Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Tình vui trong nghèo khó...

Thứ tư, ngày 23/11/2011
Theo dõi Báo Bình Dương trên
Chị, có cái câu hát gì đó mà “tình tan trong nghèo khó/ thành xót xa đời...”, tụi em không vậy đâu, nghèo nhưng vẫn vui, vẫn yêu thương nhau - Cô vợ trẻ nói với tôi như thế khi tôi đến phòng trọ thăm họ. Mắt cô nhìn chồng ánh một nụ cười...

1. Hai vợ chồng đều trẻ, mới ngoài đôi mươi. Thúy quê Tiền Giang và Hải ở Kiên Giang. Cả hai lên Bình Dương tính xin làm công nhân và “duyên phận run rủi cho tụi em gặp nhau”. Nghe bạn bè ở quê nói “đi làm công nhân” là đi theo vậy thôi chứ không biết những “điều kiện kèm theo” là hồ sơ, lý lịch này nọ. Ngày phỏng vấn, Hải đi... tay không đến công ty bởi “phỏng vấn là người ta hỏi gì nói nấy”. Công ty đang thiếu lao động nên khâu hồ sơ xin việc họ cũng châm chước. Thế nhưng khi người ta nói cho xem giấy chứng minh nhân dân và “ký vào đây” thì: “Chứng minh em chưa làm và ký gì ạ, em không biết chữ!” thì cánh cửa vào công ty... đóng lại với Hải. “Tình hình” của Thúy khá hơn. Học đến lớp 7 nên cô được nhận vào một công ty may giày da. Dù vất vả nghèo khó nhưng họ vẫn sống trong hạnh phúc, yêu thương nhau (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Thúy đi làm, Hải vẫn thất nghiệp bởi loay hoay xin mãi không được. Khó khăn khi “đứa này nuôi đứa kia” nên Hải quyết định lại xin việc tiếp. Lần này anh chàng vào quán nhậu chạy bàn. Nhưng chỉ vài hôm là... chịu không thấu bởi 2 chân mỏi nhừ, rệu rã còn hơn... lội ruộng dưới quê. Công việc chưa đâu vào đâu nhưng ba mẹ 2 bên giục về cưới cho “xong một bề” rồi đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Cả 2 sắp xếp về quê làm đám cưới đơn giản và lại... lội lên Bình Dương tìm việc tiếp.

Để chồng không nản chí, Thúy nghỉ việc ở công ty cùng Hải đi xin việc làm tự do và được cùng làm với nhau cho vui nữa. Thế là 2 vợ chồng đầu quân cho một cơ sở làm than tổ ong. Thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng cho cả 2 vợ chồng và “tiêu cũng đủ vì chưa có con, sau này có con hẳng tính”. Đôi vợ chồng trẻ này nói với tôi như thế về cuộc sống hiện tại. Mỗi sáng sớm, 2 người xách theo cà-mên cơm, tay khoác vai nhau tung tăng đi làm với nụ cười thật tươi. Mong cho tình yêu của họ trẻ mãi, sớm vượt qua được khó khăn, kiếm chút vốn liếng về quê làm ăn như họ nói!

2. Vợ chồng anh Hùng từ Thái Bình vào Bình Dương hơn 3 năm nay. Họ đi theo một đội quân xây dựng của ông cai thầu Sơn. Ông Sơn người cùng làng, vào Nam làm ăn thấy được và về quê “gom quân” đi nhận những công trình xây dựng, tạo công ăn việc làm cho những lao động đồng hương đang thất nghiệp sau khi thu hoạch mùa vụ.

Hai vợ chồng anh chị vào Nam với hai bàn tay trắng và quyết tâm “mình khổ mấy được nhưng phải lo cho con ăn học đàng hoàng, đến nơi đến chốn”. Hai đứa con anh chị được gửi cho ông bà ngoại. Hiện một đứa lớp 9 một đứa lớp 7 và học hành giỏi giang là niềm an ủi lớn nhất của vợ chồng họ. Để tiết kiệm chi tiêu đến tối đa, anh Hùng không hề đi ăn sáng, cà phê cà pháo như những người cùng đội xây dựng khác mà ăn cơm nguội vợ chiên lại ở ngay lán trại. Chị Thanh vợ anh cũng rất đảm đang. Chị nhận phần đi chợ, nấu nướng cho cả đội 6 - 7 người và để tiết kiệm khoản tiền ăn chung. Tiền lương của chị mỗi ngày 130.000 đồng. Anh Hùng đã lên thợ chính được 180.000 đồng/ngày và hai người tiết kiệm hết mức để dành tiền lâu lâu ra bưu điện gửi về cho con ở quê.

Những lần đi gửi tiền trông họ rất háo hức. Chồng chở vợ đi và “tranh thủ dạo một vòng” cho bớt vất vả! Ngày thứ bảy, chủ nhật họ cũng tranh thủ làm chứ không nghỉ một ngày. Anh Hùng đùa: “Trời thương tụi tui nên ăn uống kham khổ vậy, ở thì ở lều quanh năm nhưng vẫn không bệnh đau gì. Chỉ mong được sức khỏe lo làm ăn nuôi con là hạnh phúc rồi”.

Cuộc sống hạnh phúc là biết đủ, biết hài lòng quả không sai với những đôi vợ chồng “tình vui trong nghèo khó” mà tôi đã gặp này...

QUỲNH NHƯ