm bắt đầu từ những đề án, đề tài về môi trường và tài nguyên nước, khoáng sản, nhưng ông Phạm Danh, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết chắc chắn, ngành TN-MT sẽ gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng không chỉ trên lĩnh vực đất đai mà cả môi trường và tài nguyên nước, khoáng sản từ nay đến cuối năm. Đạt được kết quả này, sở đã có những biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khai thác nước dưới đất, gia hạn thời gian trám lắp giếng ở vùng cấm, xem xét điều chỉnh kế hoạch thanh kiểm tra; đồng thời yêu cầu các huyện, thị, thành phố tiếp tục xây dựng chương trình BVMT cấp huyện nhằm kết hợp đồng bộ giữa tỉnh và huyện; tập trung xử lý các cơ sở sản xuất gạch ngói theo công nghệ Hoffman, lò thủ công, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý tình hình khai thác sét trái phép tại mỏ sét Đồng Chinh, thuộc huyện Phú Giáo...

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên