Tình chị em...

Cập nhật: 25-04-2012 | 00:00:00
Thỉnh thoảng đọc báo thấy nhiều bi kịch gia đình mà ngao ngán. Đó là chị em chung cha mẹ lại tranh giành đất đai, của cải dẫn đến mắng chửi, đánh đập nhau. Chuyện đau lòng như thế vẫn xảy ra nếu người trong cuộc cứ chăm chăm nghĩ về lợi lộc. Tuy nhiên, vẫn có những người lấy tình thương máu mủ ruột rà để “cảm hóa” em mình hay biết sống kiểu chia sẻ với nhau những ngọt bùi...

Tình thương của người chị cả

“Chuyện nhà tôi chẳng hay ho gì đâu...”, chị T. (phường Chánh Nghĩa, TX.TDM) đã nói như thế nhưng với những người xung quanh, chuyện thật sự “không hay ho” nếu chị T. cũng tham lam, tính toán như những đứa em của chị. Tình thâm giao thủ túc được chị “hàn gắn” lại bởi tình thương và sự nhường nhịn đáng quý. Cuối cùng thì chị cũng đã kể chuyện mình để mong mọi người trong gia đình luôn biết yêu thương nhau thật nhiều. Theo cô Phan Kim Vân (giữa), những ngày cô bệnh, anh chị em trong nhà quan tâm chăm sóc làm cô thấy hạnh phúc và mau bình phục

Khu vườn, nhà ba mẹ chị T. có giá vài tỷ đồng. Ba mẹ chị già yếu nên cũng “tính đường lo cho ba đứa con”. Chị T. là con cả, lại là phận nữ nhi nên mọi chuyện “lùm xùm” từ đây. Hai em trai một người nói chị lấy chồng rồi, nhà chồng cũng không khó khăn gì nên “khỏi lấy phần!”. Đứa em út không lo làm ăn, suốt ngày nhậu nhẹt thì nêu ý kiến “cho cũng được nhưng ít thôi”. Trước thái độ và lời nói của hai em trai, chị T. không nói gì nhưng chị đau lòng lắm vì những đứa em chị đã hết lòng thương yêu, chăm sóc từ những ngày còn thơ dại nay lại vì của cải mà tỏ ra ích kỷ như thế.

Nhưng ba mẹ chị không chịu. Theo họ, chị T. là con gái nhưng có đóng góp nhiều nhất trong quá trình mua đất, dựng nhà, lập vườn. Rằng chị đã tảo tần theo mẹ ra chợ buôn bán từ nhỏ. Ba mẹ chị nói lẽ ra phần chị T. nhiều hơn nhưng chia của cải thành ba phần bằng nhau vì đứa nào cũng là con. Hai anh con trai chấp nhận trong nỗi hậm hực!

Ba mẹ già yếu rồi lần lượt qua đời. Hai người con trai “ủy quyền” lo lắng mọi việc cho chị T. bởi chị là... chị cả! Không “so đo” với em, chị lo chu toàn bổn phận của mình. Từ ngày ba mẹ mất, người em út ăn chơi thâm hụt hết phần đất đai, tài sản của mình. Anh ta về đòi anh trai, chị gái “chia bớt” cho em miếng đất cất nhà. Đứa em kia của chị T. tất nhiên không chịu. Anh em trai, chị em dâu suốt ngày gây gổ, tìm cớ la mắng nhau. Chị T. sống ở nhà chồng nhưng lâu lâu về chơi cũng thấy xấu hổ với xóm giềng.

Cuối cùng, để “gia đạo” được yên, chị T. chia cho người em út một nền đất trong phần của mình với điều kiện không được bán đất hương hỏa. Chị còn chạy vạy kiếm tiền thêm cho em út cất nhà. Chị cũng khuyên lơn hai đứa em hãy vì tình cảm của chị em, sống vui vẻ với nhau như khi còn nhỏ. Tình thân mới quan trọng và chị em trong nhà còn nương tựa nhau nhiều khi lớn tuổi... Chị T. cười và cho rằng, có lẽ “mưa dầm thấm lâu”, có lẽ còn nghĩ đến ba mẹ, đến đại gia đình nên sự hòa hiếu dần trở lại và đó là điều làm chị vui nhất.

Chị em rau cháo có nhau

Chúng tôi còn nhớ bà Ôn Thị Lập ở ấp Cây Da, xã Thạnh Phước, Tân Uyên luôn nói về người em của mình trong lần được tặng nhà tình thương. Theo bà Lập, trước đây, bà sống ở Thạnh Phước và lớn lên lấy chồng sinh sống ở Đồng Nai. Vợ chồng có đứa con bị bệnh tâm thần, công việc không ổn định, ông chỉ đi làm thuê hay chạy xe ôm còn bà ở nhà trông con nên làm mãi cuộc sống vẫn khó khăn. Nghèo khó nhưng bà không dám kêu ca gì và cũng không muốn cậy nhờ những đứa em bởi bà nghĩ “ai lo nồi nấy, lấy đâu ra giúp mình”. Thế nhưng, đứa em gái đã nhất định “bắt” bà trở về quê để chị em rau cháo có nhau chứ qua thăm, nhìn chị khổ quá vậy em chịu không được! Nghe lời em, bà đưa cả nhà về quê sinh sống. Em nhường lại cho mấy sào ruộng để trồng rau quanh nhà và chăm con. Chồng đi làm bảo vệ. Cuộc sống của bà Lập ổn định dần và khi được tặng nhà tình thương thì bà vui vẻ nói: “Nhờ có em gái đùm bọc, nhờ mọi người thương yêu tui mới được như ngày hôm nay”.

Nói về tình chị em, cô Phan Kim Vân, một giáo viên nghỉ hưu ở Tân Uyên đang theo điều trị vật lý trị liệu ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho rằng, đó là điều đáng quý. Ai có anh chị em phải biết yêu thương, quý trọng nhau chứ đừng ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mình. “Như tôi chẳng hạn, đang yên đang lành, bị tai biến đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Con cái nhà nào cũng lớn rồi, chăm mẹ nhưng còn đi học, đi làm nên mấy chị em giúp đỡ nhau. Sau mấy ngày nằm viện, về nhà cũng nhờ anh chị em tâm sự, hủ hỉ, nấu cho món này món nọ để người bệnh... lên tinh thần! Khi chuyển sang bệnh viện này điều trị vật lý trị liệu cũng có một người em đi theo giúp đỡ. Thương em nên khi tôi tự chăm sóc bản thân mình được là giục em về nhà ngay...”, cô Phan Kim Vân chia sẻ.

QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên