Tính giá điện bậc thang: Người ở trọ bớt thiệt thòi

Cập nhật: 16-11-2010 | 00:00:00

Mặc dù nhà nước đã có quy định rõ về giá bán điện, thế nhưng đến hiện tại rất nhiều người sử dụng điện (chủ yếu là công nhân và sinh viên thuê nhà trọ) phải trả tiền cao hơn nhiều so với giá quy định.

Với lợi thế là một tỉnh có nền công nghiệp phát triển, Bình Dương đã và đang tiếp tục thu hút đông đảo công nhân, sinh viên ở các nơi về sinh sống, học tập. Đến nay, Bình Dương có hơn 700.000 công nhân lao động, trong đó hơn 70% là lao động ngoài tỉnh nên hầu hết phải thuê nhà ở trọ. Để đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người lao động (NLĐ) xa quê, tính đến năm 2009, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 140.000 phòng trọ do người dân đầu tư xây dựng và quản lý cho NLĐ thuê, giải quyết chỗ ở cho hơn 350.000 lao động. Các khu nhà trọ trên chủ yếu được xây cất tạm bợ, diện tích bình quân mỗi phòng từ 8 - 12m2, cho 2 đến 3 người thuê ở.

 

Thường trực HĐND, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh Mai Thị Dung (bìa phải) đi khảo sát về nơi ăn, ở của lao động

Qua tham khảo, số công nhân ở trọ chủ yếu sinh sống tại các khu nhà trọ của người dân. Còn sinh viên thì cũng đang ở những khu nhà trọ, ký túc xá gần các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp chuyên nghiệp... Theo ghi nhận của chúng tôi, thực tế hiện nay do một số chủ nhà trọ không thực hiện đầy đủ giao dịch hành chính về kinh doanh nhà trọ nên không được hưởng giá điện theo quy định, thậm chí có chủ nhà trọ thực hiện đúng nhưng “phớt lờ” cố tình thu tiền điện người ở trọ giá cao. Ở nhiều dãy nhà trọ, mặc dù mỗi phòng đều có đồng hồ điện riêng nhưng giá điện mà các chủ nhà trọ áp tính cho những người ở trọ mức giá không đồng đều và quá cao từ 2.000 - 3.000 đồng/kwh. Với mức giá như vậy, khiến cho người ở trọ thêm một gánh nặng.

Rút hầu bao người ở trọ

Thông tư số 08/2010 của Bộ Công Thương đã quy định rõ về giá bán điện năm 2010 áp dụng cho các tổ chức, cá nhân mua bán điện từ hệ thống điện quốc gia. Theo đó, giá bán điện bình quân năm 2010 là 1.058 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang kể từ ngày 1-3-2010 như sau: cho 50 kWh đầu tiên là 600 đồng/kWh, cho kWh từ 51-100 là 1.004 đồng/kWh, cho kWh từ 101 - 150 là 1.214 đồng/kWh, cho kWh từ 151 - 200 là 1.594 đồng/kWh, cho kWh từ 201 - 300 là 1.722 đồng/kWh, cho kWh từ 301 - 400 là 1.844 đồng/kWh, cho kWh từ 401 trở lên là 1.890 đồng/kWh. Như vậy, mức giá điện bán cho sinh hoạt 50 Kwh đầu thì vẫn không thay đổi (600 đồng/kwh). Nếu theo quy định, cứ 4 người ở trọ tập hợp lại có thể đăng ký hợp đồng mua điện trực tiếp của đơn vị bán điện nếu đáp ứng được các yêu cầu quy định.

Đến một dãy nhà trọ ở Thuận An, qua trao đổi với một số người ở trọ, chúng tôi thử làm một phép tính: Một phòng trọ 4 người tiêu thụ mỗi tháng 40 kwh, nếu hợp đồng trực tiếp với bên bán điện, thì họ được hưởng giá điện theo quy định: 600 đồng x 40 kwh thì người ở trọ chỉ trả 24.000 đồng/tháng. Trong khi đó, chủ nhà trọ thu 3.000 đồng/kwh thì người ở trọ phải trả 120.000 đồng/tháng. Với hơn 30 phòng trọ, mỗi tháng chủ nhà trọ sẽ bỏ túi hơn 1 triệu đồng. Chính sách giá điện sinh hoạt bậc thang của Thủ tướng Chính phủ có tính đến sự hỗ trợ về giá đối với hộ nghèo, người thu nhập thấp nhưng trong thực tế số NLĐ và sinh viên hầu như chưa được hưởng chính sách trợ giá theo quy định. Ngoài cách tính tiền điện giá trên trời, thời gian qua nhiều người ở trọ cũng luôn phàn nàn bức xúc về cách “chơi không đẹp” của một số chủ nhà trọ. Tại một dãy nhà trọ ở TX.TDM, chị T., ở trọ phản ánh: “Hai vợ chồng chị là công nhân nên đi làm suốt ngày, tối về chỉ thắp 1 bóng đèn neon để ăn cơm tối. Bữa cơm tối xong, nghỉ một tí là liền tắt đèn để tiết kiệm điện. Vậy mà cuối tháng chị nhận giấy báo đóng tiền điện của chủ nhà trọ là 130.000 đồng, hôm sau kiểm tra đồng hồ thì phát hiện trong phòng dù không sử dụng điện nhưng đồng hồ vẫn chạy. Chị thắc mắc thì chủ nhà trọ trả lời: “Do đồng hồ mới mua về lắp sử dụng chứ chưa kiểm tra”.

Tương tự, tại một khu ký túc xá ở phường Hiệp Thành (TX.TDM) do người dân xây dựng cho sinh viên thuê trọ việc chủ nhà tính tiền điện cũng gây ra sự bức xúc cho sinh viên. Em Nguyễn Văn Hiếu, sinh viên của trường Đại học Bình Dương cho biết: “Phòng của em có 4 người, hàng tháng trung bình cả phòng sử dụng 70 - 80kWh điện. Nếu đối chiếu với giá theo quy định thì cả phòng phải trả chưa tới 100.000 đồng. Đằng này chủ nhà cứ “khoán” 2.500 đồng/kWh nên tháng nào tụi em cũng phải trả hơn 200.000 đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, việc tính tiền điện dành cho sinh viên thuê nhà trọ phần lớn đều do chủ nhà trọ quy định. Chủ nhà quy định bao nhiêu thì các em sinh viên phải trả bấy nhiêu.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Vừa qua, Ban VH-XH HĐND tỉnh do bà Mai Thị Dung, Trưởng ban VH-XH làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát về tình hình văn hóa - xã hội ở xã An Bình (Dĩ An), đây là xã có số lượng dân nhập cư đông nhất tỉnh. Theo lãnh đạo xã An Bình thì trên địa bàn xã hiện có trên 1 ngàn người kinh doanh nhà trọ với hơn 22 ngàn phòng trọ.

Tại buổi giám sát, đoàn đã đi thực tế tại một số nhà trọ quy mô trên địa bàn An Bình để tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt của người ở trọ. Một vấn đề làm đại biểu Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Sở Công Thương rất quan tâm khi bà trực tiếp hỏi những người ở trọ tại một nhà trọ có quy mô 106 phòng về giá điện và cách tính tiền điện thì hầu như rất ít người ở trọ biết. Đa số chỉ trả lời chủ nhà quy định bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Và số tiền họ phải bỏ ra để trả hàng tháng dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/kwh. Trong khi đó, mỗi phòng trọ thường chỉ sử dụng từ 50 - 60kWh điện/tháng. Do vậy, nếu tính theo giá quy định thì người ở trọ phải trả cao hơn 2 lần? Đây là một điều không hợp lý. Chính vì vậy, tại buổi làm việc với lãnh đạo xã An Bình, bà Điền đề nghị lãnh đạo xã cần có nhiều hơn nữa các hoạt động tuyên truyền pháp luật, các chính sách liên quan, trong đó có chính sách quy định việc tính giá điện theo quy định của Nhà nước để người thuê nhà trọ không bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, về phía ngành bà sẽ chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn kiểm tra và xử phạt đối với những chủ nhà trọ cố ý lấy giá cao hơn so với giá quy định của Nhà nước.

Đối với NLĐ có thu nhập thấp việc thu tiền điện ở các khu nhà trọ không đồng đều, giá quá cao ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ. Nỗi bức xúc này cũng đang là nỗi bức xúc chung của hàng trăm ngàn công nhân, sinh viên xa quê mà họ đang phải gánh chịu. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần phải tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giải thích các chính sách pháp luật liên quan cho chủ các nhà trọ và người thuê trọ biết để họ thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng những chế tài đối với những chủ nhà trọ cố tình vi phạm.

TƯỜNG VY - NHÂN QUANG

Tại điều 12 của Nghị định 68/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực có đưa ra mức phạt áp dụng  cho cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bán buôn điện từ 10 - 40 triệu đồng tùy vào hành vi cụ thể. Ví dụ, tại khoản 1, điều 12 quy định: phạt tiền đơn vị bán buôn điện từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định...

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên